Ðức tin là ngọn lửa

được đốt lên để thức tỉnh chúng ta

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Ðức tin là ngọn lửa được đốt lên để thức tỉnh chúng ta.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 15-08-2022) - Trưa Chúa nhật ngày 14 tháng Tám năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền tin với hơn 4,000 tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài kêu gọi cộng đồng thế giới liên đới và cứu trợ nhân dân Somalia bên Phi châu, đang bị nạn đói đe dọa trần trọng vì hạn hán chưa từng có và vì chiến tranh.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải bài Tin mừng theo thánh Luca đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ XX thường niên năm C, trong đó Chúa nói Ngài mang lửa xuống trần gian và mong cho lửa ấy cháy lên.

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin mừng phụng vụ hôm nay, có một câu nói của Chúa Giêsu dường như luôn gây ấn tượng và đặt câu hỏi cho chúng ta. Trong khi đi đường với các môn đệ, Chúa nói: "Thầy đến để mang lửa xuống trần gian và Thầy mong muốn dường nào cho lửa ấy được cháy lên!" (Lc 12,49). Chúa nói về lửa nào thế? Và những lời này có nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

Lửa thiêu hủy tiêu cực

"Như chúng ta biết, Chúa Giêsu đã đến để mang Tin mừng vào trần thế, nghĩa là Tin mừng tình thương của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta. Vì thế, Ngài đang nói về Tin mừng như một ngọn lửa, vì đây là một sứ điệp, khi đi vào trong lịch sử, đốt cháy những quân bình cũ của cuộc sống, thách thức ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, chiến thắng tính ích kỷ, tiến từ tình trạng nô lệ tội lỗi và sự chết tới cuộc sống mới của Ðấng Phục Sinh. Nghĩa là Tin mừng không để sự việc như cũ, nhưng kích thích sự thay đổi và mời gọi hoán cải. Tin mừng không mang lại thứ hòa bình giả tạo duy nội tâm, nhưng khơi dậy một sự băn khoăn làm cho chúng ta lên đường, thúc đẩy chúng ta cởi mở đối với Thiên Chúa và anh chị em. Giống như lửa: trong khi sưởi ấm chúng ta bằng tình yêu Thiên Chúa, lửa muốn thiêu hủy những ích kỷ của chúng ta, chiếu sáng vào khía cạnh đen tối trong cuộc sống, đốt cháy những thần tượng giả tạo làm cho chúng ta thành nô lệ.

Hoạt động của Chúa Giêsu khi mang lửa vào trần thế

"Theo vết các ngôn sứ trong Cựu ước, - ví dụ chúng ta hãy nghĩ đến Elia và Giêrêmia - Chúa Giêsu được lửa tình yêu của Thiên Chúa đốt lên, và để làm cho ngọn lửa ấy lan tỏa trên thế giới, Ngài xả thân, yêu thương đến cùng, cho đến chết và chết trên thập giá (Xc Pl 2,8). Chúa Giêsu tràn đầy Thánh Linh, là Ðấng được ví như lửa, và với ánh sáng và sức mạnh của Thánh Linh, Chúa Giêsu biểu lộ khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa và mang lại hy vọng cho những người bị coi là hư mất, phá đổ những hàng rào khiến ta ở ngoài lề, chữa lành những vết thương thân xác và linh hồn, đổi mới lòng đạo đức bị thu hẹp vào những việc thực hành bên ngoài.

Áp dụng vào chúng ta

Và Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Vậy đối với chúng ta, câu nói của Chúa Giêsu [trong bài Tin mừng] có ý nghĩa gì? Thưa, lời ấy mời gọi chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa đức tin, để đức tin không trở thành một thực tại phụ thuộc, hoặc là một phương thế để được an sinh cá nhân, làm cho chúng ta tránh né những thách đố của cuộc sống và sự dấn thân trong Giáo hội và xã hội. Thực vậy, cha De Lubac đã nói: niềm tin nơi Thiên Chúa "trấn an chúng ta, nhưng không phải như chúng ta muốn: nghĩa là không phải để mang lại cho chúng ta một ảo tưởng làm tê liệt hoặc một sự thỏa mãn hạnh phúc, nhưng để chúng ta hành động" (Sulle vie di Dio, Milano 2008, 184). Tóm lại, đức tin không phải là một "sự ru ngủ" làm cho chúng ta thiếp đi, nhưng là một ngọn lửa được đốt lên để làm cho chúng ta tỉnh thức và hoạt động cả trong đêm tối!

Xét mình

Và như thế chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có say mê Tin mừng hay không? Tôi có thường xuyên đọc Tin mừng hay không? Tôi có mang theo sách Tin mừng hay không? Niềm tin mà tôi tuyên xưng và cử hành, có đặt tôi trong một sự yên hàn hạnh phúc và thắp lên trong tôi một ngọn lửa làm chứng tá hay không? Chúng ta cũng có thể tự hỏi điều đó trong tư cách là cộng đoàn: Trong các cộng đoàn chúng ta, có ngọn lửa của Thánh Linh, có hăng say cầu nguyện và làm việc bác ái, niềm vui đức tin có nồng cháy hay không, hoặc chúng ta lê lết trong sự mệt mỏi và thói quen, với khuôn mặt đờ đẫn và những lời than thở trên môi?

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em, chúng ta hãy kiểm điểm mình về điều đó để cả chúng ta cũng có thể nói như Chúa Giêsu: Chúng ta đã được ngọn lửa tình yêu Chúa đốt lên và chúng ta muốn đưa lửa ấy vào trần thế, mang đến cho mọi người, để mỗi người khám phá sự dịu dàng của Chúa Cha và cảm nghiệm niềm vui của Chúa Giêsu, Ðấng mở rộng tâm hồn và làm cho cuộc sống tươi đẹp. Chúng ta hãy cầu xin Ðức Thánh Trinh Nữ ơn ấy, xin Mẹ là Ðấng đã đón nhận ngọn lửa của Thánh Linh, chuyển cầu cho chúng ta."

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh cha lưu ý mọi người về cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng tại Somalia và các nước láng giềng, vì hạn hán và chiến tranh. Ngài nói: "Dân chúng tại miền này đã sống trong những điều kiện rất bấp bênh, nay đang ở trong tình trạng nguy hiểm chết người vì hạn hán. Tôi cầu mong tình liên đới của quốc tế có thể đáp ứng hữu hiệu tình trạng khẩn cấp này. Rất tiếc là chiến tranh tước bỏ sự chú ý và tài nguyên, nhưng đây là những mục tiêu đòi phải có sự dấn thân tối đa: chiến đấu cho gia đình, sức khỏe và giáo dục."

Ðức Thánh cha cũng gửi lời chào thăm các tín hữu đang tụ họp tại Cracovia bên Ba Lan, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thánh hiến thế giới cho lòng Thương Xót của Chúa, do Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II chủ sự, ngày 17 tháng Tám năm 2002. Ðức Thánh cha nói: "Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta thấy ý nghĩa của việc thánh hiến này, và chúng ta muốn lập lại trong kinh nguyện và cuộc sống chứng tá. Lòng thương xót chính là con đường cứu độ cho mỗi người chúng ta và cho toàn thế giới. Chúng ta hãy cầu xin Chúa đặc biệt thương xót nhân dân Ucraina đang chịu đau khổ."

Ðức Thánh cha không quên thân ái chào thăm các tín hữu hành hương từ Roma và các nước khác, đến từ Ba Lan, Ucraina, Pháp, Ý, Argentina.

Sau cùng, Ðức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page