Thánh Phêrô và Phaolô dạy chúng ta
tăng trưởng trong đức tin
Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Thánh Phêrô và Phaolô dạy chúng ta tăng trưởng trong đức tin.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 30-06-2022) - Sau khi cử hành thánh lễ mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, sáng thứ Tư, 29 tháng Sáu năm 2022, vào lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc ở lầu ba trong dinh Tông Tòa để chủ sự buổi kinh Truyền tin với hàng chục ngàn tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô.
Bài huấn dụ
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha nhắc đến kinh nghiệm đức tin hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô đã trải qua trước khi để cho Lời Chúa thấu nhập tận tâm can của mình.
Thánh Phêrô đã thưa với Chúa Giêsu: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). "Ðó là một sự tuyên xưng đức tin mà thánh Phêrô biểu lộ, không dựa theo sự hiểu biết phàm nhân của mình, nhưng vì Thiên Chúa Cha đã soi sáng cho thánh nhân (Xc v.17). Ðối với Simon người thuyền chài, gọi là Phêrô, đó là khởi đầu một hành trình: thực vậy, Phêrô sẽ phải trải qua nhiều thời gian trước khi ảnh hưởng của những lời ấy đi đến tận cùng trong cuộc sống thánh nhân, biến đổi hoàn toàn cuộc sống ấy. Có một thời kỳ "học tập" về đức tin, xảy ra nơi hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, giống như mỗi người chúng ta. Cả chúng ta cũng tin Chúa Giêsu là Ðức Mêssia, Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng cần thời gian, kiên nhẫn và rất nhiều khiêm tốn, để cách thức suy nghĩ và hành động của chúng ta hoàn toàn phù hợp với Tin mừng".
Ðức Thánh cha nhắc lại kinh nghiệm của thánh Phêrô đã cản trở Chúa Giêsu, khi Người tiên báo sẽ phải chịu đau khổ, bị kết án tử hình, để rồi bị Chúa khiển trách, và ngài nói:
"Chúng ta hãy suy nghĩ: phải chăng điều đó không xảy ra với chúng ta sao? Chúng ta lập đi lập lại kinh Tin kính, chúng ta đọc kinh này với lòng tin tưởng, nhưng đứng trước những thử thách cam go của cuộc sống, tất cả dường như bị lung lay. Chúng ta phản đối Chúa, nói rằng Ngài không công bằng, chắc chắn là phải có những con đường khác, thẳng hơn, bớt cơ cực hơn. Chúng ta sống sự giằng co của người tín hữu, tin và tín thác nơi Chúa Giêsu, nhưng đồng thời lại cảm thấy khó theo Chúa và toan tính tìm những con đường khác với những con đường của Thầy. Thánh Phêrô đã trải qua thảm trạng nội tâm như vậy, và đã cần thời gian và sự trưởng thành. Thoạt đầu thánh Phêrô kinh hãi khi nghĩ đến thập giá, nhưng vào cuối đời đã can đảm làm chứng về Chúa, đến độ xin đóng đanh ngược, theo như truyền thống.
Sang đến thánh Phaolô, Ðức Thánh cha nhận xét rằng thánh nhân cũng trải qua một sự trưởng thành đức tin từ từ, cảm nghiệm những lúc bấp bênh và nghi ngờ. Biến cố Chúa phục sinh hiện ra với Phaolô trên đường Damasco làm cho Phaolô, từ kẻ bách hại trở thành Kitô hữu, cần được coi như khởi đầu một hành trình trong đó thánh Tông đồ trải qua những lúc khủng hoảng, thất bại và liên tục chịu những hành hạ mà ngài gọi là "cái dằm" trong thân thể tôi (Xc 2 Cr 12,7). Hành trình đức tin không bao giờ là một cuộc đi dạo, nhưng đòi hỏi nhiều, nhiều khi cam go: cả thánh Phaolô, khi trở thành Kitô hữu, cũng đã phải học cố gắng như vậy, nhất là qua những lúc thử thách.
Và Ðức Thánh cha nhận định rằng: "Dưới ánh sáng của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: Khi tôi tuyên xưng niềm tin của tôi nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, tôi có làm điều này với ý thức phải luôn học hỏi, hoặc tôi tự phụ là mình đã hiểu mọi sự rồi? và trong những khó khăn và thử thách, tôi có nản chí, than vãn, hoặc tôi học cách biến chúng thành cơ hội để tăng trưởng trong niềm tín thác nơi Chúa? Thực vậy, như thánh Phaolô đã viết cho tông đồ Timôthê, "Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ và đưa chúng ta vào nơi an toàn trên thiên quốc (Xc 2 Tm 4,18). Xin Ðức Mẹ Maria, Nữ Vương các tông đồ dạy chúng con noi gương các thánh tông đồ, tiến bước mỗi ngày trên con đường đức tin".
Kêu gọi và chào thăm
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha tái lên tiếng kêu gọi hòa bình cho nhân dân Ucraina đau thương. Ngài nhắc đến vụ bắn tên lửa tầm xa vào siêu thị ở thành phố Kremenchuk, làm cho ít nhất 20 người chết và 50 người bị thương, 36 người mất tích tại vùng Dnipro. Ngài kêu gọi tái hòa đàm để tìm giải pháp cho chiến cuộc.
Ðức Thánh cha cũng nhắc đến nguyệt san do báo Người Quan Sát Roma, với tựa đề "Strada", đường phố, do những người nghèo, người vô gia cư biên soạn và dành cho những người nghèo. Báo phát miễn phí nhưng có ai hảo tâm đóng góp giúp người nghèo thì rất quí hóa.
Ðức Thánh cha chào thăm phái đoàn của Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople và các tân Tổng giám mục đến dự lễ làm phép và nhận dây Pallium cũng như các tín hữu tháp tùng các vị.