Các tôn giáo là thành phần của giải pháp

cho sự sống chung hòa hợp hơn

 

Diễn văn của Ðức Thánh cha tại Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới ở Kazakhstan: Các tôn giáo là thành phần của giải pháp cho sự sống chung hòa hợp hơn.

G. Trần Ðức Anh, O.P.


Ðức Thánh cha tham dự Hội nghị kỳ VII các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới.


(RVA News 14-09-2022) - Thứ Tư, 14 tháng Chín năm 2022, ngày thứ hai trong chuyến tông du của Ðức Thánh cha Phanxicô tại Cộng hòa Kazakhstan. Ðức Thánh cha có hai hoạt động chính: tham dự buổi khai mạc Hội nghị kỳ VII các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới vào ban sáng; và ban chiều, cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công giáo, cũng là thánh lễ duy nhất cho công chúng trong chuyến tông du này.

Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo

Từ 19 năm qua, tức là từ năm 2003, chính phủ Kazakhstan đã tổ chức sáu Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới, cứ ba năm một lần, về sự đóng góp của các tôn giáo cho hòa bình và sự hòa hợp trên thế giới. Nhưng phải nhận rằng dư luận quần chúng ít chú ý đến các hội nghị này, tuy rằng con số các phái đoàn từ các nước đến tham dự gia tăng với thời gian. Hội nghị đầu tiên năm 2003 có số tham dự ít. Ba năm sau, 2006, có 29 đoàn từ 20 nước. Hội nghị năm 2009 được 77 đoàn từ 35 nước. Sang đến Hội nghị thứ lần thứ tư năm 2012 được có 85 đoàn từ 40 nước đến dự. Năm 2015, con số này hầu như đứng yên. Hội nghị lần thứ sáu hồi năm 2018 có 82 phái đoàn từ 42 nước và bàn về đề tài: "Các tôn giáo thế giới cho một thế giới an ninh".

Trong sáu Hội nghị trước đây, lần nào Tòa Thánh cũng gửi một phái đoàn cấp cao do một hồng làm trưởng đoàn, đến tham dự. Lần này, Tổng thống đã mời được Ðức Thánh cha đích thân đến dự, cùng với hơn 100 đoàn từ 50 quốc gia.

Hội nghị kỳ VII bàn về vai trò các vị lãnh đạo thế giới và các truyền thống tôn giáo trong sự phát triển tinh thần và xã hội của nhân loại thời hậu đại dịch. Ðề tài này bao gồm bốn phần:

Trước tiên là vai trò các tôn giáo trong việc thăng tiến các giá trị tinh thần và văn hóa trong thế giới tân tiến hiện đại. Tiếp đến là vai trò của giáo dục và sự soi sáng tôn giáo trong việc tăng cường sự sống chung hòa bình, trong tinh thần tôn trọng giữa các tôn giáo và văn hóa, công lý và hòa bình. Thứ ba là sự đóng góp của các vị lãnh đạo tôn giáo và các nhà chính trị vào việc thăng tiến đối thoại liên tôn và hòa bình thế giới, chống lại trào lưu cực đoan, khủng bố, đặc biệt là nạn khủng bố dựa trên tôn giáo. Sau cùng là sự đóng góp của nữ giới vào an sinh và sự phát triển lâu bền của xã hội và vai trò của các cộng đoàn tôn giáo trong việc hỗ trợ vị thế xã hội của phụ nữ.

Ðức Thánh cha tham dự Hội nghị

Rời Tòa Sứ thần lúc 9 giờ 40 phút sáng 14 tháng Chín, Ðức Thánh cha đến Tòa nhà Ðộc Lập nơi diễn ra Hội nghị. Tòa nhà vĩ đại này có hình thang, tọa lạc ở quảng trường trung tâm thủ đô Nur-Sultan, bọc kiếng màu xanh dương, có ba lầu, với diện tích trên 40,000 mét vuông. Lầu một dành làm trung tâm báo chí, phòng tiệc và các lễ nghi, một đại thính đường cho các hội nghị, rộng gần 4.800 mét vuông, với những tường lưu động, để nếu cần có thể phân chia thành bốn phòng lớn đều nhau, dành cho các cuộc gặp gỡ, diễn đàn, các Hội nghị quốc tế.

Lầu hai của Tòa nhà Ðộc Lập hoàn toàn dành cho nghệ thuật, các cuộc triển lãm. Sau cùng lầu ba dành để kể lại lịch sử của Nur-Sultan. Tòa nhà cũng có một phòng chiếu phim và thư viện.

Tại Hội trường, có một bàn tròn lớn với Ðức Thánh cha và cạnh ngài là Tổng thống Tokayev, các vị trưởng phái đoàn tôn giáo ngồi quanh, trong khi các bộ trưởng, các thành viên phái đoàn tôn giáo khác, cũng như các tham dự viên ngồi ở khu vực quanh bàn tròn.

Lúc 10 giờ, Ðức Thánh cha đã cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo hiện diện cầu nguyện trong thinh lặng, trước khi Tổng thống Tokayev chính thức đọc diễn văn khai mạc Hội nghị. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng hòa bình thế giới.

Diễn văn của Ðức Thánh cha

Ðức Thánh cha lên tiếng lúc 10 giờ 30, giờ địa phương, và ngài nói bằng tiếng Ý. Ngay trong lời mở đầu bài diễn văn, Ðức Thánh cha chào mọi người, các vị lãnh đạo tôn giáo và chính quyền, bằng lời xưng hô quen thuộc: "Thưa anh chị em!" để nói lên xác tín về tình huynh đệ liên kết tất cả mọi người với nhau, trong tư cách là con của cùng một Trời.

Ðức Thánh cha nói: "Ðặc tính cùng là thụ tạo của chúng ta tạo nên một đặc tính chung, một tình huynh đệ thực sự. Nó nhắc nhở chúng ta rằng ý nghĩa cuộc sống không thể thu hẹp vào những lợi lộc cá nhân của chúng ta, nhưng được ghi trong tình huynh đệ, là điều làm cho chúng ta nổi bật. Chúng ta chỉ tăng trưởng với người khác và nhờ người khác".

Trong bài diễn văn, Ðức Thánh cha nhiều lần trưng dẫn người cha của nền văn chương mới, nhà giáo và là nhà sáng tác âm nhạc nổi tiếng của Kazakhstan, đó là ông Abai (1845-1904) sống vào hậu bán thế kỷ XIX. Các tác phẩm của vị này biểu lộ tâm hồn tốt đẹp nhất của dân tộc Kazakhstan: một sự khôn ngoan hài hòa, mong ước hòa bình, và khiêm tốn tự vấn, tìm kiếm, khao khát một sự khôn ngoan xứng đáng với con người, không bao giờ khép kín trong những quan niệm hẹp hòi. Ông Abai cũng từng nói rằng chúng ta cần giữ cho "tâm hồn tỉnh thức và tâm trí trong sáng" (Parola 6), và Ðức Thánh cha nói:

Nêu gương tỉnh thức và trong sáng

"Anh chị em, thế giới đang chờ đợi nơi chúng ta tấm gương về những tâm hồn tỉnh thức và tâm trí trong sáng, thế giới đang chờ đợi lòng đạo đức chân chính. Ðã đến giờ thức tỉnh khỏi thái độ cực đoan, duy căn (fondamentalismo) làm ô nhiễm và hao mòn mọi tín ngưỡng. Ðã đến lúc làm cho con tim trong sáng, và cảm thương... Tại những nơi này, vốn khét tiếng vì gia sản của chế độ nhà nước vô thần, áp đặt trong nhiều thập niên, với não trạng đàn áp và bóp nghẹt, nguyên việc dùng từ "tôn giáo" cũng đủ gây khó chịu. Trong thực tế, các tôn giáo không phải là vấn đề, nhưng là thành phần của giải pháp cho sự sống chung hòa hợp hơn..."

Thăng tiến tự do tôn giáo

"Ðể được vậy, điều kiện thiết yếu cho sự phát triển chân thực nhân bản và toàn diện chính là tự do tôn giáo. Anh chị em, chúng ta được dựng nên như những thụ tạo tự do. Ðấng Tạo Hóa đã trở nên thành phần của chúng ta. Có thể nói, Ngài đã giới hạn tự do tuyệt đối của Ngài để làm cho chúng ta trở thành những hữu thể tự do. Làm sao chúng ta có thể cưỡng cách các anh chị em chúng ta nhân danh Ngài?... Tự do tôn giáo là một quyền căn bản, chính yếu và bất khả xâm phạm, cần phải thăng tiến khắp nơi và không thể bị thu hẹp vào tự do phụng tự mà thôi. Thực vậy, đó là quyền của mỗi người được làm chứng tá công khai về tín ngưỡng của mình: đề nghị tín ngưỡng ấy nhưng không bao giờ áp đặt... đẩy lùi tín ngưỡng quan trọng nhất trong cuộc sống vào lãnh vực riêng tư thì sẽ làm cho xã hội bị mất một sự phong phú vô biên.

Trong bối cảnh này, Ðức Thánh cha ca ngợi sự tôn trọng tự do tôn giáo ở Kazakhstan và hơn nữa quốc gia này còn tổ chức Hội nghị quốc tế quan trọng các vị lãnh đạo tôn giáo từ 20 năm nay. Hội nghị năm nay đề nghị chúng ta suy tư về vai trò của tôn giáo trong việc phát triển tinh thần và xã hội cho nhân loại trong thời hậu đại dịch.

Bốn thách đố

Từ tiền đề trên đây, Ðức Thánh cha nói đến bốn thách đố lớn mà tất cả mọi người, đặc biệt là các tôn giáo, được kêu gọi đáp ứng trong sự liên kết các ý hướng.

Chăm sóc trong liên đới

Trước tiên, đại dịch Covid-19 làm chúng ta hiểu rằng mình không phải là thần minh, nhưng là người mong manh, tất cả đều cần trợ giúp, không ai hoàn toàn tự đầy đủ cho mình. Vì thế, chúng ta không thể phá tán nhu cầu liên đới chúng ta đã cảm thấy, để rồi tiếp tục tiến bước như thể không có gì xảy ra, không để cho mình được kêu gọi cùng nhau đáp ứng những nhu cầu cấp thiết liên hệ tới tất cả mọi người. Và các tôn giáo không thể dửng dưng trước nhu cầu này. Chúng ta được kêu gọi đi hàng đầu, thăng tiến một sự đoàn kết trước những thử thách có nguy cơ chia rẽ gia đình nhân loại hơn nữa.

Thách đố này bao hàm điều này là: các tín hữu thời hậu đại dịch được kêu gọi chăm sóc: chăm sóc nhân loại chung, trở thành những người kiến tạo hiệp thông, làm chứng về một sự cộng tác vượt lên trên những rào cản về mặt cộng đồng, chủng tộc, quốc gia hoặc tôn giáo. Ðể được vậy, cần lắng nghe những người yếu thế hơn, dành tiếng nói cho những người mong manh, nói lên tình liên đới đại đồng, liên hệ trước tiên tới họ, những người nghèo túng đã chịu đau khổ nhiều nhất vi đại dịch...

Xây dựng hòa bình, chống bạo lực

Thách đố thứ hai được đặt ra đặc biệt cho các tín hữu, đó là thách đố hòa bình. Trong những thập niên qua, cuộc đối thoại giữa các vị lãnh đạo tôn giáo đặc biệt xoay quanh đề tài đó, vậy mà chúng ta thấy vấn đề hòa bình vẫn còn đè nặng trên chúng ta. Nếu Ðấng Tạo Hóa đã mang lại nguồn gốc cho sự sống con người, làm sao chúng ta có thể, trong tư cách là tín hữu, đồng ý để cho sự sống con người bị hủy diệt?

Nhớ lại những kinh hoàng và những lỗi lầm quá khứ, chúng ta hãy liên kết nỗ lực để không bao giờ Ðấng Toàn Năng trở thành con tin của ý muốn quyền lực phàm nhân. Học giả Abai đã nhắc nhớ rằng "người nào để cho sự ác xảy ra mà không chống lại sự ác, thì không thể được coi là tín hữu chân chính, nhưng cùng lắm thì họ chỉ là một tín hữu nguội lạnh mà thôi" (Parola 38)... Chúng ta đừng bao giờ biện minh cho bạo lực. Ðừng bao giờ để cho điều thánh thiêng bị những gì là phạm tục lợi dụng. Ðiều thánh thiêng không được là điểm tựa cho quyền lưc và quyền lực không được dựa vào thánh thiêng!

Thiên Chúa là hòa bình và luôn dẫn đến hòa bình, không bao giờ dẫn tới chiến tranh. Vì thế, chúng ta càng cần dấn thân hơn nữa để thăng tiến và củng cố sự cần thiết làm sao để các cuộc xung đột được giải quyết, không phải bằng những lý lẽ võ lực, với võ khí và những đe dọa nhưng bằng những phương thế duy nhất từ Trời Cao và xứng đáng với con người: đó là gặp gỡ, đối thoại, thương thảo kiên nhẫn, tiến hành đặc biệt nghĩ đến các trẻ em và người trẻ thuộc các thế hệ tương lai.

Tình huynh đệ

Thách đố thứ ba Ðức Thánh cha nói đến là sự đón tiếp huynh đệ. Ngài nhận xét rằng: Ngày nay có một sự mệt mỏi lớn trong việc chấp nhận hữu thể người. Mỗi ngày có các thai nhi và trẻ em, người di dân và người già bị gạt bỏ. Bao nhiêu anh chị em bị hy sinh trên bàn thờ lợi lộc, được bọc trong hương trầm phạm thánh của sự dửng dưng. Nhưng mỗi hữu thể người là thánh thiêng: nhiệm vụ nhất là của chúng ta của các tôn giáo, là nhắc nhở điều đó cho thế giới! Chưa bao giờ như ngày nay, chúng ta chứng kiến những di chuyển lớn của dân chúng vì chiến tranh, nghèo đói, thay đổi khí hậu, tìm kiếm an sinh mà thế giới hoàn cầu hóa cho biết, nhưng thường khó đạt tới.

Bảo vệ căn nhà chung

Ðức Thánh cha cũng nói đến thách đố hoàn vũ cuối cùng là bảo vệ căn nhà chung. Ðứng trước những đảo lộn khí hậu cần phải bảo vệ căn nhà này, để nó không phải theo những tiêu chuẩn lợi lộc, nhưng được bảo tồn cho các thế hệ mai sau, chúc tụng Ðấng Tạo Hóa. Chúng ta hãy chung nỗ lực trong thách đố này. "Virus như Covid-19, tuy nhỏ bé, nhưng chúng có thể làm hao mòn những tham vọng lớn về sự tiến bộ và thường xảy đến từ thế giới động vật, từ một sự quân bình bị thoái hóa, phần lớn do chúng ta. Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến nạn phá rừng, buôn bán động vật bất hợp pháp, chăn nuôi cấp tốc. Ðó là não trạng khai thác bóc lột tàn phá căn nhà chúng ta đang ở. Hơn nữa nó làm lu mờ viễn tượng tôn giáo và tôn giáo về thế giới mà Ðấng Tạo Hóa mong muốn. Vì thế, điều cấp thiết là tạo điều kiện và thăng tiến sự bảo vệ sự sống trong mỗi hình thức của nó".

Kết thúc bài diễn văn dài của Ðức Thánh cha, còn có nhiều bài tham luận khác của các vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị, trong đó có Ðức Tổng giám mục Antony, Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ tòa Thượng phụ Chính thống Nga, Rabbi trưởng của Do thái giáo, Ðại Imam Al Tayyeb của Ðền thờ Hồi giáo Al Azhar ở Cairo Ai Cập, ông Guterres Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, v.v.

Lúc 11 giờ 30, Ðức Thánh cha cùng với các vị lãnh đạo khác tiến ra gian bên ngoài để chụp hình lưu niệm và giải lao.

Tiếp đến từ lúc 12 giờ, Ðức Thánh cha dành một tiếng để gặp gỡ riêng một số vị lãnh đạo tôn giáo, trong khi các vị khác cũng có cơ hội gặp gỡ và trao đổi riêng với nhau.

Sau cùng, Ðức Thánh cha trở về Tòa Sứ thần, lúc quá 13 giờ để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page