Ðức Thánh cha Phanxicô và người cao tuổi

 

Ðức Thánh cha Phanxicô và người cao tuổi.

Trần Phúc Nhạc

Vatican (RVA News 07-07-2022) - Quý vị và các bạn thân mến,

Trong tháng Bảy này, qua ý chỉ cầu nguyện chung, Ðức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu trong toàn Giáo hội hiệp với ngài "cầu nguyện cho những người cao niên, là những người tượng trưng căn cội và ký ức của một dân tộc, để kinh nghiệm và sự khôn ngoan của họ giúp những người trẻ nhìn về tương lai với niềm hy vọng và tinh thần trách nhiệm".

Từ lâu, Ðức Thánh cha Phanxicô đặc biệt quan tâm đến những người cao tuổi, không những vì ngài cũng thuộc vào số người già, - ngài sẽ tròn 86 tuổi vào ngày 17 tháng Mười Hai năm nay, - nhưng còn vì đây là một hiện tượng xã hội ngày càng lan rộng trên thế giới: số người già ngày càng gia tăng, như trường hợp nước Ý: hiện tại trong số gần 60 triệu người Ý, có tới 14 triệu người trên 65 tuổi. Ý là nước có dân số già nhất Âu châu.

Trong gần mười năm làm Giáo hoàng, nhiều lần Ðức Thánh cha đã đề cập đến những người già. Ngài đề cao những đóng góp hữu ích của người già đối với nhân loại, đặc biệt cho những người trẻ, đồng thời ngài chống lại thứ văn hóa gạt bỏ, loại trừ người già ra khỏi cuộc sống và mối quan tâm của con người. Ðặc biệt, từ ngày 23 tháng Hai năm nay, Ðức Thánh cha đã bắt đầu loạt bài huấn giáo trong các buổi kiến chung thứ Tư hằng tuần, để lưu ý các tín hữu về các khía cạnh liên quan đến vai trò của người già trong đời sống xã hội và Giáo hội. Loạt bài giáo lý này cho đến nay đã tới bài thứ mười lăm.

Theo thông lệ từ nhiều năm nay, trong thánh Bảy, Ðức Thánh cha Phanxicô không tiếp kiến chung, vì thế, chúng tôi kính mời quí vị và các bạn tìm hiểu lại bài đầu tiên của loạt bài huấn giáo của Ðức Thánh cha về người già. Trong hai bài lần tới, nhân dịp Ngày Thế giới các Ông bà Nội ngoại, ngày 24 tháng Bảy, chúng tôi sẽ gửi đến quý vị và các bạn nội dung sứ điệp của Ðức Thánh cha hồi năm ngoái và năm nay về ngày này.

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 23 tháng Hai năm 2022, Ðức Thánh cha nói:

"Hôm nay, chúng ta bắt đầu một hành trình giáo lý tìm sự soi sáng trong Lời Chúa về "ý nghĩa và giá trị của tuổi già". Từ vài thập niên, tuổi này trong cuộc sống liên hệ thực sự đến "một dân mới", là những người già. Chưa bao giờ người già đông đảo như vậy trong lịch sử nhân loại. Chưa bao giờ có nguy cơ gạt bỏ người già như ngày nay. những người già bị coi như "một gánh nặng". Thời đầu đại dịch, những người già đã phải trả giá đắt đỏ nhất. Họ là thành phần yếu đuối và bị lơ là nhất: chúng ta ít thăm họ khi họ còn sống, và chúng ta cũng chẳng thấy họ khi chết. Tôi cũng đã tìm thấy bản Hiến chương này về các quyền của người già và các nghĩa vụ của cộng đoàn: Hiến chương này do các chính phủ ban hành, chứ không phải do Giáo hội. Ðây là một Hiến chương đời. Ðây là điều tốt, điều hay, để biết rằng người già có các quyền của họ. Anh chị em nên đọc.

Cùng với những cuộc di dân, tuổi già thuộc vào số những vấn đề cấp thiết nhất mà gia đình nhân loại được kêu gọi đương đầu trong thời đại ngày nay. Vấn đề ở đây không phải chỉ là sự thay đổi về số lượng; điều liên hệ ở đây là "sự liên kết giữa các lớp tuổi trong cuộc sống": đây là điểm tham chiếu thực sự để hiểu và quí chuộng đời sống con người trong toàn bộ. Chúng ta tự hỏi: có tình thân hữu, có sự liên minh giữa các lớp tuổi trong cuộc sống hay là sự tách biệt và sự gạt bỏ chiếm ưu thế?

Tất cả chúng ta đều sống trong một thực tại, trong đó các trẻ em, người trẻ, người lớn và người già cùng sống chung. Nhưng có sự thay đổi về tỷ lệ: sự sống lâu trở thành một hiện tượng tập thể, và tại nhiều miền trên thế giới, số người trẻ ít ỏi. Một sự thiếu quân bình như thế có rất nhiều hậu quả. Nền văn hóa thịnh hành có một kiểu mẫu duy nhất là người trẻ-trưởng thành, tức là một người tự lập và vẫn luôn trẻ trung. Nhưng phải chăng tuổi trẻ có trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống, còn tuổi già chỉ là một sự trống rỗng và mất mát? Sự đề cao tuổi trẻ như tuổi duy nhất đáng biểu lộ lý tưởng của con người, kéo theo sự coi rẻ tuổi già, tuổi bị coi là mong manh, xuống cấp, khuyết tật, là hình ảnh nổi bật của những chế độ độc đoán trong thế kỷ XX. Phải chăng chúng ta đã quên điều đó?

Tiếp tục bài giáo lý, Ðức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu hãy quí chuộng đối với người già. Ngài nói: "Sự gia tăng tuổi thọ cũng ảnh hưởng cấu trúc trên lịch sử của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Nhưng chúng ta phải tự hỏi: phẩm chất tinh thần và ý nghĩa của tuổi già kéo dài như thế, có được người ta nghĩ đến và quí chuộng hay không? Phải chăng người già phải xin lỗi vì cứ ngoan cố sống còn, gây thiệt hại cho những người khác sao? Hay là người già có thể được quí trọng vì những món quà mà họ mang lại cho ý nghĩa cuộc sống của tất cả mọi người? Trong thực tế, khi nói về ý nghĩa cuộc sống - và chính trong các nền văn hóa gọi là "phát triển" - tuổi già ít có ảnh hưởng. Tại sao? Vì tuổi già bị coi là một tuổi không có những nội dung đặc biệt để cống hiến, và cũng chẳng có ý nghĩa để sống. Hơn nữa, người ta ít được khích lệ tìm kiếm những nội dung ấy, và cộng đoàn ít được giáo dục về sự nhìn nhận người già. Nói tóm lại, đối với một lứa tuổi nay chiếm phần quan trọng trong cộng đoàn và kéo dài một phần ba cuộc sống, đôi khi người ta đề ra những kế hoạch trợ giúp người già, nhưng có những chương trình giúp người già sống sung mãn. Ðó là một sự thiếu suy tư, thiếu óc sáng tạo.

Ðức Thánh cha cũng đặt tuổi già trong tương quan với tuổi trẻ và nói rằng: "Tuổi trẻ rất đẹp, nhưng tuổi trẻ vĩnh cửu là một ám ảnh rất nguy hiểm. Tuổi già cũng quan trọng - và đẹp - như tuổi trẻ. Chúng ta hãy nhớ điều ấy. Liên minh giữa các thế hệ trả lại cho con người tất cả các lứa tuổi của cuộc sống, chính là một món quà chúng ta đã đánh mất. Cần phải tìm lại món quà ấy.

Lời Chúa có rất nhiều điều nói về liên minh này. Ðầu buổi tiếp kiến này, chúng ta đã nghe lời ngôn sứ Gioel: "Những người già trong các ngươi sẽ mơ ước, những người trẻ sẽ được những thị kiến" (3,1). Chúng ta có thể giải thích thế này: "Khi những người già chống lại Thần trí, bằng cách chôn vùi những mơ ước của họ trong quá khứ, thì những người trẻ sẽ không thể thấy được những điều cần phải làm để mở ra tương lai. Trái lại khi những người già thông truyền những mơ ước của họ, thì những người trẻ thấy rõ điều họ phải làm. Người trẻ không hỏi những mơ ước của người già nữa, cúi mặt không có những tầm nhìn đi xa hơn tầm nhìn của họ, thì họ sẽ khó lòng sống hiện tại và chịu đựng tương lai của họ. Nếu các ông bà co cụm trong những tư lự nhớ nhung của họ, thì người trẻ sẽ càng cúi mình trên các điện thoại thông minh của họ. Màn hình có thể còn sáng, nhưng cuộc sống của họ tắt lịm trước thời gian. Hậu quả của đại dịch chẳng tạo nên sự hoang mang đánh mất hướng đi của người trẻ sao? Những người già có những tài nguyên từ cuộc sống đã trải qua mà người trẻ có thể nhờ đến. Chẳng lẽ người già đứng nhìn những người trẻ đang đánh mất viễn tượng của họ hay trái lại, đồng hành với người trẻ bằng cách hun đúc những mơ ước của họ?

Ðiều khôn ngoan trong hành trình của tuổi già cho đến khi giã từ cuộc sống cần được sống như một sự cống hiến ý nghĩa cuộc sống, chứ không tiêu hao trong thái độ ù lì bất động của sự sống còn. Tuổi già, nếu không được phục hồi phẩm giá của một cuộc đời đáng sống như con người, thì sẽ khép kín trong tình trạng xuống tinh thần, làm mất lòng yêu mến của mọi người. Thách đố này, về mặt nhân tính và văn minh, đòi chúng ta phải quyết tâm và cần ơn phù trợ của Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh điều đó. Qua những bài giáo lý này về tuổi già, tôi muốn khích lệ tất cả mọi người hãy đầu tư những tâm tư và lòng quí mến vào những hồng ân mà tuổi già trong mình và cho các lứa tuổi khác trong cuộc sống. Lời Chúa sẽ giúp chúng ta phân định ý nghĩa và giá trị của tuổi già. Xin Chúa Thánh Linh ban cho cả chúng ta những mơ ước và những thị kiến chúng ta đang cần.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page