Sứ vụ truyền giáo của chúng ta

dựa trên chứng tá tình yêu huynh đệ

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Sứ vụ truyền giáo của chúng ta dựa trên chứng tá tình yêu huynh đệ.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 03-07-2022) - Sau khi chủ sự thánh lễ, tại Ðền thờ thánh Phêrô với cộng đoàn người Congo tại Roma và Ý, sáng Chúa nhật, ngày 03 tháng Bảy năm 2022, vào lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc, ở lầu ba trong dinh Tông tòa để chủ sự buổi kinh Truyền tin với khoảng 5,000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng gắt. Ngài tái lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina, và đặc biệt mời gọi thủ lãnh các nước đừng gia tăng xu hướng chiến tranh, phân chia thành hai khối theo tiêu chuẩn quyền lực chính trị và kinh tế.

Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải bài Tin mừng theo thánh Luca, đọc trong Chúa nhật thứ XIV mùa Thường niên, năm C, kể lại việc Chúa chọn thêm 72 môn đệ và sai họ đi từng hai người đến các thành thị và nơi Ngài sẽ đến...

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vấn nạn

Trong bài Tin mừng phụng vụ Chúa nhật này, chúng ta đọc thấy: Chúa chỉ định thêm 72 môn đệ và sai họ đi từng hai người một trước Ngài, đến mỗi thành thị và nơi Ngài sắp tới" (Lc 10,1). Các môn đệ được sai đi từng hai người một, không riêng rẽ. Ði truyền giáo, từng hai người, về phương diện thực hành, dường như có nhiều bất tiện hơn là lợi ích. Có nguy cơ hai người không đồng ý với nhau, có những bước khác nhau, một người mệt mỏi hoặc bị bệnh giữa đường, khiến người khác cũng phải dừng lại. Trái lại, khi đi một mình, dường như con đường trở nên mau lẹ hơn và không gặp chướng ngại. Nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như vậy, các môn đệ phải đi từng hai người. Chúng ta hãy tự hỏi: đâu là lý do sự chọn lựa của Chúa?

Ý nghĩa hành động của Chúa

Nhiệm vụ của các môn đệ là đi trước đến các làng mạc để chuẩn bị dân chúng đón nhận Chúa Giêsu; và những chỉ dẫn mà Chúa nói với họ không phải về những điều họ phải nói cho bằng họ phải như thế nào: về chứng tá họ cần trình bày hơn là về những điều họ cần nói. Thực vậy, Ngài gọi họ là những người thợ: nghĩa là những người được kêu gọi hành động, loan báo qua cử chỉ của họ. Và hoạt động cụ thể đầu tiên, qua đó các môn đệ thi hành sứ mạng của họ chính là ra đi từng hai người một. Họ không phải là những nhà thám hiểm, những người rao giảng mà không biết nhường lời cho một người khác. Và nhất là chính cuộc sống của các môn đệ loan báo Tin mừng: họ biết mình ở cùng nhau, tôn trọng nhau, không muốn tỏ ra mình có khả năng hơn người kia, cùng tham chiếu một Thầy duy nhất.

Tầm quan trọng của tình huynh đệ trong sứ vụ

Ta có thể đề ra những kế hoạch mục vụ hoàn hảo, thực hiện những dự án tốt, tổ chức trong những chi tiết kỹ lưỡng nhất; ta có thể triệu tập đám đông và có bao nhiêu phương tiện; nhưng nếu không có sự sẵn sàng sống tình huynh đệ, thì sứ vụ truyền giáo không tiến triển. Một lần, một nhà thừa sai nói rằng mình đi Phi châu cùng với một người anh em. Nhưng sau một thời gian thì tách rời khỏi người anh em ấy, dừng lại trong một làng, tại đó thừa sai ấy thành công trong một số hoạt động xây cất, mưu ích cho cộng đoàn. Tất cả đều tiến hành tốt. Nhưng một ngày kia, thừa sai ấy cảm thấy giật mình: nhận thấy rằng cuộc sống của mình là một chủ hãng, luôn ở giữa công xưởng và những sổ sách kế toán! Vì thế, thừa sai bỏ việc quản trị cho những người khác và tìm đến người anh em thừa sai. Thừa sai ấy hiểu rằng Chúa đã sai các môn đệ đi từng hai người: sứ vụ truyền giáo không dựa trên sự hăng say hoạt động riêng, nghĩa là không dựa trên việc làm, nhưng trên chứng tá tình yêu huynh đệ, kể cả qua những khó khăn mà sự sống chung bao gồm.

Áp dụng cụ thể

"Vậy chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào chúng ta mang Tin mừng đến cho những người khác? Chúng ta làm với tinh thần và lối sống huynh đệ, hoặc theo kiểu thế gian, coi mình là người nắm vai chính, với tinh thần cạnh tranh và duy hiệu năng? Chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có khả năng cộng tác, có biết cùng nhau quyết định, chân thành tôn trọng những người ở cạnh chúng ta và nhất là đời sống của người môn đệ cho thấy đời sống của Thầy, thực sự loan báo Người cho tha nhân.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội, dạy chúng ta dọn đường cho Chúa với chứng tá huynh đệ."

Chào thăm và kêu gọi

Sau kinh Truyền tin và ban phép lành, Ðức Thánh cha đã nhắc đến lễ phong chân phước, hôm thứ Bảy, mùng 02 tháng Bảy vừa qua, tại San Ramón de la Nueva Orán, bên Argentina, cho hai linh mục tử đạo hồi thế kỷ XVII tại nước này, là cha Pedro Ortiz de Zárate, thuộc giáo phận Jujury, và cha Juan Antonio Solinas, dòng Tên. Hai vị bị 500 thổ dân sát hại ngày 27 tháng Mười năm 1683 tại cứ điểm truyền giáo Zanta.

Ðức Thánh cha nói: "Hai vị thừa sai đã hiến thân cho việc loan báo Tin mừng và bảo vệ nhân quyền của các thổ dân bản xứ. Họ bị giết năm 1683 vì mang sứ điệp hòa bình của Tin mừng. Ước gì gương của các vị tử đạo này giúp chúng ta làm chứng cho Tin mừng không chút thỏa hiệp, quảng đại phục vụ những người yếu thế nhất!"

Ðức Thánh cha cũng tái mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina và ngài tố giác xu hướng gia tăng xung đột giữa hai bên, đồng thời tha thiết mời gọi các chính quyền hãy làm việc, trong tinh thần sáng suốt, để tiến tới một thỏa hiệp, một hành trình chung.

Ðức Thánh cha nói: "Tôi kêu gọi các vị thủ lãnh các nước và các tổ chức quốc tế, hãy phản ứng chống lại xu hướng gia tăng xung đột và đối nghịch. Thế giới đang cần hòa bình. Không phải một nền hòa bình dựa trên sự quân bình võ trang, trên sự sợ hãi lẫn nhau. Không phải vậy. Ðiều này có nghĩa là thụt lùi, trở lại lịch sự 70 năm trước đây. Cuộc khủng hoảng Ucraina phải là và có thể trở thành một thách đố cho các nhà lãnh đạo quốc gia khôn ngoan, có khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ trẻ, trong sự đối thoại. Với sự phù trợ của Chúa, điều này luôn có thể, nhưng cần tiến từ chiến lược quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự đến một dự phóng hòa bình hoàn cầu: không chấp nhận một thế giới phân chia giữa các cường quốc xung đột; ủng hộ một thế giới hiệp nhất giữa các dân tộc và các nền văn minh tôn trọng nhau".

Sau hết, Ðức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành và ngài xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page