Ðức Thánh cha gặp gỡ các thổ dân Canada
tại Maskwacis và long trọng xin lỗi họ
Ðức Thánh cha gặp gỡ các thổ dân Canada tại Maskwacis và long trọng xin lỗi họ.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Edmonton (RVA News 26-07-2022) - Ðức Thánh cha Phanxicô đã dành hoạt động chính thức đầu tiên tại Canada, sáng thứ Hai 25 tháng Bảy năm 2022, để gặp gỡ hàng ngàn đại diện các thổ dân ở miền tây nước này và ngài long trọng xin lỗi họ vì những người con của Giáo hội đã cộng tác với chính sách đồng hóa thổ dân do các chính quyền thuộc địa tại đây đề ra và tài trợ.
Thứ Hai, 25 tháng Bảy năm 2022, Ðức Thánh cha đã có hai sinh hoạt đầu tiên trong cuộc viếng thăm tại Canada: gặp gỡ thổ dân vào ban sáng và viếng thăm giáo xứ thổ dân vào ban chiều tại thành phố Edmonton, bang Alberta.
Ban sáng, ngài đã cử hành thánh lễ riêng lúc 6 giờ 30 tại nhà nguyện Ðại chủng viện Edmonton, nơi ngài qua đêm. Sau đó lúc gần 9 giờ, ngài đã dùng xe đi tới khu vực thổ dân tên là Maskwacis, nghĩa là "đồi gấu", cách Edmonton 100 cây số. Ðây là khu vực dành riêng cho bốn nhóm bộ lạc thuộc khối "Các dân tộc đầu tiên" (First Nations).
Gặp gỡ tại Maskwacis
Ðến đây vào khoảng 10 giờ, tức là lúc 11 giờ đêm ngày 25 tháng Bảy năm 2022 theo giờ Việt Nam, Ðức Thánh cha được cha sở và các đại diện các thổ dân trong vùng, cùng với đại diện các nhóm những người lai và người Inuit đón tiếp trước nhà thờ kính Ðức Mẹ Bảy Sự. Sau đó phái đoàn tiến qua một nghĩa trang các thổ dân, trong đó có cả các học sinh các trường nội trú.
Tại đây, Ðức Thánh cha đã dừng lại để cầu nguyện trong thinh lặng trước khi đi tới khu công viên, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với một phái đoàn các thủ lãnh thổ dân đến từ các nơi trong nước.
Các cộng đoàn thổ dân Canada
Trong số 38 triệu dân Canada hiện nay, chỉ có 4% là thổ dân bản xứ. Theo luật, có ba danh xưng chính thức được dùng để chỉ các cộng đoàn thổ dân, gồm "các dân tộc đầu tiên", tiếp đến là những người lai, và sau cùng là những người Inuit.
"Các dân tộc đầu tiên", First Nations trong tiếng Anh, và Premières Nations, trong tiếng Pháp. Từ này được phổ biến trong thập niên 1970 để thay thế cho từ "Indiens" mà một số người coi là có tính chất xúc phạm.
Trong số hơn một triệu thổ dân ở Canada hiện thời có 64% là các "dân tộc đầu tiên" thuộc 50 bộ tộc hoặc nhóm ngôn ngữ và có tổng cộng 617 cộng đoàn. 54% những người thuộc "các dân tộc đầu tiên" hiện sống trong các khu vực thành thị, chứ không còn tại các khu vực bảo tồn thổ dân như trước kia.
Thứ hai là những người lai (Métis) là những con cháu của những người Âu và người thuộc "các dân tộc đầu tiên". Thoạt đầu từ "những người lai" ở Canada chỉ những người con sinh bởi những bà mẹ thổ dân và cha là người Anh, hoặc Pháp tại nước này. Người ta ước lượng có từ 300,000 đến 700,000 người lai ở Canada. Ðứng đầu là tỉnh Alberta có hơn 65,000, tiếp đến là tỉnh Manitoba gần 57,000, và tỉnh Ontario 48,000 người lai.
Sau cùng là những người Inuit. Trong tiếng địa phương, từ này có nghĩa là "con người", sống ở vùng bắc cực. Từ này được dùng để thay thế cho từ Eskimo, có nghĩa là "người làm nghề chế tạo giày trượt tuyết, nhưng cũng được dịch là "những người ăn thịt sống". Họ mặc áo da thú và chuyên về nghề săn bắn. Từ này bị bỏ vì có tính chất "coi rẻ". Tại Canada hiện có khoảng hơn 50,000 người Inuit. Trong khi tại Mỹ và đảo Goenland thuộc Ðan Mạch, mỗi nước hơn kém có khoảng 50,000 người Inuit. (wikipedia.org)
Ðức Thánh cha đã được tiếp đón theo nghi thức truyền thống của các thổ dân với các vị tù trưởng, giữa điệu trống đơn sơ. Nhiều người đội các mũ truyền thống bằng lông chim, và các y phục cổ truyền.
Hiện diện tại buổi gặp gỡ nơi sân vận động, cũng có bà Toàn quyền Canada, Mary May Simon và Thủ tướng Justin Trudeau, hàng ngàn đại diện các thổ dân miền tây Canada. Họ được chính phủ trợ giúp phương tiện để đến tham dự, cùng với dân chúng địa phương, đa số là các thổ dân trong y phục màu sắc sặc sỡ của họ.
Chào mừng của tù trưởng Wilton Littlechild
Trong lời chào mừng Ðức Thánh cha, nhân danh mọi người, tù trưởng Wilton Littlechild cho biết trong số các thổ dân hiện diện tại đây có những người sống sót từ các trường nội trú thổ dân, các thủ lãnh, những người cao niên, người bảo tồn kiến thức và cả những người trẻ thuộc cộng đoàn "các dân tộc đầu tiên", người lai và người Inuit đến từ các nơi ở Canada.
Ông cho biết trong tư cách là cựu Ủy viên của Ủy ban sự thật và hòa giải, ông đã lắng nghe gần 7,000 chứng từ của các cựu học sinh các trường nội trú thổ dân tại Canada. Bao nhiêu lạm dụng và đau khổ, như Ðức Thánh cha đã nghe kể trong cuộc viếng thăm của các phái đoàn thổ dân tại Vatican. "Và nay ngài đến đây, đáp lại lời mời của chúng tôi như đã hứa... Chúng tôi vui mừng đón tiếp ngài để hiệp với chúng tôi trong cuộc viếng thăm. Như ngài đã nhìn nhận trong diễn văn tại Roma, các thổ dân chúng tôi cố gắng cứu xét ảnh hưởng của các biến cố và những quyết định hiện nay về các thế hệ tương lai. Trong cùng tinh thần đó, chúng tôi chân thành hy vọng cuộc gặp gỡ sáng nay của chúng ta và những lời ngài chia sẻ với chúng tôi, sẽ đạt được một sự chữa lành thưc sự và một hy vọng đích thực đối với các thế hệ tương lai".
Diễn văn của Ðức Thánh cha
Về phần Ðức Thánh cha, lên tiếng trong dịp này, ngài bày tỏ đau buồn vì những đau khổ mà các thổ dân Canada đã phải chịu trong chính sách đồng hóa của chính quyền thực dân, đặc biệt qua các trường nội trú thổ dân.
Ðức Thánh cha nói bằng tiếng Tây Ban Nha, và có người thông dịch sang tiếng Anh. và đồng thời cũng được các thông ngôn dịch và truyền đi qua Internet bằng mười hai ngôn ngữ của các nhóm thổ dân.
Ðức Thánh cha nói: "Tôi đến quê hương của anh chị em, để đích thân nói với anh chị em rằng tôi đau đớn, khẩn xin Chúa ban ơn tha thứ, chữa lành và hòa giải, để biểu lộ với anh chị em sự gần gũi của tôi, để cầu nguyện với anh chị em và cho anh chị em".
Nhắc lại cuộc gặp gỡ tại Roma cách đây bốn tháng với các phái đoàn đại diện thổ dân, Ðức Thánh cha nói rằng: "Lúc ấy anh chị em đã trao cho tôi đôi giày, dấu chỉ sự đau khổ mà các trẻ em thổ dân đã chịu, đặc biệt là các em không trở về nhà nữa, từ các trường nội trú. Tôi được yêu cầu trả lại đôi giày ấy khi đến Canada; tôi sẽ làm điều này vào cuối diễn văn này. Tôi muốn khởi hành từ biểu tượng đôi giày ấy, nó gợi lại trong tôi trong những tháng qua, nỗi đau khổ, phẫn nộ và xấu hổ. Sự nhớ lại các trẻ em ấy đổ đầy sầu khổ và khuyên nhủ hãy hành động để mỗi trẻ em được đối xử trong tình yêu thương, danh dự và tôn trọng. Nhưng đôi giày ấy cũng nói với chúng ta về một con đường, một hành trình, mà chúng ta muốn cùng nhau thực hiện. Cùng nhau bước đi, cùng nhau cầu nguyện, cộng tác với nhau, để những đau khổ quá khứ nhường chỗ cho một tương lai công bằng, chữa lành và hòa giải".
Những bài học từ cuộc sống của các thổ dân
Ðức Thánh cha nhắc lại lịch sử lâu dài của các cộng đoàn thổ dân tại các phần đất này với bao nhiêu truyền thống tốt lành. Ngài nói: "Anh chị em đã coi đây là một hồng ân của Ðấng Tạo Hóa, cần chia sẻ với những người khác, yêu thương trong sự hòa hợp với tất cả những gì hiện hữu, trong sự liên hệ sinh động giữa mọi sinh vật. Anh chị em cũng học cách nuôi dưỡng ý thức gia đình và cộng đoàn, phát triển các liên hệ bền vững giữa các thế hệ, tôn trọng người già, chăm sóc những người bé nhỏ. Bao nhiêu phong tục tốt và những giáo huấn, qui trọng tâm vào việc quan tâm đến tha nhân, yêu mến đối với sự thật, lòng can đảm, sự tôn trọng, khiêm tốn và lương thiện, về sự khôn ngoan của cuộc sống!"
Ðau buồn vì những gì đã xảy ra
"Nhưng chúng ta cũng đau buồn nhớ đến những gì xảy ra sau đó. "Nơi chúng ta đang ở đây làm vang lên một tiếng kêu đau đớn, một tiếng thét bị bóp nghẹt, mà tôi cảm thấy trong những tháng qua. Tôi nghĩ lại thảm trạng bao nhiêu người trong anh chị em, gia đình, và cộng đoàn của anh chị em đã chịu; thêm vào đó anh chị em đã chia sẻ với tôi những những đau khổ đã trải qua trong các trường nội trú thổ dân. Một cách nào đó, đó là những chấn thương tái xuất hiện mỗi lần được nhắc tới và tôi thấy rằng cả cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay cũng có thể khơi lại những ký ức và vết thương, và nhiều người trong anh chị em có thể cảm thấy khó khăn khi tôi nói. Nhưng nhớ lại như thế là điều đúng, vì sự quên lãng đưa tới sự dửng dưng, và như đã nói, "Ngược với tình thương không phải là oán ghét, nhưng là sự dửng dưng, đối nghịch với sự sống không phải là sự chết, nhưng là sự dửng dưng đối với sự sống và sự chết" (E. Wiesel). Nhớ lại những kinh nghiệm tàn hại xảy ra tại các trường nội trú là điều gây chấn động, phẫn nộ, và đau khổ, nhưng đó là điều cần thiết".
Lên án chính sách đồng hóa thổ dân
Ðức Thánh cha nhắc đến những đau khổ và tai hại do chính sách đồng hóa gây ra và nói: "Cần nhớ rằng những chính sách đồng hóa và giải phóng, trong đó có cả hệ thống các trường nội trú, đã và đang tàn phá người dân ở những vùng đất này. Khi những thực dân Âu châu đến đây lần đầu tiên có một cơ hội lớn để phát triển một cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa, các truyền thống và linh đạo, nhưng phần lớn những điều ấy đã không được thực hiện. Tôi nhớ lại điều anh chị em đã kể: những chính sách đồng hóa ấy rốt cuộc nhất loạt gạt ra ngoài lề các thổ dân; kể cả qua hệ thống các trường nội trú, các ngôn ngữ và văn hóa của anh chị em bị vu khống và loại bỏ; các trẻ em bị lạm dụng về thể lý và lời nói, tâm lý và tinh thần; các em bị đưa ra khỏi gia đình khi còn nhỏ và điều này đã ảnh hưởng không thể xóa nhòa tương quan giữa cha mẹ và con cái, ông bà và các cháu."
"Tôi cám ơn anh chị em đã làm cho tôi đi vào trọng tâm tất cả những điều đó, kêu kéo ra ngoài những gánh nặng anh chị em mang trong tâm hồn, để chia sẻ với tôi ký ức rướm máu này. Ngày hôm nay, tôi ở đây, trên phần đất còn giữ những vết tích của những vết thương còn mở toang, cùng với ký ức xưa kia. Tôi đến đây vì bước đầu tiên trong cuộc hành hương thống hối này giữa anh chị em là lập lại lời xin lỗi và thành tâm nói với anh chị em rằng tôi hết sức đau buồn: tôi xin lỗi vì những cách thức mà rất tiếc là nhiều Kitô hữu đã ủng hộ não trạng thực dân của các cường quốc đã áp bức các thổ dân. Tôi đau khổ. Tôi đặc biệt xin lỗi vì những cách thức mà nhiều thành phần của Giáo hội và các cộng đoàn dòng tu đã cộng tác, kể cả qua sự dửng dưng, với những dự án tàn phá văn hóa và cưỡng bách đồng hóa của các chính phủ thời ấy, với tột đỉnh là hệ thống các trường nội trú thổ dân".
Thiếu bác ái Kitô chân thực
Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Giả sử đức bác ái Kitô hiện diện, - và không thiếu những trường hợp gương mẫu tận tụy đối với các trẻ em, - thì những hậu quả nói chung của những chính sách liên quan đến các trường nội trú không thê thảm như thế. Ðiều mà đức tin Kitô nói với chúng ta là, đó là một sai lầm tàn hại, không thể dung hợp với Tin mừng của Chúa Kitô. Ðau khổ khi biết rằng phần đất ấy đầy những giá trị, ngôn ngữ và văn hóa, đã mang lại cho các thổ dân anh chị em một cảm thức chân thực về căn tính, đã bị hao mòn, và anh chị em tiếp tục phải trả những hậu quả. Ðứng trước sự ác gây phẫn nộ ấy, Giáo Hội quỳ gối trước Thiên Chúa và khẩn cầu ơn tha thứ vì tội lỗi của các con cái mình (Xc Thánh Gioan Phaolô 2, Tông sắc Incarnationis mysterium, 29-11-1998), 11: AAS 91, 1999, 140). Tôi muốn tái khẳng định điều đó, với lòng tủi hổ và minh bạch: tôi khiêm tốn xin lỗi vì sự ác mà bao nhiêu Kitô hữu đã phạm chống lại các thổ dân".
Ðức Thánh cha xác quyết việc xin lỗi như thế chỉ là bước đầu tiên, là điểm khởi hành. Và nguyên điều đó không đủ. Ngài cầu nguyện và hy vọng các Kitô hữu và xã hội ở đây gia tăng khả năng đón nhận và tôn trọng căn tính cũng như kinh nghiệm của các thổ dân. "Tôi biết điều đó đòi thời gian và kiên nhẫn: đây là những tiến trình phải đi vào trong các tâm hồn, và sự hiện diện của tôi nơi đây cũng như sự quyết tâm của các giám mục Canada là bằng chứng về ý chí tiến bước trên con đường này".
Sau diễn văn của Ðức Thánh cha, các thổ dân đã trình diễn một bài ca, trước khi Ðức Thánh cha và mọi người đọc kinh Lạy Cha và ngài ban phép lành cho mọi người.
Ðức Thánh cha chào thăm một số vị thủ lãnh thổ dân trước khi giã từ để trở về Ðại chủng viện Edmonton lúc khoảng một giờ, dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.