Ðức Thánh cha gặp chính quyền

và các đại diện xã hội Kazakhstan

 

Ðức Thánh cha gặp chính quyền và các đại diện xã hội Kazakhstan.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Nur Sultan (RVA News 13-09-2022) - Sau cuộc hội kiến riêng với Tổng thống Tokayev, Ðức Thánh cha đến Hội trường hòa nhạc Qazaq, cách đó 500 mét để gặp gỡ chung chính quyền, khoảng 300 đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, vào lúc 3 giờ 30 chiều giờ địa phương.

Diễn văn đầu tiên của Ðức Thánh cha

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Tokayev, Ðức Thánh cha cho biết ngài đến Kazakhstan "như một người lữ hành hòa bình", tìm kiếm đối thoại và hiệp nhất.

Ngài nói: thế giới chúng ta đang cấp thiết cần điều đó, cần tìm lại sự hòa hợp có biểu tượng tại đất nước này là cây đàn tỳ bà (dombra) truyền thống có hai dây song song".

"Sự hòa hợp đó được biểu lộ qua bao nhiêu hình ảnh: giữa mùa đông giá rét và mùa hè nóng bức, giữa hai tâm hồn Á và Âu tại đất nước Kazakhstan này: khoảng 150 nhóm sắc tộc và hơn 80 ngôn ngữ tại đây, với những lịch sử, truyền thống văn hóa và tôn giáo khác nhau, tạo nên một bản hợp ca ngoại thường, và biến Kazakhstan thành một phòng thí nghiệm đa chủng tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo có một không hai, nêu bật ơn gọi đặc thù là đất nước gặp gỡ".

Trong lãnh vực này, Ðức Thánh cha đặc biệt đề cao vai trò của các tôn giáo. Ngài cho biết chính vì thế ngài cảm thấy được vinh dự tham gia Hội nghị kỳ VII các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới và truyền thống tại đây. Và tuy hiến pháp Kazakhstan, mặc dù coi mình là "đời", là trung lập đối với tôn giáo, nhưng vẫn bảo đảm tự do tôn giáo và tín ngưỡng, và cả tự do không theo một tôn giáo, đồng thời cấm không được cưỡng bách theo đạo. Ðó là một đặc tính đời lành mạnh.

Ðức Thánh cha cũng ca ngợi tiến trình đẩy mạnh dân chủ hóa mà chính phủ Kazakhstan đang theo đuổi từ những tháng gần đây nhắm củng cố thẩm quyền của quốc hội và các chính quyền địa phương, và nói chung là phân quyền nhiều hơn.

Nhắc đến chiến tranh tại Ucraina, Ðức Thánh cha đặc biệt đề cao vai trò cơ bản của Kazakhstan trong việc làm dịu bớt những xung khắc và nói rằng: "Tôi đến đây để tăng cường tiếng kêu của bao nhiêu người đang kêu cầu hòa bình, con đường phát triển thiết yếu đối với thế giới hoàn cầu hóa của chúng ta. Vì thế, điều ngày càng cấp thiết là gia tăng những nỗ lực ngoại giao, cổ võ đối thoại và gặp gỡ. Vì ngày nay, vấn đề của vài người cũng là vấn đề của tất cả mọi người, và ai trên thế giới nắm nhiều quyền bính hơn thì có nhiều trách nhiệm hơn đối với những người khác, nhất là tại những nước bị khủng hoảng nhiều hơn vì những cuộc xung đột. Trong lãnh vực này, không thể chỉ để ý đến những lợi ích cho mình. Ðã đến lúc cần tránh sự cạnh tranh và củng cố các khối đối nghịch. Chúng ta cần những vị lãnh đạo, trên bình diện quốc tế, giúp các dân tộc cảm thông và đối thoại, tạo nên một "tinh thần Helsinki mới", ý chí củng cố sự đa phương, xây dựng mộ thế giới bền vững và an bình hơn, nghĩ đến các thế hệ mai sau".

Trong bối cảnh trên đây, Ðức Thánh cha ca ngợi Kazakhstan đã từ bỏ các võ khí hạt nhân và chú trọng đến sự đối thoại liên tôn và tinh thần bao dung. Ngài không quên dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Kazakhstan, mừng vào ngày 17 tháng Mười sắp tới và đồng thời bày tỏ vui mừng vì được viếng thăm nước này nhân dịp kỷ niệm này. Ðức Thánh cha nói: "Tôi đoan chắc rằng các tín hữu Công giáo hiện diện tại Trung Á từ thời xa xưa, đang mong muốn tiếp tục làm chứng về tinh thần cởi mở và đối thoại tôn trọng vốn là điều nổi bật của đất nước Kazakhstan.

Bài diễn văn đầu tiên của Ðức Thánh cha bằng tiếng Ý, và những người thuộc ngôn ngữ khác có thể dùng hệ thống nghe để theo dõi bằng tiếng của mình.

Sau cuộc gặp gỡ trên đây, lúc 8 giờ tối giờ địa phương, Ðức Thánh cha về Tòa Sứ thần Tòa Thánh, cách đó gần bốn cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page