Tổ chức Renovabis kêu gọi
cải tiến công nhân di dân
Tổ chức Renovabis kêu gọi cải tiến công nhân di dân.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Munich (RVA News 05-09-2022) - Ðại hội thường niên của tổ chức bác ái Renovabis thuộc Hội đồng Giám mục Ðức, kêu gọi cải tiến điều kiện làm việc của các công nhân di dân.
Renovabis là cơ quan do Hội đồng Giám mục Ðức thiết lập, sau khi bức màn sắt chia cách Ðông và Tây Âu bị sụp đổ. Tổ chức này tài trợ nhiều dự án phát triển và tái thiết tại các nước Ðông Âu hậu cộng sản.
Khóa họp thường niên thứ 26 của Renovabis đã kết thúc hôm 01 tháng Chín năm 2022, sau hai ngày tiến hành tại thành phố Munich, nam Ðức, với chủ đề: "Phải chăng là một chuyến đi để đạt tới cuộc sống tốt đẹp hơn? Những thách đố đối với việc cải tiến điều kiện làm việc của các công nhân di dân". Tham dự khóa họp có hơn 200 chuyên gia từ 20 quốc gia.
Các tham dự viên đã bàn về các vấn đề và những cơ may do việc di cư kinh tế. Ví dụ, nếu không có các công nhân đến từ các nước Ðông Âu thì các dịch vụ công cộng và kinh tế tại Ðức đã bị sụp từ lâu, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng và điều dưỡng.
Trong một sứ điệp Video gửi các tham dự viên, Ðức Tổng giám mục Heiner Koch, của giáo phận Berlin, Chủ tịch tổ chức Renovabis nhấn mạnh rằng trong vấn đề điều kiện làm việc tốt cho các công nhân di dân, các tổ chức của Giáo hội, như Caritas, có thể nêu gương. Ðiều này được áp dụng cho cả nước Ðức lẫn các nước Ðông và Trung Âu.
Linh mục Thomas Schwart, Giám đốc điều hành tổ chức Renovabis, trong diễn văn khai mạc đại hội, đã mời gọi mọi người dành một phút thinh lặng để tưởng niệm cố chủ tịch Mikhail Gorbaciov, qua đời ngày 31 tháng Tám năm 2022, thọ 91 tuổi. Theo diễn giả, ông là một trong những người cha của nền hòa bình mới ở Âu châu. Ông đã muốn hoạt động cho hòa bình, nhớ đến đau khổ của vô số người trong Thế chiến thứ hai.
Cha Schwartz cũng nhắc đến cuộc viếng thăm cha thực hiện tại Ucraina hồi tháng Bảy năm 2022 và có ấn tượng rất mạnh vì mặc dù bị mất mát rất nhiều, nhưng họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ các đồng bào của họ. Ngoài ra, trong thời đại dịch, phần lớn dân Ðức lần đầu tiên đã ý thức rằng bao nhiêu người Ðông Âu đang làm việc tại Ðức trong các ngành nông nghiệp, hậu cầu, săn sóc xã hội và nhà hàng. Giả sử không có các công nhân viên ấy thì toàn bộ công nghệ của Ðức đã bị sụp. Trong khi đó nhiều công dân ấy không được trả lương xứng đáng và nhiều khi bị bóc lột.
Trong bối cảnh đó, cha Schwart kêu gọi sửa chữa tình trạng bất công trên đây: trả lương xứng đáng và đối xử công bằng đối với các công nhân di dân. Theo cha, chính phủ Ðức cần tài trợ cho các nước nguyên quán của các công nhân ấy và bù đắp phí tổn giáo dục cho họ. Vì dụ, nhà nghiên cứu Tado Juríc, cho biết Croát đã đầu tư 18 tỷ Euro trong việc giáo dục các công nhân, những người này sau đó đã di cư sang Ðức và làm việc tại đây. Ông Juric đặt câu hỏi: tại sao nước Ðức không tài trợ các trường y tá tại Croát? Lẽ ra các y tá Croát ấy phải làm việc 5 năm tại Croát trước khi di cư sang Ðức làm việc.
Những yêu cầu trên đây đã được đề ra trong tuyên ngôn chung kết của Ðại hội, gọi là "Lời kêu gọi từ Munich".
(Kai 3-9-2022)