Ðại hội của Hội đồng đại kết tại Ðức

 

Ðại hội của Hội đồng đại kết tại Ðức.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Karlsruhe (RVA News 31-08-2022) - Ngày 31 tháng Tám năm 2022, Ðại hội lần thứ XI của Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô sẽ khai diễn tại thành phố Karlsruhe, nam Ðức và kéo dài đến ngày 08 tháng Chín năm 2022, với sự tham dự của 800 đại biểu đến từ các nơi trên thế giới.

Ðại hội có chủ đề là: "Tình yêu Chúa Kitô chuyển động, hòa giải và hiệp nhất thế giới". Ngoài ra, có các cố vấn, quý khách và những khách đến viếng thăm, tổng cộng khoảng 4,000 Kitô hữu tham dự, đến từ hơn 100 quốc gia. Ðây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập hồi năm 1948, Hội đồng đại kết nhóm đại hội tại Ðức.

Tuy không phải là thành viên Hội đồng đại kết, Tòa Thánh cũng cử một phái đoàn 20 người, do Ðức Hồng y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, hướng dẫn, trong đó cũng có Ðức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ðức Georg Batzing, đến tham dự đại hội này. Ðức Thánh cha sẽ gửi sứ điệp đến Ðại hội.

Hội đồng này qui tụ khoảng 352 Giáo hội không Công giáo, gồm Chính thống, Tin lành và Anh giáo, với khoảng 580 triệu tín hữu Kitô trên thế giới và có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ. Hội đồng nhóm đại hội cứ sáu hoặc tám năm một lần và là thẩm quyền cao nhất. Ðại hội kỳ X trước đây đã diễn ra hồi năm 2013, tại thành phố Uppsala, Thụy Ðiển. Trong dịp đại hội tại thành phố Karlsruhe tới đây, các đại biểu sẽ bầu các thành viên của Ủy ban trung ương gồm 150 người và bầu ban chấp hành với vị Tổng thư ký.

Trong thời gian qua, Ủy ban trung ương gần mãn nhiệm đã bầu vị Tổng thư ký mới, vị thứ tám trong lịch sử Hội đồng đại kết, đó là Mục sư Jerry Pillay, thuộc Giáo hội Tin lành Trưởng Lão bên Nam Phi, 68 tuổi, hiện là Khoa trưởng Khoa thần học và tôn giáo thuộc Ðại học Pretoria. Mục sư có gia đình và ba người con và từng là Chủ tịch Liên hiệp thế giới các Giáo hội Tin lành Cải Cách, từ năm 2010 đến 2017.

Tổng thống Cộng hòa Liên bang Ðức, ông Frank-Walter, sẽ có mặt và lên tiếng trong buổi khai mạc đại hội. Lên tiếng trong dịp này, cũng có một đại diện của Hội đồng trung ương Do thái tại Ðức cũng như một đại diện của Hồi giáo tại nước này.

Trong Ðại hội cũng bàn về việc đối thoại Kitô, các vấn đề thần học và chính trị xã hội, sự thay đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, giải trừ võ trang, chiến đấu chống nghèo đói. Chiến tranh Nga chống Ucraina cũng là một bóng đen ảnh hưởng trên đại hội, vì trong số các thành viên của Hội đồng đại kết cũng có những Giáo hội đòi trục xuất Giáo hội Chính thống Nga ra khỏi Hội đồng này vì lập trường của Ðức Thượng phụ Giáo chủ Kirill. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Hội đồng quyết định duy trì sự đối thoại, và vì thế trong số các tham dự viên cũng có các đại biểu của Giáo hội Chính thống Nga. Với khoảng 90 triệu tín hữu, Giáo hội có đông tín hữu nhất trong số các Giáo hội thành viên của Hội đồng đại kết.

Phát ngôn viên của Hội đồng là bà Marianne Ejdersten gọi Ðại Hội này là một Diễn đàn đặc biệt về cuộc đối thoại thế giới. "Không ai ngoài Hội đồng đại kết có thể đưa tất cả các Giáo hội cùng ngồi vào một bàn. Ðiều này đặc biệt quan trọng hiện nay. Bà nói: "Chúng ta đang sống những cuộc khủng hoảng lớn, chiến tranh tại Ucraina, nạn đói đang gia tăng trên thế giới, hoặc những rúng động xã hội vì giá lương thực và năng lượng đang tiếp tục gia tăng". Tất cả những cuộc khủng hoảng ấy đòi một cuộc đối thoại quốc tế được tăng cường.

Ngoài các phiên họp chính thức trong chín ngày, thành phố Karlsruhe và bang Baden Rottenburg ở địa phương cũng tổ chức 250 sinh hoạt song song, về văn hóa và gặp gỡ, không kể các buổi lễ tôn giáo, theo các truyền thống và nghi lễ Kitô khác nhau.

(KNA 29-8-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page