Ðức Hồng y Zenari tái kêu gọi cho Syria
Ðức Hồng y Zenari tái kêu gọi cho Syria.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Damasco (RVA News 21-06-2022) - Ðức Hồng y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria, tái lên tiếng kêu gọi thế giới đừng quên thảm trạng nhân đạo nhân dân Syria đang phải chịu từ hơn mười hai năm nay.
Ðức Hồng y Zenari là vị hồng y duy nhất làm Sứ thần Tòa Thánh từ mười ba năm nay ở thủ đô Damasco. Ngài về Roma trong những ngày này để gặp Ðức Thánh cha và tham dự khóa họp toàn thể của tổ chức Roaco, là cơ quan phối hợp việc trợ giúp các Giáo hội Công giáo Ðông phương cùng với các cơ quan bác ái Công giáo.
Tuyên bố với Ðài Vatican, Ðức Hồng y Zenari nói: "Sau mười hai năm chiến tranh, tình trạng của Syria không khá hơn, xét về một số khía cạnh lại càng tệ hơn. Từ hai, ba năm nay, Syria bị thế giới quên lãng vì đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng tại Liban, và nay do tình hình tại Ucraina... Syria đã biến mất khỏi các mạng radar của các cơ quan truyền thông".
Thứ Bảy, ngày 18 tháng Sáu năm 2022, Ðức Hồng y Zenari đã gặp Ðức Thánh cha. Ngài nói: "Tôi đã chuyển đến ngài lời chào thăm của các tín hữu và các giám mục, và cả tình trạng đau khổ, bao nhiêu đau khổ của dân chúng".
Syria tiếp tục là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới. Chỉ cần nghĩ đến vô số người chết vì chiến tranh tại đây, khoảng mười bốn triệu trên tổng số hai mươi ba triệu dân phải rời bỏ gia cư, làng mạc, thành thị của họ. Khoảng bảy triệu là những người di tản nội địa, nhiều khi họ sống dưới các tàn cây hoặc giữa cảnh mưa gió, thời tiết xấu, giá lạnh. Năm nay mùa đông tại Syria thật cam go, nhất là ở miền tây bắc, bao nhiêu lều đã bị sụp dưới sức nặng của tuyết. Hàng triệu người đã di tản sang các nước láng giềng. Thật là một thảm trạng nhân đạo kinh khủng...
Ðức Hồng y Zenari nói thêm rằng: "Hiện thời, người ta không thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Không thấy có sự tái thiết, không thấy kinh tế được khởi động lại. Với chiến tranh tại Ucraina, vấn đề bãi bỏ chế độ cấm vận càng khó khăn. Nhất là những trừng phạt của Liên hiệp Âu châu và của Mỹ càng cam go, vì trừng phạt những người muốn tới Syria để tái thiết, để khởi động lại nền kinh tế. Về phương diện đó, chiến tranh tại Ucraina càng làm cho tình trạng tại Syria trở nên đồi tệ hơn. Bao nhiêu người dân đã đánh mất hy vọng, nhất là người trẻ. Họ tìm đường xuất cư và xin chúng tôi giúp để ra đi. Ðây là điều đặc biệt đau khổ đối với các Giáo hội địa phương, xét vì hơn một nửa số Kitô hữu, có khi tới hai phần ba đã ra đi. Ðó cũng là một thiệt thòi cho chính xã hội Syria, vì như tôi vẫn luôn nói, các Kitô hữu với tinh thần cởi mở, đại đồng, tháo vát, và với những dấn thân giáo dục, y tế của họ, họ thực là một trợ lực cho đất nước. Sau 2.000 năm lịch sử, nay các Kitô hữu đang dần dần biến mất khỏi Syria. Sự ra đi của họ, do bó buộc như thế, cũng là một vết thương cho tất cả mọi người".
(Vatican News 20-6-2022)