Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ðài Loan
cầu mong Mỹ và Tây phương đấu dịu
Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ðài Loan cầu mong Mỹ và Tây phương đấu dịu.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Taipei (RVA News 10-08-2022) - Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ðài Loan, cha Ottfried Trần Khoa, cho biết sau cuộc viếng thăm của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ tại Ðài Loan, căng thẳng vẫn còn cao độ. Cha nói: "Hễ các nước Tây phương càng tạo sức ép trên Trung Quốc, thì Trung Quốc càng phản ứng mạnh mẽ, và có nguy cơ hành động phi lý".
Cha Ottfried Trần Khoa tuyên bố như trên với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi ngày 09 tháng Tám năm 2022.
Ðài Loan kêu gọi Trung Quốc ngưng các cuộc tập trận, nhưng nguyên trong những giờ gần đây, Bộ quốc phòng đếm được 13 tàu chiến và 39 máy bay của Trung Quốc trong những vùng cạnh Ðài Loan. Cha nói: "Căng thẳng giữa Ðài Loan và Trung Quốc làm cho tôi lo âu, những quan hệ giữa Ðài Loan và Trung Quốc không còn như trước nữa".
Bộ ngoại giao Ðài Loan đã ra thông báo nói rằng những hành động của Trung Quốc làm thương tổn qui chế từ trước đến nay của eo biển Ðài Loan và làm cho căng thẳng trong vùng gia tăng. Quân đội Ðài Loan đã theo dõi tình hình này, và đáp lại bằng cách điều động các máy bay, tàu chiến và khởi động hệ thống tên lửa mặt đất.
Trong cuộc phỏng vấn, cha Ottfried Trần Khoa cho biết dân chúng Ðài Loan phản ứng khác nhau trước các biện pháp "trừng phạt" của Trung Quốc. Nhiều người tỏ ra cam chịu, vì họ đã quen với những hành động biểu dương sức mạnh của Trung Quốc; họ có những quan tâm khác cụ thể hơn, như thất nghiệp vì đại dịch và lạm phát, trong khi những người khác thì quyết tâm chiến đấu cho dân chủ, mặc dù có nhiều biện pháp chế tài của Bắc Kinh. Dầu sao, hiện nay người ta chưa thể nói dân chúng Ðài Loan sợ hãi, nhưng lo lắng thì có.
Theo cha Ottfried Trần Khoa, cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, có nhiệm vụ làm dịu bớt căng thẳng giữa Trung Quốc và Ðài Loan. Trung Quốc trở thành đối tượng bị các nước Tây phương phê bình vì không phải là một nước dân chủ theo kiểu Tây phương. Nhưng hễ các nước Tây phương càng làm áp lực, thì Trung Quốc càng phản ứng mạnh, có nguy cơ hành động không hợp với lý trí. Và Ðài Loan phải chịu trước tiên những hậu quả về kinh tế, chính trị và có thể cả quân sự nữa, xét cho cùng điều này không giúp ích cho ai. Tôi nghĩ nên nhớ lại ở đây điều Ðức Thánh cha Phanxicô đã nói về cuộc xung đột tại Ucraina và Nga, nghĩa là "ước gì sự khôn ngoan soi sáng để có những bước tiến cụ thể tiến tới hòa bình".
Về tương lai, linh mục Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ðài Loan không thấy sớm có những ngày dễ dàng: "Nhiều người trẻ tại đây không kết hôn hoặc không muốn có con, đến độ Ðài Loan có tỷ lệ sinh con thấp nhất thế giới, trong khi dân nước này ngày càng già nua và những cuộc hôn nhân dân sự không kéo dài lâu. Giáo hội Công giáo Ðài Loan là tổ chức duy nhất làm tất cả những gì có thể để bảo vệ sự sống và hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, vì ích lợi của dân chúng và của đất nước. Nếu sứ điệp của Giáo hội được lắng nghe và đón nhận thì người ta luôn có thể hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Vì thế, các tín hữu chúng tôi phải cầu nguyện và làm việc".
(Sir 9-8-2022)