Các tôn giáo kêu gọi hòa bình
Các tôn giáo kêu gọi hòa bình.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Roma (RVA News 27-10-2022) - Ðại diện các tôn giáo tham dự cuộc Gặp gỡ cầu nguyện tại Roma cho hòa bình, tha thiết kêu gọi mọi người đừng cam chịu chiến tranh, thỉnh cầu các nhà cầm quyền cúi mình lắng nghe khát vọng hòa giải giữa các dân tộc, đồng thời khẳng định rằng chiến tranh là mẹ của mọi nghèo đói.
Trên đây là nội dung lời kêu gọi được Ðức Thánh cha Phanxicô và các vị lãnh đạo các tôn giáo ký và công bố, vào cuối cuộc gặp gỡ và cầu nguyện cho hòa bình thế giới lần thứ 36, do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại Roma, từ chiều ngày 23 tháng Mười năm 2022 và kết thúc lúc 5 giờ 30 chiều ngày 25 tháng Mười năm 2022 tại Hý trường Colosseo ở Roma.
Ngoài Ðức Thánh cha và nhiều vị hồng y, còn có các đại diện của các Giáo hội Kitô khác, như Phật giáo, Ấn giáo, Do thái giáo, Hồi giáo và nhiều đạo khác, trước sự hiện diện của 2.000 người. Trong lời kêu gọi chung kết, có khẳng định rằng:
"Họp nhau tại Roma trong tinh thần Assisi, chúng tôi đã cầu nguyện cho hòa bình, theo các truyền thống khác nhau nhưng hòa hợp. Giờ đây, chúng tôi, đại diện các Giáo hội Kitô và các tôn giáo thế giới, chúng tôi ngỏ lời với thế giới và các vị lãnh đạo quốc gia. Chúng tôi lên tiếng thay cho những người đang đau khổ vì chiến tranh, những người tị nạn và gia đình của mọi nạn nhân và những người đã gục ngã".
"Với xác tín mạnh mẽ, chúng tôi nói: "Hãy chấm dứt chiến tranh! Chúng ta hãy ngưng mọi xung đột. Chiến tranh chỉ mang lạ chết chóc và tàn phá. Ðó là một cuộc phiêu lưu không ngày trở về, trong đó tất cả chúng đều mất mát. Chúng ta hãy làm cho võ khí im tiếng, tuyên bố ngay một cuộc đình chiến toàn cầu. Khởi động ngay trước khi quá trễ những cuộc thương thuyết có thể dẫn tới những giải pháp công chính cho một nền hòa bình vững chắc và lâu bền".
Sau những kinh hoàng và đau thương của thế chiến thứ hai, các quốc gia đã có thể hàn gắn những xâu xé sâu đậm do xung đột, và qua cuộc đối thoại đa phương, thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc, thành quả của một khát vọng, mà ngày nay hơn bao giờ hết, có trở thành một nhu cầu cấp tiết, đó là hòa bình. Giờ đây, chúng ta không thể không nhớ chiến tranh là thảm kịch dường nào, là mẹ của mọi nghèo đói.
"Chúng ta đứng trước một ngã ba đường: hoặc là một thế hệ để cho trái đất và nhân loại bị chết đi, tích trữ và buôn bán võ khí, với ảo tưởng tự cứu mình một mình chống lại những người khác, hay trái lại chúng ta là một thế hệ tìm những cách thức khác để sống chung, không đầu tư vào võ khí, bãi bỏ chiến tranh như một phương thế giải quyết xung đột và chấm dứt sự bóc lột kinh khủng các tài nguyên của trái đất".
"Chúng tôi, các tín hữu nỗ lực hoạt động cho hòa bình bằng mọi cách có thể. Nghĩa vụ của chúng tôi là giải giáp các tâm hồn và kêu gọi hòa giải giữa các dân tộc. Ðáng tiếc là giữa chúng tôi, đôi khi cũng có những chia rẽ, lạm dụng danh thánh của Thiên Chúa: chúng tôi khiêm tốn và xấu hổ xin lỗi về điều đó. Các tôn giáo là và phải tiếp tục là một nguồn lực lớn lao của hòa bình. Hòa bình là thánh thiêng, chiến tranh không bao giờ là thánh thiêng!"
Nhân loại phải chấm dứt các chiến tranh hoặc chính chiến tranh sẽ chấm dứt nhân loại. Thế giới, căn nhà chung của chúng ta, là duy nhất và không thể thuộc về chúng ta, nhưng thuộc các thế hệ tương lai. Vì thế, chúng ta hãy giải thoát thế giới khỏi ác mộng hạt nhân. Chúng ta hãy mở ngay một cuộc đối thoại nghiêm túc về việc không làm cho võ khí hạt nhân lan tràn và về việc tháo gỡ các võ khí hạt nhân.
"Chúng ta hãy cùng nhau tái khởi hành từ đối thoại là phương dược hữu hiệu để hòa giải các dân tộc. Chúng ta hãy đầu tư vào mọi con đường đối thoại. Hòa bình luôn luôn là điều có thể! Không bao giờ chiến tranh nữa! Không bao giờ người này chống lại người kia nữa!"
Văn bản lời kêu gọi trên đây được bà Edith Bruck, 91 tuổi, một văn sĩ người Do thái, chứng nhân về những kinh hoàng của Thế chiến thứ hai, cùng với sáu thiếu niên, thuộc nhóm thứ nhất, và tám học sinh trung học thuộc nhóm thứ hai, trao cho các nhân vật hiện diện tại lễ đài cạnh hý trường Colosseo, tượng trưng sự trao gửi sứ điệp cho toàn thế giới.
Diễn văn của Ðức Thánh cha
Trước đó, lên tiếng trong cuộc gặp gỡ, Ðức Thánh cha nói với các vị lãnh đạo tôn giáo và mọi người hiện diện rằng: "năm nay, lời cầu nguyện của chúng ta trở thành một tiếng "kêu gào" vì ngày hôm nay, hòa bình bị vi phạm trầm trọng, bị thương tích và chà đạp: và điều này xảy ra tại Âu châu, nghĩa là tại đại lục đã trải qua trong thế kỷ vừa qua những thảm kịch của hai Thế chiến. Rất tiếc là từ đó, chiến tranh không bao giờ ngưng đổ máu và làm cho trái đất trở nên nghèo nàn, nhưng thời điểm mà chúng ta đang sống đặc biệt là bi thảm. Vì thế, chúng ta đã dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện, Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu lo âu của các con cái Người". [...]
Ðức Thánh cha cũng nhắc đến hiểm họa chiến tranh hạt nhân và nói rằng:
"Mỗi chiến tranh để lại một thế giới suy đồi hơn trước. Chiến tranh là một thất bại của chính trị và của nhân loại, một sự đầu hàng nhục nhã, một chiến bại trước những thế lực của sự ác" (Ft 261). Ðó là những xác tín xuất phát từ những bài học rất đau thương của thế kỷ XX, và đáng tiếc là của cả phần đầu của thế kỷ XXI này. Thực vậy, ngày nay đang diễn ra điều mà người ta lo sợ và không bao giờ chúng ta muốn nghe nói đến, nghĩa là việc sử dụng các võ khí hạt nhân, mà sau Hiroshima và Nagasaki, người ta tiếp tục sản xuất và thí nghiệm các võ khí ấy".
Ðức Thánh cha nhắc lại lời kêu gọi của thánh Gioan XXIII Giáo hoàng hồi tháng Mười năm 1962, trong cuộc khủng hoảng quốc tế trầm trọng giữa Mỹ và Nga, về hiểm họa đụng độ với võ khí hạt nhân: "Chúng tôi khẩn thiết xin tất cả những nhà cầm quyền đừng tiếp tục giả điếc trước tiếng kêu này của nhân loại. Xin hãy làm tất cả những gì có thể trong khả năng của quý vị để cứu vãn hòa bình. Như thế chúng ta sẽ tránh cho thế giới những kinh hoảng của một cuộc chiến tranh, không thể lường trước được đâu sẽ là những hậu quả kinh khủng của nó. [...]. Thăng tiến, tạo điều kiện, chấp nhận đối thoại ở mọi cấp độ và trong mọi thời kỳ, đó là một quy luật khôn ngoan và thận trọng lôi kéo phúc lành từ trời đất" (Sứ điệp truyền thanh 25-10-1962).
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "60 năm sau, những lời này rất thời sự dường nào. Tôi nhận đó là những lời kêu gọi của tôi. Chúng ta không "trung lập, nhưng đứng về phe hòa bình. Vì thế, chúng ta nại đến quyền hòa bình như một quyền của tất cả mọi người, giải quyết chiến tranh mà không dùng bạo lực" (Cuộc gặp gỡ với các sinh viên và giới đại học ở Bologna, 1-10-2017).
(Rei 25-10-2022)