Sứ điệp Ðức Thánh cha
cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2022
Sứ điệp Ðức Thánh cha cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2022.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 20-10-2022) - Chúa nhật, 23 tháng Mười năm 2022, là Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 77, được cử hành với chủ đề: "Các con sẽ là chứng nhân về Thầy cho đến tận bờ cõi trái đất", Tông đồ Công vụ đoạn 1 câu 8.
Trong tháng Mười năm 2022, tại nhiều nơi trên thế giới, đã có những sinh hoạt như học hỏi, thuyết trình, trình bày chứng từ của các thừa sai, và cũng có những cuộc lạc quyên để hỗ trợ công cuộc loan báo Tin mừng, đặc biệt tại các xứ truyền giáo, với hơn 1,100 giáo phận.
Như thông lệ, Ðức Thánh cha đã công bố một sứ điệp để hướng dẫn các tín hữu cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo. Năm 2022 sứ điệp của ngài được công bố rất sớm, vào ngày 06 tháng Giêng năm 2022, lễ Hiển Linh, qua đó ngài mời gọi các tín hữu toàn Giáo hội cùng nhau trở nên chứng nhân về Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Linh.
Ba kỷ niệm quan trọng
Trong sứ điệp, trước khi đi vào nội dung lời nhắn nhủ trên đây của Chúa Kitô cho các môn đệ trong Tông đồ Công vụ, Ðức Thánh cha nhắc đến ba kỷ niệm quan trọng trong năm 2022, đó là kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Truyền bá Ðức tin, nay là Bộ Truyền giáo cho các dân tộc, 200 năm thành lập Hội Truyền bá Ðức tin, Hội Thánh Nhi, và Hội thánh Phêrô tông đồ, sau cùng là kỷ niệm 100 năm nâng ba hội này lên hàng Hội "Giáo hoàng".
Ðức Thánh cha lần lượt diễn giải ý nghĩa ba thành ngữ tóm gọn ba nền tảng của đời sống và sứ mạng của các môn đệ: "Các con sẽ là chứng nhân về Thầy", "Cho đến tận bờ cõi trái đất", và "các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Linh".
Chứng nhân cho Chúa
Về điểm thứ I: "Các con sẽ là chứng nhân về Thầy", đây là điểm chủ yếu, là trung tâm giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ đứng trước sứ mạng của họ trên thế giới. Tất cả các môn đệ sẽ là chứng nhân của Chúa Giêsu, nhờ Chúa Thánh Linh mà họ sẽ nhận lãnh, dù họ đi đâu hay ở đâu.
Ðức Thánh cha viết: "Cũng như Chúa Kitô là vị đầu tiên được sai đi, nghĩa là thừa sai của Chúa Cha (Xc Ga 20,21), và với tư cách đó Ngài là "chứng nhân trung thành" (Xc Kh 1,5), cũng vậy mỗi tín hữu Kitô được kêu gọi trở thành thừa sai và chứng nhân của Chúa Kitô. Giáo hội, cộng đồng các môn đệ của Chúa Kitô, không có sứ mạng nào khác ngoài việc loan báo Tin mừng cho thế giới, làm chứng về Chúa Kitô".
Ðức Thánh cha cũng nhấn mạnh tính chất cộng đoàn-Giáo hội của ơn gọi các môn đệ làm thừa sai. Mỗi tín hữu được rửa tội được kêu gọi thi hành sứ mạng của mình trong Giáo hội và do sự ủy nhiệm của Giáo hội: vì thế sứ mạng truyền giáo được thực hiện cùng nhau, chứ không cá nhân, trong sự hiệp thông với cộng đoàn Giáo hội, chứ không phải do sáng kiến riêng của mình, cho dù trong một vài trường hợp rất đặc biệt, có người thi hành sứ mạng truyền giáo một mình, họ phải thi hành sứ mạng ấy trong sự hiệp thông với Giáo hội đã sai họ đi".
Ðức Thánh cha cũng khẳng định rằng: "Chính Chúa Kitô và Chúa Kitô Phục sinh là Ðấng chúng ta phải làm chứng và chia sẻ cuộc sống của Ngài. Các thừa sai được sai đi không phải để loan báo bản thân, chứng tỏ các đức tính và khả năng thuyết phục của mình hoặc khả năng quản trị của họ. Trái lại, họ có vinh dự rất cao trọng là, bằng lời nói và việc làm, cống hiến Chúa Kitô, loan báo cho mọi người Tin mừng cứu độ của Chúa trong niềm vui và thẳng thắn như các tông đồ tiên khởi".
Cho đến tận bờ cõi trái đất
Ðiểm thứ II là "Cho đến tận cùng trái đất", nói lên tính thời sự ngàn đời của sứ mạng loan báo Tin mừng hoàn vũ: "từ trung tâm Jerusalem, vốn được truyền thống Do thái coi như trung tâm của thế giới, cho đến miền Giudea, Samaria và tới tận cùng trái đất". Họ không được sai đi để chiêu dụ tín đồ (proselitismo)...
Ðức Thánh cha nhận xét rằng thành ngữ "cho đến tận cùng trái đất" phải đặt câu hỏi cho các môn đệ của Chúa Giêsu mọi thời và thúc đẩy họ ngày càng đi ra ngoài những nơi quen thuộc đệ làm chứng về Chúa. Mặc dù có tất cả những dễ dàng do những tiến bộ thời nay, vẫn còn những vùng địa lý trong đó các thừa sai chứng nhân của Chúa chưa đi tới cùng với Tin mừng tình thương của Chúa. Giáo hội đã, đang và sẽ luôn luôn "đi ra ngoài" hướng tới những chân trời mới về mặt địa lý, xã hội, cuộc nhân sinh, hướng về những nơi chốn và hoàn cảnh của con người ở 'biên cương' để làm chứng về Chúa Kitô và về tình thương của Ngài đối với mọi người nam nữ thuộc mọi dân tộc, văn hóa và giai tầng xã hội.
Nhận lãnh sức mạnh của Chúa Thánh Linh
Ðiểm thứ III: "Các con sẽ nhận lãnh sức mạnh của chúa Thánh Linh" - luôn để cho mình được Chúa Thánh Linh củng cố và hướng dẫn.
Theo trình thuật của Tông đồ Công vụ, sau khi Chúa Thánh Linh hiện xuống trên các môn đệ của Chúa Giêsu, đã diễn ra hoạt động đầu tiên làm chứng về Chúa Kitô, Ðấng đã chết và sống lại, với lời loan báo ơn cứu độ nhờ Chúa Kitô, gọi là diễn văn truyền giáo của thánh Phêrô cho dân chúng ở Jerusalem".
Ðức Thánh cha nhắc lại rằng cũng như "không ai có thể nói 'Ðức Giêsu là Chúa' nếu không được Thánh Linh tác động (1 Cr 12,3), không Kitô hữu nào có thể làm chứng tá trọn vẹn và chân thực về Chúa Kitô nếu không được Thánh Linh giúp đỡ. Vì thế, mỗi môn đệ thừa sai của chúa Kitô được kêu gọi nhìn nhận tầm quan trọng cơ bản tác động của Chúa Thánh Linh, sống với Chúa trong đời sống thường nhật và liên tục lãnh nhận sức mạnh và sự soi sáng từ Chúa. Ðúng hơn, chính trong khi lúc ta cảm thấy mệt mỏi, thiếu nghị lực, lạc hướng, chúng ta hãy nhớ chạy đến cùng Chúa Thánh Linh trong kinh nguyện, Ðấng có một vai trò chủ yếu trong đời sống truyền giáo, và để cho mình được Chúa bồi dưỡng, củng cố, Chúa Thánh Linh là nguồn mạch thần linh khôn cùng các nghị lực mới và nhiều vui chia sẻ với tha nhân sự sống của Chúa Kitô".
Trong phần cuối của sứ điệp, dưới ánh sáng tác động của Chúa Thánh Linh, Ðức Thánh cha đề cao hoạt động và sự nghiệp của Bộ Truyền giáo, Hội Giáo hoàng Truyền bá Ðức tin, Hội Thánh Nhi, hay Nhi đồng truyền giáo, và Hội thánh Phêrô nhân kỷ niệm 400 năm và 200 năm thành lập các tổ chức này.
(Rei 6-1-2022)