Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ

với cộng đoàn Congo ở Roma

 

Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ với cộng đoàn Congo ở Roma.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RV News 03-07-2022) - Lúc gần 9 giờ 30 sáng Chúa nhật, ngày 03 tháng Bảy năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ thánh Phêrô với cộng đoàn người Congo tại Roma và Ý.

Thánh lễ này, lẽ ra ngài cử hành tại phi trường Ndolo ở thủ đô Kinshasa, Cộng hòa dân chủ Congo, bên Phi châu, cao điểm trong chương trình viếng thăm mục vụ của ngài tại nước này, từ mùng 02 đến mùng 05 tháng Bảy năm 2022. Nhưng vì đau đầu gối, nên chuyến tông du của ngài tại Congo bị hoãn lại, cùng với chuyến viếng thăm tại Nam Sudan.

Hiện diện trước bàn thờ Ngai tòa, ở cuối Ðền thờ, có hơn 1,000 tín hữu, phần lớn là người Congo và đông đảo các nữ tu nước này. Ðồng tế trong thánh lễ, có Ðức Tổng giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, và bốn giám mục khác, trong đó có Ðức Tổng giám mục Kabongo, người Congo, nguyên phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục nước này và hiện là kinh sĩ Ðền thờ thánh Phêrô. Ngoài ra, có khoảng ba mươi linh mục Congo.

Thánh lễ được cử hành theo nghi thức Zaire, với nhiều sắc thái của dân tộc này, đặc biệt là các bài thánh ca và các cử điệu.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha nhấn mạnh đến sứ mạng của mỗi Kitô hữu trong thế giới, với tư cách là Giáo hội, chúng ta phải làm gì trong lịch sử? Ngài xác quyết rằng: "Là Kitô hữu, chúng ta không thể hài lòng với việc sống vất vưởng trong sự tầm thường, tính toán với những cơ may và tiện lợi của chúng ta, sống qua ngày. Không phải vậy, chúng ta là những thừa sai của Chúa Giêsu". Có thể chúng ta sẽ viện cớ mình không biết làm sao, không có khả năng!" Nhưng bài Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa sai các môn đệ ra đi, không chờ đợi họ sẵn sàng và được huấn luyện kỹ lưỡng.

Dựa vào bài Tin mừng nói về ba điều gây ngạc nhiên, khi Chúa Giêsu sai 72 môn đệ ra khi trước, dọn đường cho Ngài, Ðức Thánh cha rút ra những bài học cụ thể cho các tín hữu:

1. Trước tiên là hành trang: Chúa Giêsu không bảo các môn đệ phải mang theo những thứ gì, trái lại, Chúa nói về những gì họ đừng mang theo: "Các con đường mang theo túi, bị, hoặc giày dép" (v.4), Thực tế là không mang theo cái gì: không có hành lý, không có an ninh và trợ giúp. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng các sáng kiến của Giáo hội không hoạt động tốt vì thiếu các cơ cấu, thiếu tiền bạc và phương tiện. Nhưng không phải vậy và chính Chúa Giêsu xác nhận điều đó. Anh chị em, chúng ta đừng tín thác nơi sự giàu sang, và đừng sợ cái nghèo của chúng ta, nghèo về vật chất cũng như về mặt nhân bản. Hễ chúng ta càng tự do và đơn giản, nhỏ bé và khiêm tốn, thì Chúa Thánh Linh càng hướng dẫn sứ mạng và làm cho chúng ta giữ vai chính trong các kỳ công của Người."

Ðối với Chúa Kitô, hành trang cơ bản chính là tha nhân, là người anh chị em. Chúa nói: "Thầy sai các con đi, cứ hai người một" (v.1).... Vì không có sứ vụ truyền giáo nếu không có hiệp thông. Không có sự loan báo nào ổn thỏa nếu không chăm sóc những người khác. Vì thế, chúng ta có thể tự hỏi: tôi là Kitô hữu, tôi nghĩ đến nhiều hơn điều mà tôi thiếu để sống thoải mái, hay là xích lại gần những người anh em, chăm sóc họ?"

2. Sang đến điều ngạc nhiên thứ hai, đó là sứ điệp

Ðức Thánh cha nêu nhận xét: "Ðiều hợp lý là nghĩ rằng để chuẩn bị loan báo, các môn đệ phải học biết xem mình phải nói điều gì, học kỹ lưỡng các nội dung, chuẩn bị những diễn văn mạch lạc, có sức thuyết phục. Trái lại, Chúa Giêsu chỉ dạy họ hai câu nhỏ. Câu thứ nhất có vẻ thừa, vì đó là lời chào: "Khi vào bất kỳ nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "bình an cho nhà này!" (v.5). Nghĩa là Chúa dạy họ tự giới thiệu, tại bất kỳ nơi nào, như những sứ giả hòa bình. Ðặc điểm phân biệt ở đây là: Kitô hữu là người mang hòa bình, vì Chúa Kitô là an bình. Qua sự kiện đó người ta biết chúng ta là môn đệ của Chúa. Trái lại, nếu chúng ta chỉ gieo rắc những lời nói hành nói xấu và nghi kỵ, kiến tạo chia rẽ, thì chúng ta cản trở sự hiệp thông, đặt phe phái trước mọi sự, chúng ta không hành động nhân danh Chúa Giêsu. Ai xách động oán hận, xúi giục oán ghét, qua mặt những người khác, thì không làm việc cho Chúa Giêsu, không mang lại hòa bình của Ngài."

Và Ðức Thánh cha mời gọi mọi người "cầu nguyện cho Cộng hòa dân chủ Congo, bị thương tích và bị bóc lột rất nhiều. Chúng ta hiệp ý với các thánh lễ được cử hành tại Congo theo ý hướng này và cầu nguyện để các Kitô hữu trở thành những chứng nhân hòa bình, có khả năng vượt thắng mọi tâm tình oán ghét và thù hận, vượt thắng cám dỗ cho rằng hòa giải là điều không có thể, xa tránh mọi cám dỗ gắn bó thiếu lành mạnh với nhóm của mình, để rồi coi rẻ các nhóm khác".

Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Anh chị em, hòa bình bắt đầu từ chính chúng ta; từ tôi, từ anh, chị, từ con tim của mỗi người. Nếu bạn sống an bình của Chúa, thì Chúa Giêsu đến và gia đình, xã hội của bạn thay đổi, nếu trước tiên tâm hồn của bạn không còn ở trong chiến tranh, không còn võ trang bằng tâm tình oán hận và giận dữ, không còn chia rẽ, sống nước đôi và giả dối. Hãy đặt an bình và trật tự trong chính tâm hồn bạn, gỡ bỏ ham hố, dập tắt oán thù, trốn chạy tham nhũng, lừa đảo và gian xảo: hòa bình bắt đầu như thế. Chúng ta sẽ luôn gặp những người hiền từ, tốt lành, an bình, bắt đầu từ những người họ hàng và thân cận. Nhưng Chúa Giêsu dạy: "Chính con hãy mang hòa bình vào nhà con, bắt đầu tôn trọng vợ của con, tận tình yêu thương nàng, tôn trọng và chăm sóc con cái, người già và láng giềng của con. Hãy sống trong an bình, khơi lên hòa bình và hòa bình sẽ ở lại trong nhà của con, trong Giáo hội và đất nước của con".

Ðức Thánh cha cũng nhắc lại rằng: "Sau lời chào bình an, tất cả phần còn lại của sứ điệp được ủy cho các môn đệ được thu gọn vào vài lời mà Chúa Giêsu đã lập lại hai lần: "Nước Thiên Chúa ở gần các con [...] (vv.9.11). Loan báo nước Chúa gần kề, đó là điều thiết yếu... Tin rằng Thiên Chúa ở gần và canh giữ chúng ta: Chúa là Cha mọi người, và Chúa muốn tất cả chúng ta là anh chị em với nhau. Nếu chúng ta sống dưới cái nhìn ấy, thì thế giới sẽ không còn là một bãi chiến trường nữa, nhưng là một vườn an bình; lịch sử sẽ không còn là một cuộc chạy đua để đến nơi trước, nhưng là một cuộc hành hương chung.

3. Ðiều ngạc nhiên thứ ba trong sứ mạng liên quan đến lối sống của chúng ta. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ đi vào trần thế "như chiên giữa chó sói" (v.3). Quan niệm thông thường của thế gian thì quả quyết ngược lại: hãy chiếm ưu thế, hãy trổi vượt! Trái lại, Chúa Kitô muốn chúng ta như những con chiên, chứ không phải chó sói! Ðiều này không có nghĩa là thơ ngây, nhưng hãy kinh tởm mọi bản năng chiếm ưu thế và đè bẹp, ham hố và chiếm hữu. Người sống như chiên thì không gây hấn, không tham lam: họ ở giữa đoàn chiên, cùng với những người khác, và tìm được an ninh nơi mục tử của mình, chứ không phải trong sức mạnh hoặc trong sự kiêu căng, trong tham lam tiền bạc và của cải mà chúng gây ra bao nhiêu điều ác cho cả Cộng hòa dân chủ Congo."

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Ngày hôm nay, ước gì Chúa giúp chúng ta trở thành những thừa sai, cùng đi với người anh em, chị em chúng ta; nói lên an bình và sự gần gũi Thiên Chúa, mang trong tâm hồn và dịu hiền và lòng từ nhân của Chúa Giêsu là Chiên gánh tội trần thế."

Cuối thánh lễ, một đại diện của Cộng đồng Congo ở Roma đã ngỏ lời cám ơn Ðức Thánh cha, trước khi ngài ban phép lành kết thúc thánh lễ vào lúc gần 11 giờ.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page