Ðức Thánh cha hành hương Hồ thánh Anna

 

Ðức Thánh cha hành hương Hồ thánh Anna.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Alberta (RVA News 27-07-2022) - Lúc 4 giờ chiều ngày 26 tháng Bảy năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã mở lại hoạt động viếng thăm của ngài: từ thành Edmonton, ngài dùng xe đi tới Hồ thánh Anna, cách đó 72 cây số về hướng tây, để hành hương và chủ sự buổi phụng vụ Lời Chúa với các tín hữu, đặc biệt là các cộng đoàn thổ dân.

Hồ thánh Anna rộng hơn 54 cây số vuông, ở miền trung bang Alberta, chỗ sâu nhất của hồ là 9 mét, nhưng trung bình là 4.8 mét. Nguyên thủy các thổ dân Cree ở địa phương gọi đây là "Wakamne", Hồ của Chúa. Những người thuộc "dân tộc đầu tiên" và người lai vẫn săn trâu ở khu vực hồ và đánh cá trong hồ này.

Với thời gian, từ cuối thế kỷ XIX, Hồ thánh Anna trở thành nơi hành hương nổi tiếng, thu hút nhiều tín hữu các nơi đến viếng, đặc biệt là các thổ dân bản xứ. Họ coi đây là nơi chữa lành. Thánh đường đầu tiên được các Thừa sai dòng Hiến sinh Thừa sai Ðức Mẹ Vô Nhiễm, OMI, kiến thiết hồi năm 1844. Cuộc hành hương đầu tiên được tổ chức hồi năm 1889 với sự tham dự của 400 người, và tiếp tục hàng năm, đặc biệt vào dịp lễ kính thánh Anna, thân mẫu Ðức Mẹ Maria, mà các tín hữu thổ dân đặc biệt tôn kính.

Nhà thờ nguyên thủy bị hỏa hoạn phá hủy hoàn toàn hồi năm 1928, và được tái thiết năm 2009 và năm sau được Ðức Tổng giám mục Richard Smith thánh hiến. Ngoài nhà thờ, còn có nhà xứ, một tòa giải tội, đàng Thánh giá, một nghĩa trang, và nhà đón tiếp các tín hữu hành hương. Khu vực này được chính phủ Canada tuyên bố là địa điểm lịch sử hồi năm 2004.

Ðến nơi vào lúc 5 giờ chiều, Ðức Thánh cha đã được cha sở đón tiếp ở trước thánh đường, cùng với linh mục đặc trách hành hương. Rồi ngài dùng xe golf đi tới hồ, tiến qua cạnh tượng thánh Anna, giữa những tiếng trống cổ truyền của các thổ dân.

Ðến hồ, Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá hướng về bốn phương trời, theo phong tục của thổ dân, và làm phép nước hồ. Sau cùng ngài đến bục cao, để dùng nước hồ rảy trên các tín hữu hiện diện, khởi đầu buổi phụng vụ Lời Chúa.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Sau hai bài đọc với đáp ca, Ðức Thánh cha đã giảng cho các tín hữu hiện diện. Ngài nhắc đến sự hiện diện đông đảo của các phụ nữ cao niên thổ dân trong buổi cầu nguyện và nói rằng:

Vị trí quan trọng của phụ nữ nơi thổ dân

"Tôi đặc biệt có ấn tượng vì vai trò sinh động của các phụ nữ trong các cộng đoàn thổ dân: họ giữ một chỗ đứng quan trọng như những nguồn mạch sự sống được chúc phúc, không những sự sống thể lý nhưng cả về tinh thần. Khi nghĩ đến các bà, tôi cũng nghĩ đến bà của tôi. Từ bà, tôi đã nhận được lời loan báo đầu tiên về đức tin và đã học Tin mừng được thông truyền như vậy qua sự chăm sóc dịu dàng và sự khôn ngoan về cuộc sống. Ít khi đức tin nảy sinh khi đọc một cuốn sách một mình trong phòng, nhưng được lan tỏa trong một không khí gia đình, được thông truyền trong tiếng mẹ, với bài ca dịu dàng của bà nội bà ngoại. Tôi phấn khởi khi thấy ở đây có bao nhiêu ông bà. Tôi cám ơn anh chị em và tôi muốn nói với những người già trong các gia đình: anh chị em có một kho tàng! Hãy gìn giữ trong bốn bức tường nhà mình một nguồn mạch sự sống: hãy chăm sóc họ như gia sản quí giá nhất cần yêu mến và bảo tồn".

Vai trò chữa lành

Ðức Thánh cha cũng nhắc đến vai trò của các bà mẹ và các bà nội ngoại giúp chữa lành các vết thương tâm hồn. Trong thời chinh phục ở Mêhicô, chính Ðức Mẹ Guadalupe đã thông truyền đức tin ngay chính cho các thổ dân, nói bằng ngôn ngữ của họ, mặc y phục của họ, không bạo hành cũng chẳng áp đặt. Ít lâu sau, với sự xuất hiện của kỹ thuật in ấn, những cuốn văn phạm và các sách giáo lý đầu tiên bằng các ngôn ngữ thổ dân được ấn hành. Các thừa sai chân chính của Tin mừng đã làm bao nhiêu điều tốt lành để bảo tồn tại bao nhiêu nơi trên thế giới các ngôn ngữ và văn hóa thổ dân bản xứ! Tại Canada này, sự hội nhập văn hóa mẹ diễn ra nhờ thánh Anna, liên kết vẻ đẹp của các truyền thống thổ dân, và đức tin, nhào nặn nó với sự khôn ngoan của một phụ nữ là mẹ hai lần. Cả Giáo hội cũng là phụ nữ, là mẹ. Thực vậy, không có lúc nào trong lịch sử Giáo hội, trong đó đức tin không được thông truyền bằng tiếng mẹ, từ các bà mẹ và bà nội bà ngoại. Một phần gia sản đau thương mà chúng ta đang phải đương đầu hiện nay phát sinh từ việc cấm các bà thổ dân thông truyền đức tin trong ngôn ngữ và văn hóa thổ dân. Sự mất mát này chắc chắn là một thảm trạng, và sự hiện diện của các bà ở đây là một bằng chứng về sự bền bỉ và tái khởi hành, về cuộc lữ hành tiến về sự chữa lành, cởi mở tâm hồn cho Thiên Chúa, Ðấng chữa lành cộng đoàn của chúng ta. Giờ đây tất cả chúng ta, trong tư cách là Giáo hội, chúng ta cần sự chữa lành; được thanh tẩy khỏi cám dỗ khép kín vào mình, chọn bảo vệ cơ chế thay vì tìm kiếm sự thật, ưa thích quyền lực trần thế thay vì phục vụ Tin mừng.

"Anh chị em thân mến, chúng ta hãy giúp đỡ nhau đóng góp phần của mình vào việc xây dựng một Giáo hội là mẹ, như Chúa muốn, với ơn phù trợ của Chúa: một Giáo hội có khả năng ôm lấy mỗi người con của mình, cởi mở đối với tất cả mọi người và nói với mỗi người; một Giáo hội không chống lại ai, nhưng gặp gỡ bất kỳ người nào".

Chữa lành và chăm sóc cộng đoàn

Ðức Thánh cha cũng nhắc đến tấm gương chữa lành của Chúa Giêsu bên bờ hồ Galilea, và kêu gọi chăm sóc và chữa lành cuộc sống của các cộng đoàn, bắt đầu từ những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề. Ngài nói: "Quá nhiều khi chúng ta để cho mình được những lợi lộc của một thiểu số có phương thế, cần nhìn xa hơn đến những người ở ngoài lề, và lắng nghe tiếng kêu của những người rốt cùng, biết lắng nghe đau khổ của những người âm thầm trong các thành thị đông đúc của chúng ta và thiếu tình người, họ đang kêu lên: "Xin đừng để chúng tôi lẻ loi cô độc!" Tiếng kêu của những người già có nguy cơ chết một mình trong nhà hoặc bị bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão, hoặc của những bệnh nhân gây phiền toái, những người mà thay vì được yêu mến, thì họ lại bị làm cho chết. Có tiếng kêu gọi những thiếu niên nam nữ, bị tra hỏi nhiều hơn là lắng nghe. Họ ủy thác tự do của mình cho các điện thoại di động, trong khi tại cùng những con đường, những người trẻ khác đồng lứa đi lang thang, bị mê hoặc vì vài thứ giải trí, trở thành mồi cho sự nghiện ngập làm cho họ trở nên sầu muộn và đau khổ, không còn khả năng tin tưởng nơi mình, yêu mến con người thực của họ và vẻ đẹp của cuộc sống mà họ có. Xin đừng để chúng tôi một mình, đó là tiếng kêu của người muốn một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng không biết bắt đầu từ đâu".

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng:

"Anh chị em thổ dân thân mến, tôi cũng đến đây như một người hành hương, để nói với anh chị em rằng anh chị em thật là quí giá đối với tôi và Giáo hội. Tôi mong muốn rằng Giáo hội được liên kết với anh chị em, như những sợi chỉ màu của những băng màu mà bao nhiêu người trong anh chị em đang mang. Xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trong con đường chữa lành, hướng đến một tương lai ngày càng được lành mạnh và đổi mới. Tôi tin rằng đó cũng là ước muốn của các ông bà của anh chị em. Xin ông bà của Chúa Giêsu, là thánh Gioakim và Anna, chúc lành cho hành trình của chúng ta".

Buổi cầu kết được tiếp nối với các lời cầu phổ quát, kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

Trên đường trở lại nhà xứ, Ðức Thánh cha còn dừng lại để làm phép tượng Ðức Mẹ tháo nút. Rồi tiếp tục hành trình trở về Ðại chủng viện Edmonton, kết thúc ngày thứ ba trong chuyến tông du tại Canada.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page