Liên minh giữa người già và người trẻ

sẽ cứu vãn gia đình nhân loại

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Liên minh giữa người già và người trẻ sẽ cứu vãn gia đình nhân loại.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 18-08-2022) - Lúc gần 9 giờ sáng, thứ Tư, ngày 17 tháng Tám năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô tiếp kiến chung khoảng 6,000 hữu hành hương, ngồi đầy Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.

Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá, và lời chào phụng vụ, là phần tôn vinh Lời Chúa, với bài đọc trích từ sách ngôn sứ Daniel, đoạn 7 (9-10):

"Ta nhìn xem cho đến chừng các ngôi đã đặt và này trên ngôi có một Ðấng Thượng Cổ đang ngồi. Ngài mặc áo trắng như tuyết và tóc Ngài như lông chiên sạch. Ngôi Ngài là những ngọn lửa và các bánh xe cũng là lửa hừng. Trước mặt Ngài một dòng sông lửa chảy ra; ngàn ngàn hầu hạ Ngài và muôn muôn đứng trước mặt Ngài. Sự phán xét đã sắm sẵn và các sách mở ra".

Bài giáo lý

Trong bài giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Bài thứ 17 này có đề tài là: "tuổi già đảm bảo về đích điểm cho đời sống sẽ không chết nữa".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Các biểu tượng

"Những lời trong giấc mơ của ngôn sứ Daniel chúng ta đã nghe, gợi lại thị kiến về Thiên Chúa huyền nhiệm và rạng ngời. Thị kiến này được lập lại vào đầu sách Khải huyền và nói về Chúa Giêsu Phục sinh, xuất hiện trước vị được thị kiến như Ðức Messia, Tư tế và Vua, vĩnh cửu và bất biến (1,12-15). Người đặt tay trên vai của vị được thị kiến và trấn an: "Ðừng sợ! Ta là Khởi đầu và Kết thúc, và Hằng sống. Ta đã chết, nhưng giờ đây Ta sống mãi mãi" (vv.17-18). Thế là biến mất hàng rào cuối cùng của sợ hãi và lo âu mà cuộc xuất hiện của Chúa luôn gợi lên: Ðấng Hằng Sống trấn an chúng ta. Ngài cũng đã chết, nhưng nay đang ở chỗ được định cho Ngài: chỗ thứ Nhất và Sau cùng.

Ý nghĩa thị kiến của Daniel

"Trong sự liên kết các biểu tượng, có một khía cạnh có lẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn liên hệ giữa sự xuất hiện của Chúa với chu kỳ cuộc sống, thời gian của lịch sử, chủ quyền của Thiên Chúa trên thế giới thụ tạo. Và khía cạnh này có liên hệ tới tuổi già.

Cụ già

"Thị kiến tạo nên một cảm tưởng về quyền năng và sức mạnh, sự cao cả, vẻ đẹp và sức thu hút. Áo, đôi mắt, tiếng nói, đôi chân, tất cả đều rạng rỡ. Nhưng tóc của cụ già thì trắng tinh: như lông chiên, như tuyết. Giống như tóc của một cụ già. Từ ngữ Kinh thánh thông thường nhất để chỉ người già là "zaqen": xuất phát từ "zaquan", có nghĩa là "râu". Màu trắng là biểu tượng cổ kính của một thời gian rất dài, một quá khứ rất xa xưa, một cuộc sống vĩnh cửu. Không cần huyền thoại hóa mọi sự với các trẻ em: hình ảnh một Thiên Chúa như cụ già với màu trắng không phải là một biểu tượng ngớ ngẩn, đó là một hình ảnh Kinh thánh, cao quí và dịu hiền. Nhân vật, trong sách Khải huyền, ở giữa các chân nến bằng vàng, được chồng lên hình ảnh vị "Thượng Cổ" trong sách ngôn sứ Daniel. Ðó là một cụ già như toàn thể nhân loại và hơn nữa. Cũ và mới, như sự vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Cụ già Simeon

Trong các Giáo hội Ðông phương, lễ Gặp Gỡ với Chúa, cử hành ngày 02 tháng Hai, là một trong mười hai đại lễ của năm phụng vụ. Lễ này làm nổi bật cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng hữu làm người, với nhân loại, qua cụ già Simeon và Anna đại diện. Ta có thể chiêm ngưỡng một ảnh rất đẹp về cuộc gặp gỡ này tại Roma, qua các tranh khảm tại nhà thờ Ðức Mẹ Maria ở Trastevere

Trong phụng vụ Bizantine Ðông phương, vị giám mục cầu nguyện với Simeon: "Ðây là Ðấng đã được sinh ra bởi Trinh Nữ: là Ngôi Lời, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ðấng đã nhập thể làm người cho chúng ta và đã cứu vớt con người". Và vị giám mục đọc tiếp: "Ngày hôm nay cửa trời mở ra: Ngôi Lời hằng hữu của Chúa Cha, nhận lấy một nguyên lý trần thế, mà không rời khỏi thiên tính của Ngài, theo ý muốn của Ngài, được Ðức Trinh Nữ Maria mang vào đền thờ và cụ già ẵm lấy Ngài". Những lời này biểu lộ sự tuyên xưng đức tin của bốn công đồng chung đầu tiên, những công đồng thánh đối với tất cả các Giáo hội. Nhưng cử chỉ của cụ Simeon cũng là một hình ảnh đẹp nhất về ơn gọi của tuổi già: dâng các hài nhi ra chào đời như một hồng ân liên lỉ của Thiên Chúa, với ý thức rằng một trong các hài nhi ấy là Con được sinh ra trong chính sự thân mật của Thiên Chúa, trước thời gian.

Chứng tá của tuổi già

Tuổi già, tiến bước về một thế giới, trong đó sau cùng có thể tỏa rạng mà không bị ngăn cản tình thương mà Thiên Chúa đã đặt trong việc tạo dựng, phải hoàn tất cử chỉ này của Simeon và Anna, trước khi giã từ. Tuổi già phải làm chứng cho các trẻ em về phúc lành của chúng: phúc này hệ tại sự học tập đẹp và khó khăn của các em về mầu nhiệm một đích điểm của đời sống mà không ai có thể phá hủy. Kể cả sự chết.

Chứng từ của những người già là đáng tin đối với các trẻ em: Những người trẻ và người đứng tuổi không có khả năng làm chứng một cách trung thực như vậy, rất dịu dàng, thấm thía, như những người già có thể làm. Khi người già chúc lành cho cuộc sống mà họ gặp, bỏ lại mọi oán hận đối với cuộc sống và ra đi, thì thật là một điều không thể cưỡng lại được. Chứng từ của những người già liên kết các tuổi trong cuộc sống và chính những chiều kích của thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Thật là đau lòng - và tai hại - khi thấy người ta quan niệm các lứa tuổi của cuộc đời như những thế giới tách biệt, không có thông cảm giữa các lứa tuổi, mỗi lứa tuổi tìm cách sống riêng, mà gây thiệt thòi cho lứa tuổi khác. Nhân loại trước đây, rất xa xưa, không theo thời gian của đồng hồ. Nhưng Con Thiên Chúa, - sinh bởi người nữ, - là vị Ðầu Tiên và Cuối Cùng của thời gian. Ðiều này có nghĩa là không ai rơi ra ngoài sự khai sinh vĩnh cửu của Chúa, ra ngoài sức mạnh huy hoàng, sự gần gũi yêu thương của Chúa.

Liên minh già trẻ

Liên minh giữa người già và trẻ em sẽ cứu vãn gia đình nhân loại. Chúng ta có thể vui lòng trả lại cho các trẻ em, đang cần học sinh ra, chứng từ dịu dàng của những người già khôn ngoan về sự chết hay không? Nhân loại hiện nay, - với tất cả sự tiến bộ, đối với chúng ta, - có vẻ như một hài nhi mới sinh ra hôm qua, nhân loại này có thể lại được ơn một tuổi già nắm vững chân trời vận mệnh đích điểm của chúng ta hay không? Sự chết chắc chắn là một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn của cuộc đời; nhưng cũng sự chuyển tiếp ấy khép lại thời gian bấp bênh và vứt bỏ đồng hồ đi. Vì điều đẹp của cuộc đời không còn hạn kỳ nữa, nhưng bắt đầu chính lúc này.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Ðức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Ðức Thánh cha.

Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nhận xét rằng "Tại Ba Lan, trong những ngày này hàng ngàn tín hữu đang đi bộ hành hương đến đền thánh Ðức Mẹ Jasna Gora, cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải trên thế giới. Trong số họ, có nhiều người Ucraina đã tìm được tại đất nước anh chị em một căn nhà hiếu khách. Chúng ta hãy phó thác cho Ðức Mẹ Ðen [ở Jasna Gora] vận mệnh của Âu châu và thế giới.

Bằng tiếng Ý, trong lời chào các tín hữu hành hương, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các sinh viên đại học từ nhiều nước và các miền khác nhau đang tham dự những ngày gặp gỡ do hội Giorgio Pira tổ chức. Ngài nói: "Các bạn thân mến, tôi khích lệ các bạn hãy tiến bước trên những con đường đối thoại và trao đổi và xây dựng một thế giới hòa bình."

Giorgio Pira nguyên là thị trưởng thành Firenza ở Ý, đang được Giáo hội cứu xét án phong chân phước.

Khi chào các nữ tu dòng Ðức Mẹ Vô nhiễm đang nhóm tổng tu nghị, Ðức Thánh cha cho biết ngài khẩn cầu dồi dào các hồng ân của Chúa Thánh Linh trên các chị và mời gọi các chị quảng đại cộng tác vào việc loan báo Tin mừng, đặc biệt cho các thế hệ trẻ và những người yếu thế hơn.

Và sau cùng, như thường lệ, Ðức Thánh cha nghĩ đến những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nói: "Lễ trọng Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời chúng ta cử hành cách đây vài ngày, mời gọi chúng ta sống với quyết tâm tiến bước trên trần thế này, luôn hướng về những thiện hảo đời đời. Xin Mẹ Maria giúp mỗi người luôn đặt Chúa Kitô và Tin mừng nơi chỗ đứng thứ nhất.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page