Tổ chức Misereor của các giám mục Ðức
lên án đầu cơ lương thực
Tổ chức Misereor của các giám mục Ðức lên án đầu cơ lương thực.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Berlin (RVA News 26-08-2022) - Tổ chức bác ái Misereor chuyên trợ giúp phát triển, thuộc Hội đồng Giám mục Ðức, đang dấn thân chống nạn đầu cơ lương thực hiện nay trên thế giới và tố giác chính sách thương mại và tài chánh của Âu châu là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng đói kém hiện nay.
Trong Phúc trình thường niên 2021, công bố hôm 23 tháng Tám năm 2022, tại thủ đô Berlin, Ðức ông Pirmin Spiegel, Giám đốc điều hành Tổ chức Misereor kêu gọi ngưng các vụ đầu cơ trên thị trường nông sản. Hiện nay thế giới vẫn có đủ lương thực, nhưng nhiều người không thể đạt được lương thực. Từ nay, việc sử dụng lương thực cho con người phải chiếm ưu tiên. Gần 60% ngũ cốc do nước Ðức sản xuất hiện nay được dùng để nuôi súc vật trong các nông trại.
Ðức ông Pirmin Spiegel phê bình những chính sách thương mại và tài chánh của Âu châu là một trong những nguyên nhân gây ra nạn đói, ví dụ gia tăng sự lệ thuộc của các nước nghèo vào sự nhập khẩu lương thực. Vì thế, cần củng cố canh nông của các nước nghèo, chẳng hạn qua những phương pháp canh tác chống lại được sự thay đổi khí hậu, để các nước này được độc lập hơn về lương thực.
Trong buổi công bố phúc trình, Giám đốc Viện Ðức quốc về nhân quyền, bà Beate Rudolf nhấn mạnh rằng lương thực là một nhân quyền cơ bản. Vì thế có một nghĩa vụ theo pháp luật phải thực thi nhân quyền này trong các hoạt động cộng tác quốc tế. Theo bà, thương mại, kinh tế và chính sách về khí hậu phải dựa trên các quyền con người, đặc biệt là quyền được lương thực.
Phúc trình của Misereor cho biết trong năm 2021, tổ chức bác ái này nhận được 63 triệu 100 ngàn Euro, ít hơn năm 2020 trước đó. Tổng cộng tổ chức này có 247 triệu Euro, kể cả các ngân khoản do Bộ Phát triển của Ðức giúp, để tài trợ các dự án phát triển và từ thiện tại 86 nước Phi, Á và Trung Ðông, Châu Ðại dương, Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi và cả tại Ðức.
Tổng cộng có hơn 3,100 dự án được tài trợ, qua trung gian của 1,800 tổ chức đối tác trên thế giới. Phần lớn ngân khoản được đầu tư vào các dự án nhân quyền và củng cố xã hội dân sự. Nhiều số tiền khác được chấp thuận để tài trợ các lãnh vực canh nông, lâm sản và đánh cá, cũng như y tế.
(KNA 24-8-2022)