Sự phân định đòi phải có

một tương quan con thảo với Thiên Chúa

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Sự phân định đòi phải có một tương quan con thảo với Thiên Chúa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 01-09-2022) - Sáng thứ Tư, ngày 31 tháng Tám năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 5,000 tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Có gần 20 đôi tân hôn được ngồi ở những hàng ghế đầu.

Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá, tám giáo dân lần lượt đọc một đoạn Tin mừng ngắn, bằng tám thứ tiếng, trích từ đoạn 13 Tin mừng theo thánh Matthêu (13,44.47.48), như sau:

"Nước trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn lại rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng ấy. Nước trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt: cá tốt thì cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài."

Bài giáo lý

Trong phần huấn dụ tiếp đó, Ðức Thánh cha bắt đầu một loạt bài mới về sự phân định (discernimento), và bài đầu tiên này có tựa đề: "Phân định có nghĩa là gì?"

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tầm quan trọng của phân định

"Hôm nay chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới về đề tài phân định. Phân định là một hành vi quan trọng liên quan đến tất cả mọi người, vì những chọn lựa là phần thiết yếu của cuộc sống. Ta chọn một món ăn, một y phục, một học trình, một công việc, một tương quan. Trong tất cả những điều đó, có cụ thể hóa một dự phóng cuộc sống, và cả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu nói về sự phân định bằng những hình ảnh rút từ đời sống thường nhật; ví dụ, Ngài mô tả các ngư phủ chọn cá tốt và loại bỏ cá xấu; hoặc một lái buôn biết nhận ra, giữa bao nhiêu hạt trai, viên ngọc có giá trị hơn. Hoặc người kia, khi cày bừa trong cánh đồng, gặp phải một cái gì đó là một kho tàng (Xc Mt 13,44-48).

Những khía cạnh của phân định

Dưới ánh sáng những ví dụ đó, sự phân định là một việc tập luyện trí tuệ, kỹ năng và cả ý chí để đón nhận thời điểm thuận tiện: đó là những điều kiện để thực hiện một sự chọn lựa tốt. Cũng có một giá phải trả để phân định có thể trở thành hiệu năng. Ðể thi hành nghề nghiệp của mình tốt đẹp hơn, ngư phủ cần chấp nhận vất vả, những đêm dài trên biển, và loại bỏ một phần những cá đã đánh được, chấp nhận một sự mất mát lợi lộc để mang lại điều tốt cho những người mình nhắm tới. Người buôn ngọc không do dự chi tất cả để mua viên ngọc; cũng xảy ra như vậy với người gặp một kho tàng. Những tình trạng bất ngờ, không định trước, trong đó điều cơ bản là nhận nhận ra tầm quan trọng và sự cấp thiết cần đưa ra quyết định.

Khía cạnh tình cảm trong phân định

"Tin mừng đề nghị một khía cạnh quan trọng khác của sự phân định: nó bao gồm cả những tình cảm. Người đã tìm được một kho tàng thì không thấy khó khăn khi phải bán tất cả, niềm vui của họ càng lớn (Xc Mt 13,44). Từ mà thánh sử Tin mừng Matthêu sử dụng chỉ một niềm vui rất đặc biệt, mà không thực tại nhân trần nào có thể mang lại; và thực vậy, từ ấy rất ít được dùng trong các đoạn khác của Tin mừng, tất cả các đoạn đó đều nói về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Ðó là niềm vui của các Ðạo sĩ, sau một hành trình dài dẵng và vất vả, đã thấy ngôi sao tái xuất hiện (Xc 2,10); đó là niềm vui của các phụ nữ lúc từ ngôi mộ trống trở về, sau khi nghe thiên thần loan báo Chúa sống lại (Xc Mt 28,8). Ðó là niềm vui của người đã tìm thấy Chúa.

Trong ngày phán xét chung, Thiên Chúa sẽ phân định đối với chúng ta. Những hình ảnh người nông dân, người đánh cá, người lái buôn là ví dụ những gì xảy ra trong Nước trời, một Nước được biểu lộ qua những hành động thông thường của cuộc sống, đòi phải có lập trường. Vì thế, cần có sự phân định: những chọn lựa lớn có thể nảy sinh từ những hoàn cảnh thoạt nhìn có vẻ là phụ thuộc, nhưng chúng tỏ ra có tính cách quyết định. Chúng ta hãy nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các tông đồ Gioan và Anrê với Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ nảy sinh từ một câu hỏi đơn sơ: "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" - "Hãy đến mà xem" (Xc Ga 1,38-39). Một lời trao đổi rất ngắn, nhưng là khởi đầu của một sự thay đổi đánh dấu trọn cuộc đời. Sau đó, nhiều năm, thánh sử Tin mừng tiếp tục nhắc nhớ cuộc gặp gỡ ấy đã thay đổi vĩnh viễn bản thân ngài, và cũng nhớ rõ giờ giấc: "Bấy giờ là khoảng 4 giờ chiều" (v.39). Ðó là giờ, trong đó thời gian và vĩnh cửu gặp nhau trong cuộc sống của thánh nhân.

Tri thức, kinh nghiệm, tình cảm, ý chí: đó là một vài yếu tố tối quan trọng để phân định. Qua các bài giáo lý này, chúng ta sẽ xét những yếu tố khác, cũng quan trọng.

Phân định đòi cố gắng

Như tôi đã nói, sự phân định bao hàm sự vất vả. Theo Kinh thánh, chúng ta không đứng trước một cuộc sống đã được đóng gói, và ta phải sống. Thiên Chúa mời gọi chúng ta lượng định và chọn lựa: Chúa đã tạo dựng chúng ta như những người tự do và Ngài muốn chúng ta thực thi tự do của mình. Vì thế phân định là điều đòi cố gắng.

"Chúng ta thường trải qua kinh nghiệm này: chọn một điều có vẻ là tốt, nhưng thực sự không phải như vậy. Hoặc biết đâu là điều thực sự là tốt nhưng ta lại không chọn nó. Khác với loài vật, con người có thể sai lầm, có thể không muốn chọn một cách đúng đắn. Kinh thánh chứng tỏ điều đó ngay từ những trang đầu tiên. Thiên Chúa ban cho con người chỉ thị rõ rằng: nếu ngươi muốn sống, nếu muốn vui hưởng cuộc sống, thì hãy nhớ mình là thụ tạo, ngươi không phải là tiêu chuẩn điều thiện và điều ác, và những chọn lựa ngươi thực hiện sẽ có một hậu quả, cho ngươi và cho những người khác cũng như cho thế giới (Xc St 2,16-17); ngươi có thể làm cho đất trở thành vườn cây tuyệt vời hoặc biến nó thành sa mạc chết chóc. Một giáo huấn cơ bản: không phải tình cờ đó là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thiên Chúa và loài người.

Chúa tôn trọng tự do

Sự phân định vất vả nhưng không thể thiếu được để sống. Nó đòi hỏi tôi biết mình, biết đâu là điều tốt cho tôi ở đây và lúc này. Nhất là nó đòi phải có một tương quan con thảo với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha và không để chúng ta lẻ loi, Ngài luôn sẵn sàng khuyên nhủ chúng ta, khích lệ và đón nhận chúng ta. Nhưng Ngài không áp đặt ý muốn của Ngài. Tại sao? Vì Chúa muốn được yêu mến chứ không sợ hãi. Và tình yêu chỉ có thể sống trong tự do; để học sống, ta phải học yêu, và để được vậy cần phải phân định. Ước gì Chúa Thánh Linh hướng dẫn chúng ta! Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh mỗi ngày, đặc biệt khi chúng ta phải chọn lựa.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Ðức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Ðức Thánh cha.

Khi chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha nhắc đến các tín hữu đến từ Malta, Nigeria bên Phi châu và Mỹ. Ngài nói: "Tôi cầu xin cho tất cả anh chị em và thân quyến được các ơn khôn ngoan, vui tươi và an bình mà Chúa Thánh Linh rộng ban."

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng: "Ngày mai, ngày 01 tháng Chín là kỷ niệm Thế chiến thứ II bùng nổ, biến cố đã ghi đậm những nét đau thương cho quốc gia Ba Lan. Ước gì việc nhớ lại kinh nghiệm quá khứ thúc đẩy anh chị em vun trồng hòa bình nơi bản thân, gia đình, trong đời sống xã hội và quốc tế. Xin Mẹ Maria nâng đỡ anh chị em trong những chọn lựa hằng ngày những điều thiện, công lý và liên đới với những người túng thiếu, làm nảy sinh trong tâm hồn anh chị em hy vọng, vui tươi và tự do nội tâm".

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào thăm đông đảo các nhóm trẻ em chịu phép Thêm sức, trong đó có nhóm thuộc giáo phận Chiavari. Ngài nói: "Các con thân mến, chỉ Chúa Kitô mới có những lời mang sự sống đời đời. Cha cầu chúc các con luôn hăng say làm chứng cho Tin mừng với niềm vui hằng ngày trong đời sống các con, được nâng đỡ nhờ sức mạnh của chúa Thánh Linh."

Ðức Thánh cha cũng đặc biệt thân ái chào thăm các tín hữu đến từ thành Rieti và Amatrice ở miền trung Ý và nói: "Sự hiện diện của anh chị em gợi lại tâm trí tôi vụ động đất ngày 24 tháng Tám cách đây sáu năm tại Amatrice, Accumoli và Arquata del Tronto. Tôi nhớ đến và cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng và tái bày tỏ sự gần gũi với các thân nhân họ. Tôi cầu mong tiếp tục sự giúp đỡ của chính quyền và những người thiện chí để sự sống có thể tái sinh tại các lãnh thổ ấy".

Và sau cùng, như thường lệ, Ðức Thánh cha nghĩ đến những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nói: "Tôi mời gọi tất cả mỗi ngày hãy tìm được niềm can đảm và hy vọng nơi Thiên Chúa để sống trọn ơn gọi của mình".

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page