Ðức Thánh cha viếng thăm
Tổng giáo phận L'Aquila
Ðức Thánh cha viếng thăm Tổng giáo phận L'Aquila.
G.
Trần Ðức Anh, O.P.
Ðức Thánh cha Phanxicô đến viếng thăm Tổng giáo phận L'Aquila ở miền trung Ý, gặp gỡ dân chúng, và chủ sự nghi thức mở Cửa Thánh tại đây, nhân Lễ Tha Thứ, rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu. |
L'Aquila (RVA News 28-08-2022) - Sáng Chúa nhật 28 tháng Tám năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã đến viếng thăm Tổng giáo phận L'Aquila ở miền trung Ý, gặp gỡ dân chúng, và chủ sự nghi thức mở Cửa Thánh tại đây, nhân Lễ Tha Thứ, rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu.
Vài nét về L'Aquila
L'Aquila là thủ phủ của miền Abruzzo, cách Roma khoảng 90 cây số về hướng đông bắc và có 70,000 dân cư. Thành phố này bị động đất nặng ngày 06 tháng Tư năm 2009 khiến cho trung tâm lịch sử của thành này hầu như bị phá hủy và 309 người chết, 1,500 người bị thương. Công trình tái thiết tiến hành chậm chạp và cho đến nay vẫn chưa hoàn tất, kể cả nhà thờ chính tòa L'Aquila. Hồi đó, Ðức Giáo hoàng Biển Ðức XVI đã viếng thăm thành này, kính viếng di hài thánh Celestino V Giáo hoàng và viếng nhà thờ chính tòa bị hư hại.
Cuộc viếng thăm của Ðức Thánh cha Phanxicô tại L'Aquila có liên hệ tới Lễ Tha Thứ tại đây. Lễ này diễn ra lần đầu tiên cách đây 728 năm, bắt nguồn từ thánh Giáo hoàng Celestino V, tục danh là Pietro Angeleri. Ngài vốn là một ẩn sĩ, được các hồng y bầu làm Giáo hoàng ngày 29 tháng Tám năm 1294, kế nhiệm Ðức Giáo hoàng Nicolo IV, qua đời hai năm trước đó.
Nhân lễ khởi hành sứ vụ Giáo hoàng, Ðức tân Giáo hoàng Celestino V quyết định rằng những ai xưng tội và chân thành thống hối, và nếu sốt sắng đến kính viếng Vương cung thánh đường Collemaggio ở L'Aquila, từ Kinh chiều ngày 28 tháng Tám đến Kinh chiều ngày hôm sau, 29 tháng Tám thì được ơn toàn xá. Từ đó truyền thống này được tái diễn hằng năm tại giáo phận này và cũng là tiền thân của truyền thống Năm Thánh, bắt đầu từ năm 1300 trong Giáo hội hoàn vũ. Thánh Celestino V chỉ cai quản Giáo hội 161 ngày thì từ nhiệm và qua đời ngày 19 tháng Năm năm 1296.
Hãng hỏa xa Ý đã tổ chức sáu chuyến xe lửa đặc biệt để chở dân chúng và các tín hữu đến L'Aquila gặp gỡ và tham dự thánh lễ với Ðức Thánh cha.
Chào thăm dân chúng
Sáng Chúa nhật, 28 tháng Tám năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã đáp trực thăng từ Vatican bay đến sân thể thao Gran Sasso và từ đây, ngài dùng xe để tới quảng trường trước nhà thờ chính tòa L'Aquila, lúc quá 9 giờ. Tại đây đã có gần 2,000 người được chỗ ngồi không kể hàng ngàn người khác đứng quanh khu vực này.
Tại đây, Ðức Thánh cha được Ðức Hồng y Tổng giám mục sở tại Giuseppe Petrocchi, cùng với chính quyền địa phương và dân chúng, đặc biệt là thân nhân những người tử nạn vì động đất, nồng nhiệt đón tiếp. Do tình trạng sức khỏe, Ðức Thánh cha chỉ có thể đứng và bước đi được vài bước, nhưng để đi xa hơn, thì ngài phải ngồi xe lăn để di chuyển.
Diễn từ của Ðức Thánh cha
Lên tiếng trong dịp này, sau lời chào mừng của Ðức Hồng y Petrocchi, Ðức Thánh cha đặc biệt bày tỏ sự gần gũi với thân nhân các nạn nhân động đất và cộng đoàn L'Aquila, đã đại đảm đương đầu với những hậu quả của biến cố đau thương ấy. "Nhất là tôi cám ơn anh chị em vì chứng tá đức tin: khi gặp đau khổ và ngỡ ngàng, vốn là điều thuộc về đức tin lữ hành của chúng ta, anh chị em đã chăm chú nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại, Ðấng đã dùng tình thương phục hồi ý nghĩa của đau khổ và sự chết từ tình trạng vô nghĩa. Và Chúa Giêsu đã đặt lại chúng ta trong vòng tay của Chúa Cha, Ðấng không để rơi vô ích dù là một giọt lệ, nhưng đã thu góp tất cả chúng trong con tim thương xót của Ngài. Trong con tim ấy, có ghi tên những người thân yêu của anh chị em. Họ đã tiến từ thời gian hạn hữu vào cõi đời đời. Sự hiệp thông với họ sinh động hơn bao giờ hết. Cái chết không thể phá vỡ tình yêu, như phụng vụ lễ an táng nhắc nhở chúng ta: "Lạy Chúa, đối với các tín hữu của Chúa, sự sống thay đổi chứ không bị hủy diệt" (Tiền tụng I).
Ðức Thánh cha ca ngợi việc thực hiện và bảo trì "Nhà nguyện Ký ức" về các nạn nhân động đất và nhận xét rằng ký ức này được đức tin soi sáng, giúp dân chúng không trở thành tù nhân của quá khứ, nhưng tiến bước trong hiện tại và hướng về tương lai. Ngài cũng nhận xét rằng có bao nhiêu công trình tái thiết cần tiếp tục được thực hiện, và trong công trình này, ngài kêu gọi đặc biệt quan tâm đến sự tái thiết tinh thần, văn hóa và xã hội của cộng đoàn dân sự và Giáo hội, nhất là không quên tái thiết các thánh đường. "Ðó là gia sản của cộng đoàn, không phải chỉ theo nghĩa lịch sử và văn hóa, nhưng còn quan trọng về mặt căn tính nữa. Những hòn đá ấy đã thấm nhiễm đức tin và các giá trị của dân; và các thánh đường cũng là nơi thúc đẩy cuộc sống và hy vọng của dân chúng".
Sau cùng, Ðức Thánh cha không quên chào thăm một phái đoàn các tù nhân thuộc miền Abruzzo cũng hiện diện trong cuộc gặp gỡ và ngài gọi họ là "một dấu chỉ hy vọng, vì cả trong các nhà tù, cũng có quá nhiều nạn nhân. Ngày nay anh chị em là dấu chỉ hy vọng trong việc tái thiết nhân sự và xã hội".
Sau cuộc gặp gỡ, Ðức Thánh cha vào nhà thờ chính tòa để kính viếng. Thánh đường này vẫn chưa tu sửa xong nên chưa được mở lại cho các buổi cử hành phụng vụ.
Cử hành thánh lễ
Sau đó, Ðức Thánh cha đi xe tới Vương cung thánh đường Ðức Mẹ ở Collemaggio, chỉ cách đó hơn 500 mét, để cử hành nghi thức mở Cửa Thánh, rồi cử hành thánh lễ lúc gần 10 giờ, tại Quảng trường trước nhà thờ, trước sự hiện diện của gần 10,000 tín hữu. Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có khoảng hai mươi giám mục miền Abruzzo và đông đảo các linh mục của giáo phận địa phương.
Bài giảng của Ðức Thánh cha
Trong bài giảng, Ðức Thánh cha nhắc đến các bài đọc thánh lễ, bắt đầu với sách Huấn ca, trong đó có khẳng định rằng "Hễ con càng lớn, thì hãy càng trở nên khiêm nhường, và con sẽ được ơn trước mặt Chúa" (Hc 3,18), và áp dụng vào thánh Celestino V, Ðức Thánh cha nói:
"Ðứng trước tinh thần thế gian, vốn bị sự kiêu ngạo thống trị, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở nên khiêm tốn và hiền lành. Khiêm tốn không phải là hạ giá bản thân, nhưng là tinh thần thực tiễn làm cho chúng ta nhìn nhận tiềm năng cũng như những lầm than của mình. Chính từ những lầm than của chúng ta, sự khiêm tốn làm cho chúng ta quay cái nhìn hướng vào bản thân để hướng lên Thiên Chúa, Ðấng có thể làm mọi sự và đạt được cho chúng ta cả điều mà tự mình chúng ta không thể có được. "Tất cả đều có thể đối với người tin" (Mc 9,23).
"Sức mạnh của những người khiêm tốn là chính Chúa, chứ không phải những chiến lược, những phương thế phàm nhân, những tiêu chuẩn của thế giới này. Theo nghĩa đó, thánh Celestino V là chứng nhân can đảm của Tin mừng, vì không có lôgíc trần tục nào có thể cầm tù và điều khiển ngài. Nơi thánh nhân, chúng ta ngưỡng mộ một Giáo hội tự do khỏi những lôgíc trần tục và hoàn toàn là chứng nhân về danh Thiên Chúa là Thương Xót. Ðây chính là trọng tâm của Tin mừng, vì lòng thương xót là biết mình được yêu thương trong sự lầm than của ta. Là tín hữu, không có nghĩa là đến gần một Thiên Chúa tối tăm và gây sợ hãi, như thư gửi tín hữu Hípri [trong bài đọc hôm nay] nhắc nhở chúng ta (Dt 12,18-19).
Ðức Thánh cha nhắc đến những đau khổ của dân thành L'Aquila vì động đất và đang cố gắng trỗi dậy, nhưng ngài cũng nhắc đến thứ "động đất trong linh hồn" làm cho ta tiếp xúc với sự mong manh yếu đuối, những giới hạn và lầm than của ta. "Trong kinh nghiệm ấy, ta có thể mất tất cả nhưng cũng có thể học được sự khiêm tốn đích thực".
Ðức Thánh cha nhận xét rằng có một cái chuông báo động, báo cho chúng ta biết mình đang đi sai đường, và bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta điều đó (Xc Lc 14,1.7-14), khi kể lại Chúa Giêsu được mời dự tiệc cưới tại nhà một người biệt phái và Ngài chú ý quan sát thấy nhiều người tìm chỗ cao trọng và từ đó, Chúa kể dụ ngôn người tự chọn chỗ thứ nhất bị mời xuống chỗ cuối, vì có người đến sau là khách mời quan trọng hơn. Từ đó, Chúa dạy đừng đặt mình ở chỗ thứ nhất... Ðức Thánh cha nói: "Quá nhiều khi người ta nghĩ mình có giá trị tùy theo chỗ mình có được trong thế giới này. Con người không phải là chỗ mà họ nắm giữ nhưng là tự do mà họ có khả năng và tự do ấy hoàn toàn biểu lộ khi ở chỗ cuối cùng, hoặc khi được dành cho một chỗ trên thập giá."
"Kitô hữu biết rằng đời sống của mình không phải là một con đường sự nghiệp theo kiểu thế gian này, nhưng là một sự nghiệp theo cách thức của Chúa Kitô, Ðấng đã nói Ngài đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (X Mc 10,45). Bao lâu chúng ta không hiểu rằng trọn cuộc cách mạng của Tin mừng hệ tại thứ tự do ấy, thì chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến chiến tranh, bạo lực và bất công, những điều này không là gì khác hơn là những triệu chứng bên ngoài của sự thiếu tự do nội tâm. Nơi nào không có tự do nội tâm, thì nó mở đường cho ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, lợi lộc, đè nén."
"Anh chị em thân mến, ước gì L'Aquila thực sự là thủ đô của Tha Thứ, an bình và hòa giải! Hãy biết trao tặng cho tất cả mọi người sự biến đổi mà Mẹ Maria đã hát trong kinh Magnificat: "Chúa lật đổ những người cường quyền khỏi tòa cao, và nâng người khiêm hạ lên" (Lc 1,52); đó là sự biến đổi mà Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay: "Ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên"!
Kinh Truyền tin
Cuối thánh lễ, Ðức Thánh cha chủ sự kinh Truyền tin với các tín hữu. Trong lời nhắn nhủ ngắn, trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha chào thăm tất cả những người tham dự, cả những người dự từ xa, ở nhà hoặc tại nhà thương hay nhà tù. Ngài cám ơn chính quyền dân sự vì sự hiện diện và những cố gắng tổ chức. Ðức Thánh cha cũng chân thành cám ơn Ðức Hồng y Tổng giám mục và các giám mục khác, các linh mục, tu sĩ nam nữ, ca đoàn và mọi người thiện nguyện, cũng như các nhân viên công lực và ban bảo vệ dân sự.
Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Tại nơi này đã từng chịu thiên tai cam go, tôi cũng muốn biểu lộ sự gần gũi của tôi với dân chúng Pakistan bị lụt lội nặng nề và cầu nguyện cho đông đảo các nạn nhân, những người bị thương và di tản đồng thời cầu mong có tình liên đới quốc tế mau lẹ và quảng đại."
Lũ lụt tại bốn tỉnh ở Pakistan trong những ngày qua đã làm cho hơn 1.000 người chết, trong đó có 350 trẻ em, hàng ngàn người bị thương và 30 triệu người không còn gia cư. Hôm thứ Sáu, ngày 26 tháng Tám vừa qua, chính phủ Pakistan tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc.
Sau cùng, Ðức Thánh cha nói: "Giờ đây, chúng ta hãy khẩn cầu Ðức Mẹ, để như tôi đã nói vào cuối bài giảng, xin Mẹ ban cho toàn thế giới ơn tha thứ và bình an. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhân dân Ucraina và tất cả các dân tộc đang chịu đau khổ vì chiến tranh. Xin Thiên Chúa hòa bình khơi lên trong tâm hồn những vị hữu trách của các dân nước cảm thức nhân đạo và Kitô, tâm tình đạo đức, thương xót. Xin Ðức Maria là Mẹ từ bi và là Nữ vương hòa bình, cầu cho chúng con".
Mở Cửa Thánh
Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 30, tiếp đó, Ðức Thánh cha tới trước cửa Vương cung Thánh đường Ðức Mẹ Collemaggio, để chủ sự nghi thức mở Cửa Thánh, trước sự hiện diện của các giám mục và đông đảo tín hữu. Sau khi thinh lặng cầu nguyện và đọc kinh, ông thị trưởng thành L'Aquila đã trao cho ngài cây gậy ngắn và ngài đập ba lần vào Cửa Thánh và đọc câu: "Hãy mở cho tôi cửa công chính" để mở ra và được đáp lại: "Tôi muốn vào và cảm tạ Chúa" ...
Ðức Thánh cha tiến qua Cửa Thánh để vào bên trong thánh đường, và đến kính viếng di hài thánh Celestino V Giáo Hoàng, trước khi chào từ biệt tất cả các giám mục cùng mọi người để trở về Vatican.