Ðức Thánh cha chủ sự

lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô

 

Ðức Thánh cha chủ sự lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 30-06-2022) - Lúc gần 9 giờ 30, sáng thứ Tư, 29 tháng Sáu năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ thánh lễ kính thánh Phêrô Phaolô tông đồ và làm phép dây Pallium để trao cho 44 vị Tổng giám mục chính tòa được bổ nhiệm trong những tháng qua, nhiều hơn năm trước đây 10 vị. Trong số này, có 32 vị hiện diện trong thánh lễ và 12 vị còn lại không đến dự được vì những lý do khác nhau. Ðứng đầu danh sách là Ðức cha Jozef Guzdek, Tổng giám mục giáo phận Bialystok bên Ba Lan.

Từ vài năm nay, Ðức Thánh cha làm phép dây Pallium tại Roma, nhưng lễ trao dây này được cử hành tại các giáo phận liên hệ, thường là do vị đại diện Ðức Thánh cha chủ sự, để có sự tham dự đông đảo của cộng đoàn Giáo hội địa phương của vị Tổng giám mục đứng đầu giáo tỉnh.

Dây Pallium làm bằng lông chiên màu trắng, có sáu hình thánh giá màu đen, vị Tổng giám mục chính tòa đeo ở cổ, tượng trưng vị mục tử vác chiên lên vai. Dây này cũng biểu tượng quyền bính của vị Tổng giám mục chính tòa và sự hiệp thông với Ðấng Kế vị thánh Phêrô.

44 dây Pallium được làm phép năm nay sẽ được trao cho các vị thuộc 31 quốc tịch, trong đó đông nhất là 4 vị người Ý.

Thánh lễ

Vì còn có vấn đề đau đầu gối, nên Ðức Thánh cha ngồi tại một ghế bên phải trước bàn thờ chính để chủ sự các lễ nghi, thay vì ngồi trước hoặc đứng sau bàn thờ như bình thường.

Hiện diện trong thánh lễ, có khoảng 7,000 tín hữu và đặc biệt có đoàn đại biểu của Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ, do Ðức Tổng giám mục Telmissos Job, đại diện Ðức Thượng phụ Bartolomaios làm trưởng đoàn. Ngài cũng là đồng chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công giáo và Chính thống. Cùng đi trong đoàn, có Ðức giám mục Alicarnassos Adrianos và thầy phó tế tại Tòa Thượng phụ Barnagas Grigoriadis.

Ðồng tế thánh lễ, có khoảng 75 hồng y và giám mục, 450 linh mục, tất cả trong phẩm phục màu đỏ.

Ðầu thánh lễ, có nghi thức làm phép dây Pallium: Hai đĩa đựng 44 dây này được 4 phó tế mang từ mộ thánh Phêrô đến trước Ðức Thánh cha. Rồi Ðức Hồng y Michael Harvey, người Mỹ, Giám quản Ðền thờ thánh Phaolô ngoại thành, trong tư cách là Hồng y trưởng đẳng Phó tế, giới thiệu lên Ðức Thánh cha 44 vị Tổng giám mục sẽ nhận dây Pallium được làm phép hôm nay, qua vị đại diện ngài ở địa phương.

Rồi các vị Tổng giám mục đọc lời tuyên thệ luôn luôn trung thành và vâng phục Ðức Thánh cha đương nhiệm cũng như các Ðấng kế vị. Tiếp đến, ngài đọc lời nguyện làm phép các dây Pallium.

Bài giảng

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha đã đi từ hai chi tiết trong các bài đọc để rút ra những bài học thực hành cho Giáo hội.

Trước tiên là lời thiên thần nói với thánh Phêrô đang bị vua Hêrôđê giam cầm trong nhà tù. Thiên thần đánh thức thánh nhân và nói: "Hãy trỗi dậy mau" (Cv 12,7). Tiếp đến là câu thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthê, tóm tắt trọn cuộc sống và hoạt động tông đồ của mình: "Cha đã chiến đấu một cuộc chiến tốt đẹp" (2 Tm 4,7).

"Hãy trỗi dậy mau!"

Trước tiên là lời sứ thần Chúa đánh thức thánh Phêrô, thúc giục thánh nhân trỗi dậy, đi ra ngoài, tiến về ánh sáng, để cho mình được Chúa hướng dẫn vượt qua mọi cánh cửa khép kín (Xc v.10).

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Ðó là một hình ảnh ý nghĩa đối với Giáo hội. Cả chúng ta, như những môn đệ của Chúa và như cộng đoàn Kitô, chúng ta cũng được mời gọi mau lẹ trỗi dậy để tiến vào trong năng động của sự sống lại và để cho mình được Chúa dẫn đi trên những con đường Chúa muốn chỉ cho chúng ta".

"Nhưng chúng ta vẫn còn cảm thấy những kháng cự nội tâm, không để chúng ta chuyển động. Nhiều lần, trong Giáo hội, chúng ta bị tính lười biếng đè nặng và thích ngồi đó chiêm ngắm vài điều chắc chắn mà chúng ta có được, thay vì trỗi dậy để hướng nhìn về những chân trời mới, hướng ra biển khơi. Chúng ta thường bị xiềng xích như thánh Phêrô trong tù ngục của tập quán, kinh hãi vì những thay đổi và bị gắn chặt vào xích xiềng những thói quen của chúng ta. Nhưng như thế, chúng ta rơi vào tình trạng tầm thường tinh thần, có nguy cơ chỉ tìm cách tránh né những vấn đề khó khăn, suy giảm lòng nhiệt thành, và thay vì là dấu chỉ sinh động và có tinh thần sáng tạo, thì rốt cuộc lại tạo nên cảm tưởng về sự nguội lạnh và ù lì. Cha De Lubac đã viết: "Tin mừng là sự chuyển động mạnh mẽ về sự mới mẻ và sinh động ở trong tay chúng ta, nhưng bị "rơi vào sự vụ hình thức và theo thói quen, [...], trở thành tôn giáo của những lễ nghi và sùng mộ, trang trí và an ủi bình dân [...]. Thứ đạo Kitô giáo sĩ, Kitô giáo vụ hình thức, Kitô giáo tắt lịm và cứng nhắc" (Il dramma dell'umanismo ateo. L'uomo davanti a Dio, Milano 2017, 103-104).

Áp dụng vào tình trạng ngày nay, Ðức Thánh cha nói rằng "tiến trình Thượng Hội đồng chúng ta đang cử hành kêu gọi chúng ta trở thành một Giáo hội đứng dậy, không co cụm vào mình, có khả năng hướng cái nhìn đi xa hơn, ra khỏi những nhà tù của mình để đi gặp gỡ thế giới. Một Giáo hội không có xiềng xích cũng chẳng có những bức tường, trong đó mỗi người cảm thấy mình được đón nhận và đồng hành, trong đó có vun trồng nghệ thuật lắng nghe, đối thoại, tham gia, dưới quyền bính duy nhất của Chúa Thánh Linh. Một Giáo hội tự do và khiêm tốn, mau lẹ trỗi dậy, không trì hoãn, không chậm trễ đối với những thách đố ngày nay, không nán lại trong các khuôn khổ thánh thiêng, nhưng để cho mình được sự say mê loan báo Tin mừng linh hoạt và do ước muốn đi tới và đón nhận mọi người".

"Cha đã chiến đấu"

Về câu nói của thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi môn đệ Timôthê: "Cha đã chiến đấu một cuộc chiến tốt đẹp" (2 Tm 4.7), Ðức Thánh cha nhận xét rằng thánh Tông đồ nói về vô số tình trạng, nhiều khi bị bách hại và đau khổ, trong đó thánh nhân vẫn không từ nan loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu. Giờ đây vào cuối đời, thánh Phaolô thấy rằng trong lịch sử vẫn còn một "trận chiến" lớn vì nhiều người không sẵn sàng đón nhận Chúa Giêsu, thích đi theo những tư lợi và các thầy dạy khác. Thánh Phaolô đã đương đầu với cuộc chiến của mình và nay kết thúc hành trình của mình và ngài xin ông Timôthê và các anh chị em trong cộng đoàn hãy tiếp tục công trình này trong thái độ tỉnh thức, loan báo, và dạy dỗ: tóm lại mỗi người chu toàn sứ mạng đã được ủy thác cho mình.

Cộng tác với Giáo hội

Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Ðó là một Lời sinh động đối với cả chúng ta, một lời khơi dậy ý thức về cách thức, trong tư cách là Giáo hội, mỗi người được kêu gọi làm môn đệ thừa sai, và đóng góp phần của mình. Và tại đây tôi nghĩ đến hai câu hỏi:

Thứ nhất, tôi có thể làm gì cho Giáo hội? Không than vãn về Giáo hội, nhưng dấn thân cho Giáo hội. Hăng say và khiêm tốn tham gia: hăng say vì chúng ta không thể là những khán giả thụ động; với lòng khiêm tốn vì dấn thân trong cộng đoàn không bao giờ có nghĩa là chiếm vị trí trung tâm trên sân khấu, cảm thấy mình tốt hơn và cấm cản người khác đến gần. Giáo hội đồng hành có nghĩa là tất cả đều tham gia, không ai chiếm chỗ người khác hoặc ở trên người khác".

"Nhưng tham gia cũng có nghĩa là thực hiện một cuộc chiến đấu tốt như thánh Phaolô đã nói. Thực vậy, đây là một cuộc "chiến đấu", vì loan báo Tin mừng không phải là trung lập, nhưng là không để sự việc đứng yên, không chấp nhận thỏa hiệp với những tiêu chuẩn của thế gian, trái lại thắp lên ngọn lửa Nước Thiên Chúa tại nơi có những cơ chế quyền lực, sự ác, bạo lực, tham nhũng, bất công, gạt ra ngoài lề. [...]

Câu hỏi thứ hai là: chúng ta có thể cùng nhau, trong tư cách là Giáo hội, làm thế nào cho thế giới chúng ta đang sống trở nên nhân bản hơn, công bằng, liên đới hơn, cởi mở hơn đối với Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa con người với nhau? Chắc chắn chúng ta không được khép kín trong những nhóm Giáo hội của chúng ta và đóng khung trong những cuộc tranh luận vô bổ của chúng ta, trái lại giúp nhau trở thành men trong bột thế giới. Cùng nhau chúng ta có thể và phải có những cử chỉ chăm sóc sự sống con người và bảo vệ thiên nhiên, phẩm giá lao công, săn sóc các vấn đề gia đình, cải tiến thân phận người già và những người bị bỏ rơi, bị từ khước và khinh rẻ. Tóm lại cần trở thành một Giáo hội thăng tiến nền văn hóa chăm sóc, cảm thông với những người yếu đuối và chiến đấu chống mọi hình thức suy thoái, cả sự suy thoái trong các thành thị và những nơi chúng ta lui tới, để niềm vui Phúc âm rạng người trong cuộc sống mỗi người: đó chính là trận chiến đấu tốt của chúng ta".

Trong phần chót của bài giảng, Ðức Thánh cha nhắc đến và khích lệ các vị Tổng giám mục chính tòa sẽ nhận dây Pallium, "các vị được kêu gọi mau lẹ trỗi dậy để làm những người canh giữ đoàn chiên và chiến đấu một trận chiến tốt, nhưng không bao giờ một mình, trái lại cùng với toàn thể dân trung thành của Thiên Chúa."

Ðức Thánh cha cũng chào thăm "phái đoàn Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople, do người anh em yêu quí là Ðức Thượng phụ Bartolomaios gửi đến".

Trong phần các lời nguyện phổ quát, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Ðức Giáo hoàng, các thừa tác viên và toàn thể dân Thiên Chúa, cầu cho các tân Tổng giám mục chính tòa, "hiệp nhất với Ðấng Kế vị thánh Phêrô, xin Chúa xiết chặt các vị trong mối dây bác ái và mối quan tâm đến đoàn chiên, trở thành những người hăng say loan báo Lời cứu độ". Cầu cho những người đang hoạt động và du hành trên biển cả, cho những người đang là con tin của oán thù và sự dửng dưng của những người khác, và sau cùng cầu cho các thừa sai Tin mừng.

Cuối thánh lễ, lúc 11 giờ, sau khi ban phép lành kết thúc, Ðức Thánh cha chào thăm Ðức Tổng giám mục trưởng phái đoàn Tòa Thượng phụ Chính thống, rồi ngài lần lượt trao cho 32 vị Tổng giám mục chính tòa hộp đựng dây Pallium để mang về giáo phận của các vị.

Sau đó, Ðức Thánh cha cùng với phái đoàn Chính thống đến cầu nguyện, trong thinh lặng, trước mộ thánh Phêrô tông đồ.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page