Cộng đoàn Kitô phải thăm viếng,

chăm sóc và cầu nguyện cho người già

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Cộng đoàn Kitô phải thăm viếng, chăm sóc và cầu nguyện cho người già.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 16-06-2022) - Sáng thứ Tư, ngày 15 tháng Sáu năm 2022 đã có hơn 10,000 tín hữu hành hương từ nhiều nơi đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Ðức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Tuy không đứng và đi lại như trước, nhưng Ðức Thánh cha đã ngồi trên xe mui trần, tiến qua các lối đi ở Quảng trường để chào thăm các tín hữu, trước khi lên bục cao ở thềm Ðền thờ để bắt đầu buổi tiếp kiến.

Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá và lời chào phụng vụ, mọi người nghe đọc đoạn Tin mừng theo thánh Marco, đoạn thứ I (1,29-31):

"Sau khi rời khỏi Hội đường, họ về nhà ông Simon và Anrê, cùng với Giacôbê và Gioan. Bà nhạc của ông Simon bị liệt giường vì bị sốt và họ nói ngay với Ngài về bà. Ngài đến gần và cầm tay nâng bà dậy; cơn sốt rời khỏi bà và bà phục vụ họ".

Bài giáo lý

Trong bài giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Bài thứ 14 này có tựa đề: "Sự hân hoan phục vụ trong niềm tin là điều được học hỏi trong tâm tình biết ơn" (Xc Mc 1,29-31).

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

"Chúng ta vừa nghe trình thuật đơn sơ và cảm động về việc Chúa chữa lành bà nhạc của ông Simon - lúc đó chưa được gọi là Phêrô - như Tin mừng theo thánh Marco kể lại. Giai thoại ngắn này được kể, với vài chi tiết gợi ý khác với hai Tin mừng Nhất lãm. Thánh Marco viết: "Bà nhạc của ông Simon bị liệt giường vì sốt". Chúng ta không biết đó có phải là một cơn bệnh nhẹ hay không, nhưng trong tuổi già, nguyên sự kiện bị sốt nhẹ cũng là nguy hiểm. Người già không còn điều khiển thân thể của mình nữa. Cần học chọn lựa điều gì cần làm và điều gì không. Sức mạnh thể lý suy giảm và rời bỏ chúng ta, dù rằng con tim chúng ta vẫn không thôi mong ước. Vì thế, cần học thanh tẩy ước muốn: cần có kiên nhẫn, chọn lựa điều gì nhu cầu của thân thể, nhu cầu của cuộc sống.

Bệnh tật và người già

Bệnh tật đè nặng trên người già, theo một cách thức khác và mới mẻ so với khi ta còn trẻ hoặc là người trưởng thành. Nó giống như một điều bất hạnh xảy đến trong một thời kỳ vốn đã khó khăn. Bệnh già dường như làm cho cái chết đến mau hơn và dầu sao nó cũng làm giảm thọ, thời gian mà chúng ta đã coi là ngắn ngủi rồi. Ta nghi ngờ mình sẽ không bình phục được, và ngờ rằng "đây là lần chót tôi bị bệnh...." Ta không mơ ước được hy vọng một tương lai dường như từ nay không còn nữa. Một văn sĩ nổi tiếng người Ý, ông Italo Calvino, nhận xét về sự cay đắng mà người già phải chịu. Họ đau khổ vì dần dần mất đi những điều trước đây, nhiều hơn là vui mừng vì những gì mới xảy đến cho họ. Nhưng cảnh tượng được Tin mừng thuật lại như chúng ta vừa nghe, giúp ta hy vọng và mang lại cho chúng ta bài học đầu tiên: đó là Chúa Giêsu không một mình viếng thăm người phụ nữ già bị bệnh, Ngài đi cùng với các môn đệ.

Cộng đoàn viếng thăm người già

Chính cộng đoàn Kitô phải chăm sóc những người già: thân nhân và bạn hữu. Việc viếng thăm người già cần phải được nhiều người thực hiện, cùng nhau và thường xuyên. Không bao giờ chúng ta được quên ba dòng này của Tin mừng. Nhất là ngày hôm nay, số người già gia tăng nhiều. Chúng ta phải cảm thấy trách nhiệm viếng thăm những người già, thường bị cô độc và thưa với Chúa về họ khi chúng ta cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu mến họ. "Một xã hội thực sự có tinh thần đón tiếp sự sống nếu xã hội ấy nhìn nhận rằng sự sống là quí giá cả trong tuổi già, khuyết tật, bệnh nặng và khi sự sống dần dần tàn lụi" (Sứ điệp gửi Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, 19-2-2014).

Bài học của Chúa

Khi thấy bà già bị bệnh, Chúa cầm tay bà và chữa lành, để bà đứng dậy. Qua cử chỉ yêu thương dịu dàng ấy, Chúa Giêsu đưa ra bài học đầu tiên cho các môn đệ: Ơn cứu độ được loan báo, hay đúng hơn là được thông truyền qua sự quan tâm đến bệnh nhân già ấy; và đức tin của phụ nữ ấy rạng ngời trong tâm tình biết ơn đối với sự dịu dàng của Thiên Chúa, cúi mình trên bà.

Bài học từ cụ già

Bài học đầu tiên là do Chúa Giêsu đưa ra, còn bài học thứ hai do chính bà cụ già trình bày cho chúng ta: bà "trỗi dậy và bắt đầu phục vụ họ". Cả người già cũng có thể, hay đúng hơn, phải phục vụ cộng đoàn. Một điều tốt đó là những người già còn trách nhiệm phục vụ, vượt thắng cám dỗ rút lui. Chúa không gạt bỏ họ, trái lại, Ngài ban cho họ sức mạnh để phục vụ. Tôi thích nhận xét rằng không có sự nhấn mạnh đặc biệt nào trong trình thuật của các thánh sử Tin mừng: sự bình thường trong việc theo Chúa, mà các môn đệ sẽ học, với tất cả tầm mức của nó, dọc theo hành trình huấn luyện mà học cảm nghiệm nơi trường học của Chúa Giêsu. Những người già bảo tồn sự sẵn sàng để được khỏi bệnh, sự an ủi và chuyển cầu cho anh chị em họ - dù họ là các môn đệ, là quan bách quân, hay những người bị ma quỉ quấy phá, những người bị gạt bỏ... Có lẽ họ là bằng chứng cao nhất và sự biết ơn thanh khiết đi kèm đức tin. Trái lại, nếu người già, thay vì bị gạt bỏ và đẩy ra khỏi cảnh tượng các biến cố đánh dấu cuộc sống của cộng đoàn, lại được đặt ở trung tâm sự chú ý của cộng đoàn, thì họ sẽ được khích lệ để thực hành tác vụ quí giá là sự biết ơn đối với Thiên Chúa, Ðấng không quên một ai.

Lòng biết ơn của những người già vì những hồng ân đã nhận được từ Thiên Chúa trong đời họ, như bà nhạc của thánh Phêrô dạy chúng ta, thì họ trả lại cộng đoàn niềm vui của sự sống chung, và mang lại cho niềm tin của các môn đệ một nét thiết yếu trong mục tiêu của đức tin.

Bình đẳng nam nữ

Nhưng chúng ta phải học kỹ lưỡng điều này: tinh thần chuyển cầu và phục vụ mà Chúa Giêsu dạy tất cả các môn đệ của Ngài, không phải chỉ là việc của các phụ nữ: không hề có bóng dáng nào về sự giới hạn ấy, trong lời nói và việc làm của Chúa Giêsu. Việc phục vụ về lòng biết ơn, theo tinh thần Tin mừng, vì sự dịu dàng của Thiên Chúa không hề được viết trong qui luật của người đàn ông làm chủ và phụ nữ như đầy tớ. Nhưng điều ấy không loại bỏ sự kiện này, là các phụ nữ, về lòng biết ơn và sự dịu dàng của đức tin, có thể dạy nam giới những điều mà những người nam khó hiểu. Bà nhạc của Phêrô, trước khi các môn đệ đến đó, dọc theo con đường theo Chúa Giêsu, cũng chỉ đường cho họ. Và sự tế nhị đặc biệt của Chúa Giêsu "cầm tay và tế nhị cúi mình trên bà, cho thấy rõ ngay từ đầu sự nhạy cảm đặc biệt của Ngài đối với những người yếu và người bệnh, mà Con Thiên Chúa chắc chắn đã học được từ Mẹ của Ngài.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Ðức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Ðức Thánh cha.

Khi chào bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh cha khuyên các tín hữu hãy cầu xin Chúa khơi dậy nơi mỗi người sự nhạy cảm đối với những người yếu thế nhất, đặc biệt là những người già sống trong cô đơn hoặc đau khổ. Ước gì sự gần gũi và nâng đỡ của chúng ta là nguồn an ủi và nâng đỡ cho họ.

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng: "Ngay mai là lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Ngày này nhắc nhớ chúng ta về sự hiện diện thực của Chúa trong Thánh Thể, dưới hình bánh và rượu. Ước gì các buổi hòa nhạc truyền giáo cử hành trong ngày lễ này tại đất nước anh chị em, có thể khơi dậy đức tin nơi tất cả mọi người để khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, họ có thể cảm nghiệm tình thương của Chúa ngày càng sâu đậm hơn.

Khi chào thăm các tín hữu bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc đến và kêu gọi các tín hữu đừng quên thảm cảnh chiến tranh tại Ucraina. Ngài nói: "Xin anh chị em vui lòng đừng quên nhân dân Ucraina đang chịu tang thương vì chiến tranh. Chúng ta đừng quên sống như thể chiến tranh là điều xa xôi. Cần luôn nhớ đến, quí mến, cầu nguyện và giúp đỡ dân tộc Ucraina đang chịu rất nhiều đau khổ và đang đứng trước một cuộc tử đạo thực sự".

Ðây là lần thứ 56 Ðức Thánh cha lên tiếng về chiến tranh Ucraina.

Ngài cũng đặc biệt nhắc đến các tân linh mục của giáo phận Brescia ở bắc Ý, và các quân nhân thuộc đoàn hậu cần trung ương của nước này.

Và sau cùng, như thường lệ, Ðức Thánh cha nghĩ đến những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài cũng nhắc đến lễ Mình Máu Thánh Chúa, tại Ý được dời tới Chúa nhật này. Ðức Thánh cha nói: Ước gì Thánh Thể, là mầu nhiệm tình thương, trở thành nguồn ơn thánh và ánh sáng soi chiếu những nẻo đường đời của anh chị em, nâng đỡ giữa những khó khăn, và gia tăng niềm an ủi cho anh chị em trong đau khổ mỗi ngày.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page