Nạn bạo lực kéo dài tại Nam Sudan
Nạn bạo lực kéo dài tại Nam Sudan.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Juba (RVA News 30-06-2022) - Tổng thư ký Hội đồng các Giáo hội Kitô Nam Sudan, linh mục Công giáo James Oyet Latansio, lên án nạn bạo lực tiếp tục kéo dài tại nước này.
Lẽ ra, Ðức Thánh cha Phanxicô sẽ viếng thăm Nam Sudan từ ngày 05 đến ngày 07 tháng Bảy năm 2022, nhưng cuộc viếng thăm bị hoãn lại vì ngài đau đầu gối và Ðức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ đến Juba, thủ đô Nam Sudan trong những ngày từ 1 đến 8 tháng Bảy năm 2022.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Ðức, KNA truyền đi hôm 28 tháng Sáu năm 2022, cha Latansio nói rằng: "Về mặt chính thức, chiến tranh ở Nam Sudan đã chấm dứt, nhưng chúng tôi vẫn đang sống trong tình trạng 'chiến tranh ủy nhiệm', đặc biệt dưới hình thức bạo lực giữa các cộng đoàn thù nghịch nhau và tình trạng bất an". Tại Nam Sudan tiếp tục có những người chết vì võ khí. Theo nghĩa này, Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới, sau nội chiến từ năm 2013 đến 2020, tiếp tục bị "ngập lụt" theo nghĩa đen của danh từ".
Hôm 28 tháng Sáu năm 2022, đài BBC đưa tin về những vụ đụng độ giữa quân chính quy và các nhóm trẻ võ trang tại bang Warrap, làm cho ít nhất 25 người chết, nhưng các báo chí địa phương cho biết số người chết lên tới 65 người.
Cha Latansio cũng nói về vụ tấn công hôm thứ Sáu 24 tháng Sáu năm 2022: một nhóm người chăn súc vật đã tấn công một nhóm thù địch và giết hại chín người vô tội đang ngủ. Cha tố giác chính quyền chỉ đứng đó mà nhìn, vì các lực lượng an ninh địa phương không có khả năng bảo vệ luật pháp. Các nhóm võ trang ăn cướp súc vật là điều thường xảy ra tại Nam Sudan.
Chiến tranh giữa phe của Tổng thống Nam Sudan, ông Salva Kiir Mayardit và phe của cựu Tổng thống Riek Machar, người cạnh tranh với tổng thống, đã làm cho khoảng 400,000 người Nam Sudan bị thiệt mạng. Chính phủ thống nhất quốc gia được thành lập năm 2020 chỉ có thể cải tiến phần nào an ninh tại nước này.
Theo cha Latansio, cũng có một vấn đề khác tại Nam Sudan là cần tăng cường các quyền căn bản của phụ nữ tại nước này. Nhưng thay vì giảm bớt, bạo lực về phái tính tiếp tục gia tăng vì những cuộc xung đột bộ tộc tại đây.
(KNA, Kath 28-6-2022)