Những điểm nổi bật

trong sứ điệp của Ðức Thánh cha

nhân ngày Thế giới lần thứ hai

về Ông Bà nội ngoại và người già

 

Ðức Thánh cha Phanxicô và người cao tuổi - Những điểm nổi bật trong sứ điệp của Ðức Thánh cha nhân ngày Thế giới lần thứ hai về Ông Bà nội ngoại và người già.

Trần Phúc Nhạc

Vatican (RVA News 23-07-2022) - Chúa nhật ngày 24 tháng Bảy năm 2022, Giáo hội sẽ cử hành Ngày Thế giới lần thứ hai các Ông Bà nội ngoại và người cao niên, với chủ đề: "Trong tuổi già họ còn mang lại hoa trái" (Tv 92,15), thánh vịnh 92, câu 15. Ðức Hồng y Angelo de Donatis, Giám quản Roma, sẽ chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ thánh Phêrô, vào lúc 10 giờ, đại diện Ðức Thánh cha Phanxicô, vì 9 giờ sáng trước đó, ngài sẽ lên đường tông du tại Canada trong vòng một tuần lễ.

Trong sứ điệp công bố ngày 10 tháng Năm năm 2022, để giúp chuẩn bị cử hành ngày thế giới này, Ðức Thánh cha mời gọi những người cao niên vượt thắng quan niệm xã hội coi người già là "đồ phế thải" và hãy sống tuổi già trong tinh thần tích cực, xác tín đó là một phúc lành của Chúa.

Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị và các bạn những điểm nổi bật trong sứ điệp của Ðức Thánh cha:

Ði ngược dòng

Trước tiên, Ðức Thánh cha nhận xét rằng câu thánh vịnh chủ đề của Ngày Thế giới Ông Bà và người cao niên năm 2022 "Trong tuổi già, họ còn mang lại hoa trái" (Tv 92,15), "thực là một tin vui, một "phúc âm" đích thực. Nó đi ngược dòng so với quan niệm mà nhiều người nghĩ về tuổi già; và so với thái độ cam chịu của một số người già, sống với niềm hy vọng ít ỏi, không còn chờ đợi gì nơi tương lai. Ðức Thánh cha viết:

"Ðối với nhiều người, tuổi già là điều làm họ lo sợ. Họ coi đó là một thứ bệnh tật nên tránh mọi đụng chạm liên hệ tới: họ nghĩ người già chẳng liên hệ gì tới chúng tôi, và tốt hơn nên để người già ở càng xa càng tốt, giữa họ với nhau, ở trong những viện chăm sóc họ, và như vậy chúng tôi khỏi phải gánh những phiền toái do họ gây ra. Ðó là "nền văn hóa gạt bỏ" ... Trong thực tế, như Kinh thánh dạy, sống lâu, sống thọ là một phúc lành, và những người già không bị loại bỏ vì người ta tránh xa họ, trái lại họ là những dấu chỉ lòng từ nhân của Thiên Chúa, Ðấng rộng ban sự sống dồi dào. Phúc cho nhà nào giữ được một người già! Phúc cho gia đình nào tôn trọng các ông bà của mình!

Những vấn đề của tuổi già

Thực tế, tuổi già là giai đoạn ta không dễ hiểu, kể cả đối với chúng ta là người đang sống trong tuổi này. Mặc dù đến tuổi già sau một hành trình dài, nhưng không ai chuẩn bị chúng ta đương đầu với tuổi già, dường như đón nhận tuổi này trong sự ngạc nhiên. Những xã hội tân tiến hơn chi phí nhiều cho tuổi già nhưng không giúp giải thích nó: họ cung cấp những kế hoạch trợ giúp, nhưng không mang lại những dự án để sống. Vì thế thật khó nhìn về tương lai và đón nhận một chân trời ta đang hướng tới. Một đàng chúng ta bị cám dỗ muốn xua đuổi tuổi già, bằng cách che đậy những vết nhăn, và làm bộ như mình luôn trẻ trung, nhưng đàng khác ta không thể làm gì khác hơn và sống như thể vỡ mộng, cam chịu và không còn mang lại hoa trái nữa".

Sự chấm dứt công việc và con cái nay đã tự lập làm giảm bớt những động lực khiến chúng ta đã tiêu hao nhiều năng lực của mình. Ý thức rằng sức lực suy giảm hoặc sự nảy sinh một bệnh tật có thể làm cho những chắc chắn của chúng ta bị khủng hoảng. Thế giới, - với nhịp tiến mau lẹ, khiến chúng ta khó theo kịp, - dường như không để chúng ta có con đường nào khác và khiến chúng ta nhập tâm ý tưởng về sự phế thải. Vì thế, có một kinh nguyện trong thánh vịnh dâng lên Chúa: "Xin đừng để con lâm vào tuổi già, xin đừng bỏ rơi con khi sức lực của con suy tàn" (71.9).

Tuổi già là một hồng ân

"Nhưng cũng thánh vịnh đó, phác họa lại sự hiện diện của Chúa trong những giai đoạn khác của cuộc sống, mời gọi chúng ta tiếp tục hy vọng: tuổi già đến và tóc bạc, Chúa còn ban cho chúng ta sự sống và không để chúng ta bị sự ác đè bẹp. Tín thác nơi Chúa, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để gia tăng lời chúc tụng (vv.14-20) và chúng ta sẽ khám phá thấy rằng trở nên già không phải chỉ là sự suy thoái tự nhiên của cơ thể và thời gian trôi qua không thể tránh được, nhưng là một hồng ân sống lâu. Trở nên già không phải là một bản án, nhưng là một phúc lành!

Sống tuổi già tích cực

"Vì thế, chúng ta phải tự cảnh tỉnh và học cách sống tuổi già tích cực, cả về phương diện tâm linh, vun trồng đời sống nội tâm qua việc chăm chỉ đọc Lời Chúa, cầu nguyện hằng ngày, năng lãnh nhận các bí tích và tham gia phụng vụ. Và cùng với tương quan với Chúa, có tương quan với tha nhân: nhất là gia đình, các con, cháu, cống hiến cho họ tình yêu thương đầy ân cần của chúng ta; cũng như đối với những người nghèo khổ, trở nên gần gũi với họ bằng cách giúp đỡ cụ thể và bằng lời cầu nguyện. Tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta cảm thấy mình không phải chỉ là những khán giả trong kịch trường thế giới, không phải chỉ "đứng ở cửa sổ" mà nhìn." Trái lại, khi càng nhận ra sự hiện diện của Chúa, chúng ta càng trở nên như những cây ôliu xanh tươi trong nhà Chúa" (Tv 52,10), chúng ta có thể là phúc lành cho người sống cạnh chúng ta.

Sứ mạng trong tuổi già

Ðức Thánh cha nhấn mạnh rằng: "Tuổi già không phải là một thời gian vô ích, trong đó chúng ta rút lui, 'rút mái chèo lên thuyền', nhưng là một thời kỳ còn sinh hoa trái: có một sứ mạng mới đang chờ đợi và mời gọi chúng ta hướng nhìn về tương lai. "Sự nhạy cảm đặc biệt của người già chúng ta đối với những chú ý, những ý nghĩ và tình cảm làm cho chúng ta nhân bản hơn; sự nhạy cảm ấy phải tái trở thành một ơn gọi của bao nhiêu người. Và đó sẽ là một sự chọn lựa yêu thương của người già đối với các thế hệ trẻ" (Bài giáo lý về tuổi già, 16-3-2022).

"Các ông bà và người già quí mến, đó là đóng góp của chúng ta cho 'cuộc cách mạng dịu dàng', một cuộc cách mạng tinh thần và không võ khí, mà tôi mời gọi anh chị em trở thành những nhân vật chính".

Vài đề nghị đóng góp của người già

Trong phần kế tiếp của sứ điệp, Ðức Thánh cha gợi ý một số lãnh vực mà người già có thể dấn thân giúp đỡ như:

Giúp thế hệ trẻ nhân bản hơn

Ðứng trước những cuộc khủng hoảng hiện nay, như đại dịch, chiến tranh tại Ucraina và những thứ "dịch" khác, "chúng ta có trách nhiệm lớn dạy cho những người nam nữ thời nay nhìn tha nhân với cùng cái nhìn cảm thông và dịu dàng, như khi chúng ta nói với các cháu của chúng ta. Chúng ta rèn luyện nhân tính của mình khi chăm sóc tha nhân và ngày nay chúng ta có thể trở thành những người dạy lối sống an bình, và quan tâm đến những người yếu trên thế giới. Thái độ này có thể bị hiểu lầm như một sự yếu đuối hoặc dễ dãi, tháo thứ, nhưng chính những người hiền lành, chứ không phải những kẻ gây hấn và lạm quyền là những người thừa hưởng trái đất (Xc Mt 5,5).

Bảo tồn môi trường và quan tâm đến người yếu thế

Ðức Thánh cha cũng viết rằng:

Một trong những hoa trái chúng ta được kêu gọi mang lại là gìn giữ thế giới. "Tất cả chúng ta đã từng ngồi trên đầu gối của ông bà, đã được bồng ẵm trong tay", nhưng ngày nay là lúc giữ trên đầu gối chúng ta, qua sự giúp đỡ cụ thể hoặc chỉ bằng kinh nguyện, cùng với đứa cháu nhỏ của chúng ta, bao nhiêu những đứa cháu khác sợ hãi, những cháu chúng ta chưa biết và có thể là chúng đang trốn chạy khỏi chiến tranh hoặc đang đau khổ vì chiến tranh. Chúng ta hãy giữ trong tâm hồn, như thánh Giuse người cha dịu dàng và ân cần đã làm, những em nhỏ từ Ucraina, Afghanistan, Nam Sudan, v.v.

Cổ võ sống chung hòa bình

"Nhiều người trong chúng ta đã đạt tới một sự ý thức khôn ngoan và khiêm tốn mà thế giới rất cần, đó là: chúng ta không thể tự cứu thoát một mình, hạnh phúc là chiếc bánh ta cùng ăn. Chúng ta hãy làm chứng điều đó cho những người nuôi ảo tưởng tìm được sự thành đạt bản thân và thành công bằng con đường đối nghịch. Tất cả chúng ta, cả những người yếu thế nhất, - có thể làm điều đó: chính chúng ta đã để cho mình được săn sóc, nhiều khi nhờ những người đến từ các nước khác, - là một cách thức để nói rằng sống chung không những là điều có thể, nhưng còn là điều cần thiết nữa."

Tận dụng lời cầu nguyện

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Các ông bà và những người cao niên quý mến, trong thế giới này chúng ta được kêu gọi trở thành những người kiến tạo một cuộc cách mạng dịu dàng! Chúng ta hãy thực thi điều này bằng cách ngày càng sử dụng nhiều và tốt đẹp hơn phương tiện quí giá mà chúng ta có, và rất thích hợp đối với tuổi của chúng ta, đó là lời cầu nguyện. "Cả chúng ta cũng hãy trở thành những thi sĩ của kinh nguyện: chúng ta hãy đạt được sở thích tìm kiếm những lời cầu nguyện của chúng ta, thủ đắc những lời mà Lời Chúa dạy chúng ta". Lời khẩn cầu tín thác của chúng ta có thể làm được nhiều sự: có thể đồng hành với tiếng kêu đau thương của những người sầu khổ và có thể góp phần thay đổi các tâm hồn. Chúng ta có thể là một "ca đoàn" thường trực của một cung thánh thiêng liêng bao la, trong đó kinh nguyện khẩn cầu và chúc tụng nâng đỡ cộng đoàn đang làm việc và chiến đấu trong cảnh đồng sự sống".

"Như thế, Ngày Thế giới các Ông Bà và người già trở thành dịp để, một lần nữa, vui mừng nói lên rằng Giáo hội muốn cùng mừng lễ với những người mà Chúa đã cho sống lâu. Chúng ta hãy cùng nhau cử hành ngày này! Tôi mời gọi anh chị em hãy loan báo ngày này trong các giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em, ra đi tìm kiếm những người già neo đơn, tại gia hoặc trong các nhà dưỡng lão. Chúng ta hãy làm sao để không ai sống ngày này trong cô đơn. Có ai đó để chờ đợi, đó là điều có thể thay đổi hướng đi của những ngày của những người không còn chờ đợi điều gì tốt đẹp từ tương lai, và từ cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy có thể có một tình bạn mới. Việc viếng thăm những người già neo đơn là một công việc từ bi bác ái trong thời đại ngày nay!

"Chúng ta hãy cầu xin Ðức Mẹ là Mẹ dịu dàng làm cho tất cả chúng ta trở thành những người xây dựng cuộc cách mạng dịu dàng, để cùng nhau giải thoát thế giới khỏi bóng đen của cô đơn và khỏi ác quỉ chiến tranh."

"Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em và những người thân yêu của anh chị em, và bày tỏ sự gần gũi quí mến của tôi, và xin anh chị em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page