Ðức Thánh cha

viếng thăm Assisi lần thứ sáu

 

Ðức Thánh cha viếng thăm Assisi lần thứ sáu.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Assisi (RVA News 25-09-2022) - Sáng ngày 24 tháng Chín năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã đến viếng thăm Assisi, quê hương của thánh Phanxicô, lần thứ sáu, nhân dịp cuộc gặp gỡ của 1,000 nhà kinh tế trẻ, doanh nhân và các chuyên gia kinh tế quốc tế, nhóm họp để thảo luận và thăng tiến nền "Kinh tế theo tinh thần thánh Phanxicô".

Ðức Thánh cha đáp trực thăng lúc 9 giờ sáng, từ Vatican và đến quảng trường trước Vương cung thánh đường Ðức Mẹ các thiên thần nửa giờ sau đó, rồi đến trung tâm hội nghị. Tại đây, Ðức Thánh cha được ba bạn trẻ đại diện cùng với Ðức Hồng y Michael Czerny, Bộ trưởng Phát triển nhân bản toàn diện cùng với Ðức giám mục và chính quyền địa phương và gia đình dòng Phanxicô Assisi đón tiếp, trước khi bắt đầu cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ lúc 10 giờ.

Gặp gỡ các tham dự viên "Kinh tế Phanxicô"

Sau một tiết mục văn nghệ ngắn và những lời chào mừng, tám bạn trẻ đã kể lại kinh nghiệm đã trải qua trong việc xây dựng nền kinh tế mới, theo tinh thần thánh Phanxicô.

Diễn văn của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh cha ca ngợi các bạn trẻ đã dấn thân trong việc kiến tạo một nền kinh tế mới theo tinh thần của thánh Phanxicô, đáp lại lời mời gọi của ngài trong lá thư công bố cách đây ba năm, dấn thân họp thành một cộng đoàn thế giới người trẻ có cùng một ơn gọi.

Ðức Thánh cha nói: "Khi một người trẻ thấy nơi một người trẻ khác cùng một ơn gọi, và kinh nghiệm này được lập lại với hàng trăm, hàng ngàn người trẻ khác, thì khi ấy họ có thể trở thành những nhóm to lớn, thậm chí tạo nên hy vọng thay đổi cả một hệ thống to lớn, như nền kinh tế thế giới. Với ơn Chúa giúp, các bạn trẻ biết và có thể làm điều đó, như những người trẻ đã làm trong lịch sử... Các bạn được kêu gọi trở thành những người xây dựng và kiến tạo căn nhà chung [...] Một nền kinh tế mới, theo cảm hứng từ thánh Phanxicô Assisi, ngày nay có thể và phải trở thành một nền kinh tế thân hữu với trái đất và một nền kinh tế hòa bình. Vấn đề ở đây là biến đổi nền kinh tế giết hại (E.V 53) thành một nền kinh tế sự sống, trong tất cả các chiều kích của nó".

Nền kinh tế mới

Ðức Thánh cha nhận xét rằng nền kinh tế mới vừa nói là "một kinh tế cảm hứng từ chiều kích ngôn sứ và ngày nay được biểu lộ qua cái nhìn mới về môi trường và trái đất. Bao nhiêu cá nhân, xí nghiệp và tổ chức đang hoạt động để thực hiện một sự hoán cải sinh thái. Cần tiến bước theo con đường đó và thực hiện "hơn nữa". Ðiều "hơn nữa" này các bạn đang thực hiện và cũng mời gọi người khác làm như vậy. Không phải chỉ thực hiện những tô điểm bề ngoài, nhưng cần đặt lại vấn đề kiểu mẫu phát triển. Tình trạng cấp thiết đến độ chúng ta không thể chỉ chờ đợi hội nghị thượng đỉnh quốc tế sắp tới: trái đất ngày nay đang bị đốt cháy, và ngày nay chúng ta phải thay đổi ở mọi cấp độ".

Thay đổi lối sống

Trong chiều hướng trên đây, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng "chúng ta phải chấp nhận nguyên tắc luân lý đạo đức phổ quát, theo đó những thiệt hại cần phải được sửa chữa: nếu chúng ta đã tăng trưởng bằng cách lạm dụng trái đất và khí quyển, thì ngày nay chúng ta cũng phải thực hiện những hy sinh trong lối sống vẫn còn không thể kéo dài được. Chẳng vậy, con cháu chúng ta sẽ phải trả giá, một cái giá quá đắt và quá bất công. Cần thay đổi quyết liệt và mau lẹ. Tôi hy vọng nơi các bạn. Chúng ta đừng để mình yên hàn và hãy nêu gương!"

Quan tâm đến con người

Ðức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng: "trong khi chúng ta tìm cách cứu vãn trái đất, chúng ta không thể lơ là đối với con người, những người nam nữ đang chịu đau khổ. Sự ô nhiễm giết hại không phải chỉ là thán khí, nhưng cả sự chênh lệch làm ô nhiễm gây chết chóc cho trái đất chúng ta. Chúng ta không thể để cho những thiên tai mới về môi trường xóa bỏ khỏi dư luận quần chúng những tai ương cũ nhưng vẫn luôn hiện diện, là những bất công xã hội".

Ðức Thánh cha không quên những tai ương "đánh mất ý nghĩa cuộc sống", đánh mất lý do để trỗi dậy mỗi buổi sáng để đi làm việc, lý do mang lại niềm vui sống cần thiết cho nền kinh tế. Ngài nói: "Thế giới chúng ta đang mau lẹ làm tiêu hao hình thức thiết yếu của vốn liếng tinh thần đã được các tôn giáo, các truyền thống khôn ngoan, lòng đạo đức bình dân tích trữ qua bao thế kỷ. Nhất là người trẻ đang chịu đau khổ vì sự thiếu ý nghĩa cuộc sống."

Trong phần kết luận, Ðức Thánh cha đề nghị với các bạn trẻ ba hướng đi cần theo:

Trước tiên là nhìn thế giới với đôi mắt của những người nghèo nhất. "Các bạn sẽ cải tiến nền kinh tế, nếu nhìn sự việc từ cái nhìn của các nạn nhân và những người bị gạt bỏ. Nhưng để có cái nhìn của người nghèo, và các nạn nhân, thì cần phải biết họ, trở thành bạn của những người nghèo, chia sẻ cuộc sống của họ".

Thứ hai là đừng quên lao động, đừng quên các công nhân. Lao công là thách đố ngày nay và càng là thách đố trong tương lai. Nếu không có công việc làm và được trả lương xứng đáng, thì những người trẻ sẽ không thực sự trở thành những người trưởng thành và những chênh lệch gia tăng".

Ðường hướng thứ ba là nhập thể, cụ thể, biết biểu lộ những lý tưởng, ước muốn, giá trị thành những công việc cụ thể... Các bạn sẽ thay đổi thế giới kinh tế, nếu cùng với tâm hồn và đầu óc, các bạn dùng cả đôi tay. Những ý tưởng là cần thiết, thu hút nhiều người trẻ, nhưng chúng có thể trở nên những cạm bẫy nếu không trở thành cụ thể, trở thành những dấn thân hằng ngày."

"Hiệp ước"

Kết thúc bài huấn dụ, một văn bản "Hiệp ước" đã được ký kết và công bố, trong đó các nhà kinh tế trẻ, doanh nhân, và những người tạo nên thay đổi, cam kết dấn thân thực hiện một nền kinh tế hòa bình, thay vì chiến tranh, chống lại sự lan tràn võ khí, nhất là những võ khí tàn phá nhất, một nền kinh tế chăm sóc thiên nhiên thay vì phá tán, phục vụ con người, gia đình, sự sống, tôn trọng mọi người, nhất là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất, một nền kinh tế trong đó sự chăm sóc thay thế cho sự gạt bỏ và dửng dưng, không để ai bị thụt lùi đằng sau, xây dựng một xã hội trong đó những viên đá góc vốn bị não trạng ngày nay gạt bỏ nay trở thành những viên đá góc. Họ cũng cam kết nhìn nhận và bảo vệ công ăn việc làm xứng đáng cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ; một nền kinh tế, trong đó tài chánh là bạn và là đồng minh của nền kinh tế thực sự và của lao công, bài trừ lầm than dưới mọi hình thức, giảm bớt chênh lệch, được hướng dẫn nhờ đạo đức bản thân và cởi mở đối với siêu việt, nền kinh tế kiến tạo giàu sang cho tất cả mọi người, mang lại niềm vui chứ không phải chỉ tạo nên sung túc, vì hạnh phúc không chia sẻ thì quá ít...".

Cuộc gặp gỡ kết thúc lúc 11 giờ 30, và Ðức Thánh cha đáp máy bay trực thăng trở về Vatican.

(Rei 24-9-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page