Sự phiền muộn thiêng liêng giúp ta nên kiên vững

nếu ta biết lắng nghe lời Chúa

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Sự phiền muộn thiêng liêng giúp ta nên kiên vững nếu ta biết lắng nghe lời Chúa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 26-10-2022) - Sáng thứ Tư, ngày 26 tháng Mười năm 2022, khoảng 9 giờ, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung gần 20,000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Sau khi đi qua các lối đi ở quảng trường, Ðức Thánh cha lên thềm Ðền thờ, nơi bục cao để mở đầu buổi tiếp kiến với lời chào phụng vụ; rồi tám giáo dân nhân viên các cơ quan ở Vatican lần lượt đọc một đoạn ngắn, trích từ sách Huấn Ca (Hc 2,1-2.4-5):

"Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Chúa, thì hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách... Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận và trải qua bao thăng trầm, con hãy kiên nhẫn".

Bài giáo lý

Trong bài giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục đề tài sự phân định và bài thứ bảy này có tựa đề: "Chất liệu phân định: sự phiền muộn".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta đã thấy trong bài giáo lý trước đây, sự phân định chủ yếu không phải là một tiến trình lý luận; nó hướng về những hành động, và những hành động có một ý nghĩa tình cảm, cần được nhìn nhận, vì Thiên Chúa nói với con tim. Bây giờ chúng ta đi vào trạng thái tình cảm đầu tiên, đối tượng sự phân định, là sự phiền muộn. Ðó là gì?

Phiền muộn là gì?

"Phiền muộn có thể định nghĩa thế này: "sự u tối của tâm hồn, sự xáo trộn nội tâm, một kích thích hướng về những điều thấp hèn và trần tục, lo âu vì nhiều dao động và cám dỗ: vì thế tâm hồn hướng về tình trạng thiếu tin tưởng, không hy vọng và thương mến, và nó trở nên ươn lười, nhạt nhẽo, buồn sầu và như thể bị tách rời khỏi Ðấng Tạo Hóa và xa lìa Chúa" (Thánh Ignatio di Loyola, Linh Thao, 317)."

Ðừng vội xua đuổi phiền muộn

Ðức Thánh cha nói: "Tôi tin rằng tất cả chúng ta, một cách nào đó, đều có kinh nghiệm về sự phiền muộn. Vấn đề là làm sao có thể đọc nó, vì nó cũng có điều gì quan trọng để nói với chúng ta, và nếu vội vã giải thoát mình khỏi phiền muộn, thì chúng ta có nguy cơ đánh mất nó."

"Không ai muốn phiền muộn, buồn bã. Tất cả chúng ta đều muốn một cuộc sống vui tươi, hân hoan và mãn nguyện. Nhưng điều này, chẳng những không có thể, nó cũng chẳng phải là điều tốt đối với chúng ta. Thực vậy, sự thay đổi cuộc sống hướng về tật xấu có thể khởi sự từ một tình trạng buồn bã, hối hận vì những gì đã làm. Ðiều rất đẹp là nguyên ngữ của từ "rimorso", hối hận: nghĩa đen có nghĩa là lương tâm cắn rứt, không để ta yên. Alessandro Manzoni, trong cuốn "Promessi sposi" Những người hứa hôn, đã trình bày cho chúng ta một mô tả tuyệt vời về sự hối hận, như một cơ hội để thay đổi cuộc sống. Sách kể lại cuộc đối thoại thời danh giữa Ðức Hồng y Federico Borromeo và Người Vô Danh. Người này sau một đêm kinh khủng, đến gặp Ðức Hồng y với khuôn mặt thểu não. Ðức Hồng y ngỏ lời với ông bằng những lời gây ngạc nhiên: "Ông có một tin mừng để nói với tôi phải không, ông làm tôi rất mong đợi tin ấy!". Người Vô Danh ấy ngạc nhiên hỏi: "Một tin mừng? Con đang chịu hỏa ngục trong tâm hồn?" [...] Xin hãy nói với con nếu Ðức Hồng y biết, đâu là tin mừng".

Ðức Hồng y bình thản đáp: "Tin mừng đó là Thiên Chúa đã đánh động tâm hồn, Người muốn ông thành bạn của Người" (Cap. XXIII). Ðức Hồng y, người của Thiên Chúa nhận thấy trong chiều sâu điều đang diễn ra trong tâm hồn.

Học cách đọc sự phiền muộn

Ðức Thánh cha giải thích rằng: "Ðiều quan trọng là học cách đọc sự sầu muộn. Thời đại chúng ta, nó bị coi là điều rất tiêu cực, một bất hạnh cần hết sức trốn tránh, nhưng thực ra nó có thể là một tiếng chuông báo động không thể thiếu được trong cuộc sống, mời gọi chúng ta khám phá những phong cảnh phong phú và màu mỡ hơn mà sự phù du và trốn tránh không cho phép. Thánh Tôma định nghĩa buồn sầu là một sự đau đớn của tâm hồn: những dây thần kinh đối với thân thể, sự sầu muộn thức tỉnh sự chú ý đứng trước một nguy hiểm có thể, hoặc đánh thức sự chú ý đứng trước một nguy cơ có thể xảy ra, hoặc một điều thiện bị lơ là (Summa Th. I-II, q.36, a.1). Vì thế, sầu muộn là điều không thể thiếu đối với sức khỏe của chúng ta, nó bảo vệ chúng ta để chúng ta khỏi gây hại cho bản thân và người khác. Thật là điều trầm trọng và nguy hiểm nếu không nhận thấy tâm tình đó."

Sầu muộn là một thử thách

"Trái lại, ai có ước muốn thực hiện điều thiện, thì sự buồn sầu là một chướng ngại, qua đó kẻ cám dỗ muốn làm cho chúng ta nản chí. Trong trường hợp đó, ta phải hành động trái ngược với điều nó xúi giục, quyết liệt tiếp tục điều ta đã quyết định làm (Xc Linh Thao 318). Chúng ta hãy nghĩ đến công việc, học hành, cầu nguyện, một cam kết đã hứa: nếu chúng ta bỏ rơi nó vừa khi cảm thấy buồn chán, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm được gì. Ðó cũng là một kinh nghiệm chung về đời sống thiêng liêng: Con đường dẫn đến điều thiện, như Tin mừng nhắc nhở, là con đường hẹp và lên dốc, nó đòi phải chiến đấu, chiến thắng bản thân. Tôi bắt đầu cầu nguyện, hoặc tôi dấn thân cho một công việc tốt, và lạ thay, chính lúc đó xuất hiện trong trí những điều cấp thiết cần thực hiện. Ðối với những người yêu mến Chúa, điều quan trọng là đừng để cho mình bị sầu muộn hướng dẫn. Rất tiếc là một số người quyết định bỏ đời sống cầu nguyện, hoặc một chọn lựa đã đề ra, hôn nhân hoặc đời sống tu trì, vì họ bị thúc đẩy do sầu muộn, mà không chịu dừng lại để đọc trạng thái tâm hồn, và nhất là không có sự giúp đỡ của một người hướng dẫn. Một quy luật khôn ngoan nói rằng "đừng thay đổi khi ta phiền muộn". Chính thời gian sau đó, hơn là tâm trạng lúc này, cho thấy những chọn lựa của chúng ta tốt hay xấu.

Kiên quyết xua đuổi cám dỗ

"Ðiều thú vị là ghi nhận rằng, trong Tin mừng, Chúa Giêsu xua đuổi những cám dỗ với một thái độ kiên quyết (Xc Mt 3,14-15; 4,1-11; 16,21-23). Những tình trạng thử thách xảy đến cho Ngài từ nhiều phía, nhưng luôn tìm thấy nơi Ngài sự kiên quyết, nhất quyết thi hành ý Chúa Cha, chúng giảm bớt và không còn cản trở bước đường của Ngài nữa. Trong đời sống thiêng liêng, thử thách là một lúc quan trọng. Kinh thánh nhắc nhở điều đó rõ ràng: "Nếu con muốn dấn thân phụng sự Chúa, thì hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách (Hc 2,1). Giống như khi một giáo sư khảo hạch sinh viên: nếu thấy sinh viên ấy biết những điểm thiết yếu của vấn đề, thì người ấy sẽ vượt qua được cuộc thi.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng:

"Nếu chúng ta biết vượt qua được cô đơn và sầu muộn với tinh thần cởi mở và ý thức, thì chúng ta có thể ra khỏi đó và được củng cố về mặt nhân bản và thiêng liêng. Không cuộc thử thách nào ở ngoài tầm tay của chúng ta: Thánh Phaolô nhắc nhở rằng không ai bị thử thách quá khả năng của họ, vì Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và có Chúa ở gần, chúng ta có thể chiến thắng mọi cám dỗ (Xc 1 Cr 10,13)."

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.

Khi chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Anh quốc, Ailen, Ðan Mạch, Na Uy, Malta, Indonesia, Philippines và Mỹ.

Khi chào các tín hữu BaLan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng: "Anh chị em đang sống Tuần lễ truyền giáo, năm nay có chủ đề là "Các con hãy là chứng nhân về Thầy". Với lòng biết ơn, tôi nghĩ đến bao nhiêu thừa sai nam nữ từ đất nước anh chị em đang làm chứng cho Tin mừng tại nhiều nơi trên thế giới. Tôi khuyến khích anh chị em hãy hỗ trợ công việc quan trọng của các thừa sai ấy, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng những cử chỉ liên đới cụ thể".

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến hiệp hội toàn quốc Ý các đại học Tuổi Thứ Ba, và khuyến khích hội tiếp tục hoạt động văn hóa này để bài trừ tình trạng cô đơn và bị gạt ra ngoài lề của người già. Họ là những chứng nhân của "ký ức" có thể giúp các thế hệ mới xây dựng một tương lai nhân bản và Kitô hơn.

Và sau cùng, như thường lệ, Ðức Thánh cha nhắc đến những người cao niên, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn hiện diện tại buổi tiếp kiến cuối cùng của tháng Mười năm 2022. Ngài nói: "Tôi muốn đặc biệt khuyên tất cả mọi người hãy đọc kinh Mân côi; ước gì kinh nguyện Thánh Mẫu đơn sơ và đầy ý nghĩa này chỉ cho mỗi người con đường theo Chúa Kitô với lòng tín thác và quảng đại".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page