Ước muốn trong tiến trình phân định

là kim chỉ nam để hiểu ta đang ở đâu và đi đâu

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Ước muốn trong tiến trình phân định là kim chỉ nam để hiểu ta đang ở đâu và đi đâu.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 13-10-2022) - Sáng thứ Tư, ngày 12 tháng Mười năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung gần 25,000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Như thường lệ, trước 9 giờ, Ðức Thánh cha tiến ra quảng trường, trên chiếc xe mui trần, đi qua các hàng ghế để chào thăm đông đảo các tín hữu hành hương.

Buổi tiếp kiến bắt đầu với lời chào phụng vụ của Ðức Thánh cha, và tám giáo dân lần lượt đọc đoạn Tin mừng theo thánh Gioan (5,2.5-9) bằng tám thứ tiếng:

"Tại Jerusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Do thái gọi là Batzata. Hồ này có năm hành lang... Ở đó có một người đau ốm đã 38 năm. Chúa Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, Ngài nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không?" Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước khuấy lên. Lúc tôi tới đó thì đã có người khác xuống nước trước mất rồi!". Chúa Giêsu bảo: "Anh hãy chỗi dậy, vác chõng mà đi!". Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và bước đi".

Bài giáo lý

Trong phần huấn dụ tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về sự phân định và bài thứ năm này có tựa đề: "Những yếu tố để phân định: ước muốn".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong các bài giáo lý này, chúng ta đang duyệt qua những yếu tố của sự phân định. Sau các yếu tố cầu nguyện và biết mình, hôm nay tôi muốn nói về một nhân tố khác không thể thiếu được, đó là "ước muốn". Thực vậy, phân định là một hình thức tìm kiếm, và sự tìm kiếm luôn nảy sinh từ một cái gì chúng ta thiếu và một cách nào đó chúng ta biết điều ấy.

Vậy sự biết như thế thuộc loại nào? Các bậc thầy về linh đạo gọi điều ấy bằng từ "ước muốn" (desiderio), nơi căn cội, đó là nhớ nhung sự viên mãn mà chúng ta không bao giờ thấy ở mức trọn vẹn, và đó là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Ước muốn không phải là muốn một cách hờ hững (voglia), ước muốn nhất thời, "qua đường" trong lúc này. Từ tiếng Ý, desiderio, xuất phát từ chữ Latinh rất đẹp, de-sidus, nghĩa đen là "sự thiếu ngôi sao", là thiếu điểm tham chiếu hướng dẫn hành trình cuộc sống; nó gợi lại một đau khổ, một điều tốt đang thiếu. Vì thế, ước muốn là kim chỉ nam để hiểu tôi đang ở đâu và đang đi đâu. Nhưng làm sao nhận biết nó?

Nhận biết ước muốn

Một ước muốn chân thành biết chạm đến những giây sâu thẳm nhất của con người chúng ta, vì thế nó không tắt lịm trước những khó khăn hoặc nghịch cảnh. Cũng giống như khi chúng ta khát: nếu chúng ta không tìm được gì để uống, không phải vì thế mà chúng ta bỏ qua, trái lại sự tìm kiếm càng ám ảnh những tư tưởng và hành động của chúng ta, cho đến khi chúng ta sẵn sàng thực hiện hy sinh nào đó để có thể làm cho nó dịu đi. Những chướng ngại và thất bại không dập tắt ước muốn, trái lại càng làm cho nó sinh động hơn trong chúng ta.

Ước muốn mang lại hướng đi cho cuộc sống

Khác với điều ta muốn hoặc cảm xúc nhất thời, ước muốn kéo dài trong thời gian, một thời gian dài, và nó có xu hướng được cụ thể hóa. Ví dụ, nếu một người trẻ ước muốn trở thành bác sĩ, thì phải bắt đầu hành trình học hỏi và làm việc vài năm trong cuộc sống của họ, vì thế người ấy phải đặt ra những giới hạn, không chấp nhận một số điều, hoặc những hành trình học vấn khác, nhưng cũng có thể là cả những tiêu khiển và giải trí, nhất là trong lúc học hành khẩn trương. Những ước muốn mang lại một hướng đi cho cuộc sống và đạt tới mục đích giúp ta vượt thắng những khó khăn ấy.

Thực vậy, một giá trị trở nên đẹp và dễ thực hiện khi nó hấp dẫn. Nhưng có người đã nói "Ðiều quan trọng là có ý muốn trở thành tốt, hơn là tốt rồi".

Một điều gây chú ý là Chúa Giêsu, trước khi thực hiện một phép lạ, thường hỏi đương sự về ước muốn của họ. Và nhiều khi câu hỏi ấy có vẻ lạc đề. Ví dụ, khi Chúa gặp người bất toại ở hồ Batzata. Ông ta nằm đó từ bao nhiêu năm rồi, và không nắm được đúng thời điểm để xuống nước hồ. Chúa Giêsu hỏi anh ta: "Anh có muốn khỏi bệnh không?" (Ga 5,6). Trong thực tế, câu trả lời của người bất toại tỏ cho thấy một loạt những kháng cự xa lạ đối với sự lành bệnh, không chỉ liên quan đến đương sự mà thôi. Câu hỏi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi hãy làm sáng tỏ trong tâm hồn anh ta để đón nhận một sự tăng vọt về chất lượng: đừng nghĩ về mình nữa, và về cuộc sống như người bất toại, được người khác mang đi. Nhưng người nằm trên cáng ấy dường như không xác tín như thế. "Khi đối thoại với Chúa, chúng ta học hiểu chúng ta thực sự muốn gì trong cuộc sống chúng ta." Người bất toại ấy là tiêu biểu cho những người nói: "có, tôi muốn, tôi muốn", nhưng rồi tôi không làm gì cả, không có ý muốn quyết liệt để thực hiện điều mình muốn.

Muốn suông và ước muốn quyết liệt

"Nhiều khi chính ước muốn tạo nên sự khác biệt giữa một bên là dự phóng thành công, nhất quán và lâu bền, và hằng ngày điều ta muốn trống trống và bên kia là hàng ngàn những điều muốn suông, bao nhiêu dự tính tốt, nhưng không nhất quyết thi hành, mà như người ta nói, "hỏa ngục được lát bằng những ý muốn như thế". Thời đại chúng ta đang sống dường như tạo điều kiện tối đa cho tự do chọn lựa, nhưng đồng thời làm giảm bớt ước muốn, cùng lắm là một ham muốn nhất thời. Chúng ta gặp thấy hàng ngàn đề nghị, bao nhiêu dự phóng, khả thể, và chúng ta có nguy cơ xao lãng, và không để mình thẩm định trong bình tĩnh điều mà chúng ta thực sự muốn.

Quyết liệt mong muốn

Nhiều người đau khổ vì không biết mình muốn gì trong cuộc sống; có lẽ họ không bao giờ tiếp xúc với ước muốn sâu xa của họ. Từ đó, có nguy cơ cuộc sống của họ diễn ra giữa những toan tính và phương thức khác nhau, nhưng không bao giờ đi tới đâu, hoặc đánh mất nhiều cơ may quý giá. Và thế là một số thay đổi, tuy được mong muốn trên lý thuyết, nhưng khi có cơ hội, nó không bao giờ được thực thi.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Giả sử Chúa hỏi chúng ta ngày hôm nay, như Ngài đã hỏi người mù thành Giêricô: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" (Mc 10,51), chúng ta sẽ trả lời Chúa thế nào? Chúng ta cần xin Chúa giúp chúng ta biết ước muốn sâu thẳm, đích thực về Chúa, mà chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn chúng ta, và xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để cụ thể hóa ước muốn ấy. Ðó là một ân phúc vô biên, làm căn cội cho mọi ân phúc khác: để cho Chúa thực hiện những phép lạ cho chúng ta, như trong Tin mừng."

Vì cả Chúa cũng rất muốn chúng ta: làm cho chúng ta được dự phần vào cuộc sống viên mãn của Ngài.

Chào thăm và kêu gọi

Buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và chào thăm các nhóm hành hương.

Khi chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha nhắc đến các tín hữu người Việt, và các tín hữu đến từ Mỹ, Ðan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Hòa Lan và Ghana.

Bằng tiếng Ba Lan, ngài nhắc nhở rằng: "Tháng Mười là tháng Mân côi. "Khi đọc kinh này, anh chị em hãy để cho cuộc sống và những chọn lựa hằng ngày được Chúa Kitô soi sáng, Người là Ánh Quang chân lý. Khi suy niệm về các Mầu nhiệm Sự Sáng, anh chị em hãy kính nhớ thánh Gioan Phaolô II, người đã muốn thêm các mầu nhiệm này vào việc chiêm ngắm những biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu."

Trong lời chào bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt chào mừng một nhóm người chăm sóc các bệnh nhân bị phong thấp, và đặc biệt cám ơn vì lãnh vực mục vụ y tế của giáo phận Roma. Ngài khích lệ tất cả hãy kiên trì trong công việc đầy công trạng, đó là nâng đỡ những người yếu đuối nhất.

Và sau cùng, như thường lệ, Ðức Thánh cha nghĩ đến những người cao niên, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắc đến "lễ nhớ thánh Gioan XXIII hôm 11 tháng Mười, người đã tận tụy phụng sự một cách gương mẫu đối với Chúa Kitô và Giáo hội, ân cần hoạt động cho phần rỗi các linh hồn và cho hòa bình thế giới. Ước gì sự phù hộ của thánh nhân giúp tất cả anh chị em trong nỗ lực hằng ngày trung thành với Chúa Kitô và nâng đỡ những người đang đau khổ vì chiến tranh, đặc biệt là nhân dân Ucraina yêu quý đang bị hành hạ."

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page