Ðại hội Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) 50
Ngày thứ năm - Những thực tế đang nổi lên tại châu Á
Ðại hội Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) 50 - Ngày thứ năm - Những thực tế đang nổi lên tại châu Á.
Nt.
Anna Ngọc Diệp, Dòng Ða Minh Thánh Tâm
Ðại hội Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) 50 - Ngày thứ năm - Những thực tế đang nổi lên tại châu Á. |
Bangkok (WHÐ 19-10-2022) - Ngày làm việc thứ năm của Ðại hội Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC), thứ Hai 17 tháng 10 năm 2022, được bắt đầu với thánh lễ do Ðức hồng y Patrick D'Rozario, CSC chủ tế.
Tại St. Michael's Hall, Ðức Hồng y Charles Bo - Chủ tọa các phiên họp trong ngày - hướng dẫn lời cầu nguyện cho Ðại hội. Giờ Kinh Sáng do quốc gia Bangladesh phụ trách qua hình thức trực tuyến.
Sau đó, Ðức hồng y Oswald Gracias trình bày định hướng và giải thích cấu trúc của các phiên họp trong tuần sẽ bao gồm phần thuyết trình có chủ đề dựa theo các tài liệu gần đây của Ðức Giáo hoàng Phanxicô, và tiếp đến là phần suy tư về những thực tế đang nổi lên ở châu Á.
1. Phần thuyết trình
- Hai thành viên của Ban thần học cho các vấn đề quan tâm của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu - FABC (the Office of Theological Concerns of the FABC), Ðức Giám mục Gerald Matthias, nhà thần học luân lý, và linh mục Nguyễn Hai Tính SJ, giáo sư thần học tín lý tại Học viện Công giáo Việt Nam, trình bày về đề tài "A post-pandemic Church and the Body of Christ" (Một Giáo hội hậu đại dịch và Nhiệm thể Chúa Kitô).
Ðức cha Matthias, khi đề cập đến những tổn thất mà đại dịch gây ra, và quan trọng hơn, những cơ hội mà đại dịch mang lại, cho thấy rằng Giáo hội - nhiệm thể Chúa Kitô - đã phải đau khổ, nhưng sự chữa lành cũng đã xuất hiện. Ðồng thời, ngài cũng trình bày những lộ trình mục vụ mới được khai mở sau đại dịch, chẳng hạn như: chương trình đối thoại, đào tạo, truyền giáo qua kỹ thuật số, bảo tồn sinh thái, và việc phục hưng phụng vụ mang tính cá vị nơi bản thân mỗi người. Về phần mình, cha Tính diễn tả một Giáo hội hậu đại dịch dễ bị tổn thương như thế nào khi phải chịu những sự đau khổ, thiệt hại, và thay đổi, nhưng mặt khác, đó cũng là một Giáo hội của mầu nhiệm Vượt qua và mang tính hiệp hành; tiến tới sự chữa lành và bước đi cùng nhau.
- Tiếp đến, tiến sĩ Antonio La Vina, một luật sư, nhà giáo dục và chuyên gia chính sách môi trường từ Phi Luật Tân, và cô Ridhima Pandey, một nhà hoạt động môi trường từ Ấn Ðộ, tập trung vào chủ đề "The Climate Crisis and its Impact in Asia" (Khủng hoảng khí hậu và tác động của nó ở châu Á). Khi cập nhật cho khán giả về tình trạng hiện tại của cuộc khủng hoảng khí hậu, tiến sĩ La Vina nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy lùi hết sức khi còn có thể những tác động tồi tệ nhất của khủng hoảng khí hậu. Khi kêu gọi các tham dự viên, trong vai trò quản lý và lãnh đạo, tiến sĩ Antonio La Vina đưa ra một loạt các điểm hành động đối với Giáo hội, từ các kế hoạch toàn cầu đến địa phương, được xây dựng dựa trên 2 Tông huấn Laudato Si' và Fratelli Tutti.
Phác thảo câu chuyện về sự tàn phá sinh thái ở chính quê hương mình, cô Ridhima Pandey chia sẻ những nỗ lực trong việc vận động cho tất cả các trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi trên bình diện rộng, cô cho thấy trẻ em ngày nay phải gấp rút hành động ra sao vì thế hệ trước đã không làm gì cả, trong chiều hướng ấy, cô Pandey hô hào, "từng chút nhiệt độ của sự nóng lên toàn cầu đều quan trọng... thế hệ trẻ chúng con cần sự giúp đỡ của quý Ðức cha".
Cuối cùng, nhằm chuyển tải sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô gửi cho thế giới, cô Pandey giới thiệu cuốn phim "The Letter" (Bức thư), sẽ được trình chiếu vào buổi tối cùng ngày, có nội dung đề cập đến hành động của giới trẻ và cuộc khủng hoảng khí hậu.
- Ðức Giám mục Allwyn D'Silva, nguyên chủ tịch The Climate Change Desk (Văn phòng về Biến đổi Khí hậu) của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC), thuyết trình về chủ đề "Laudato Si': A Call for Responsible Stewardship" (Laudato Si: Lời kêu gọi về vai trò quản lý có trách nhiệm). Ðề nghị tất cả mọi người cùng tham gia vào Bài ca Tạo vật, Ðức cha D'Silva hướng dẫn cử tọa suy tư về Tông huấn Laudato Si'.
Khi nêu bật ý niệm trái đất là ngôi nhà chung của tất cả mọi người, và các bài đọc trong sách Sáng thế cho thấy chúng ta là những người quản lý trái đất, Ðức cha D'Silva lặp lại lời tuyên bố của cô Pandey: "Chúng ta đang để lại một thế giới như thế nào cho thế hệ tiếp theo?". Ngoài ra, ngài cũng nêu rõ Tông huấn Laudato Si' có mối liên hệ sâu sắc với các giáo huấn xã hội của Giáo hội như thế nào. Sau đó, để kết thúc bài thuyết trình, Ðức cha D'Silva khuyến khích các tham dự viên mơ về một châu Á bao có sự tham gia của các cộng đồng Kitô hữu, bảo vệ quyền của người nghèo, và bảo tồn văn hóa địa phương và vẻ đẹp thiên nhiên.
- Ðức Hồng y Lazzaro You Heung-sik, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, trình bày đề tài "Reflections on Priestly Formation in an Epochal Change" (Những suy tư về việc đào tạo Linh mục trong sự thay đổi mang tính thời đại). Khi đặt ra câu hỏi "Giáo hội nào, phẩm chất linh mục nào, hình thức đào tạo nào?', Ðức Hồng y You Heung-sik khẳng định rằng mọi thứ đều phải quay trở lại với Kinh thánh - một cuốn sách, và một bộ luật - về tình yêu thương nhau, dưới quyền của một vị chủ tể đó là Thiên Chúa.
Trong giai đoạn thay đổi này, Giáo Hội cần phải trở thành một Giáo hội hiệp hành, một ngôi nhà và trường học của sự hiệp thông, nơi các linh mục cần phải là những môn đệ chân chính, những người được kêu gọi để phục vụ, những người làm việc như một gia đình, và việc đào tạo đó cần phải được thực hiện ở cả gia đình và chủng viện. Trước khi kết thúc bài thuyết trình, Ðức Hồng y kết luận một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Lời Chúa như một phần của cuộc sống hằng ngày.
2. Phần thảo luận
Các tham dự viên chia thành những nhóm mới để thảo luận và suy tư về việc làm sao để đưa vào áp dụng trong tương lai những ý nghĩa và giáo huấn đã được lãnh hội qua phần thuyết trình.
Giờ Kinh chiều, với bài Thánh thi bằng tiếng Hindi, do Ðức Hồng y Charles Bo chủ sự đã khép lại ngày thứ 5 của Ðại hội.
(Chuyển ngữ từ: dominusest.ph 18.10.2022)