Ðại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tại Vatican

 

Ðại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tại Vatican.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 05-06-2022) - Lúc gần 10 giờ sáng, Chúa nhật mùng 05 tháng Sáu năm 2022, Ðức Hồng y Giovanni Battista Re, 88 tuổi, Niên trưởng Hồng y đoàn, đã thay Ðức Thánh cha Phanxicô chủ sự thánh lễ trọng thể, tại Ðền thờ thánh Phêrô, nhân lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ðức Thánh cha đau đầu gối, nên ngài không đích thân chủ sự được. Ngài ngồi tại một ghế phía trước bàn thờ để tham dự thánh lễ, rồi đảm nhận phần giảng thuyết.

Ðồng tế với Ðức Hồng y Re, có 36 hồng y và giám mục tại Tòa Thánh cùng với 150 linh mục, tất cả trong phẩm phục màu đỏ, trước sự tham dự của gần 8.000 tín hữu.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng sau các bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa, Ðức Thánh cha đặc biệt diễn giải câu cuối cùng trong bài Tin mừng của ngày lễ: "Thánh Linh mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy các con mọi sự và nhắc nhớ cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con" (Ga 14,26).

Ðức Thánh cha nhấn mạnh rằng: "Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhìn mọi sự một cách mới mẻ, theo cái nhìn của Chúa Giêsu... Trong đại hành trình trên đời, Chúa Thánh Linh dạy chúng biết khởi hành từ đâu, đâu là những con đường cần theo và tiến bước như thế nào".

Ðức Thánh cha giải thích rằng: Chúa Thánh Linh chỉ cho chúng ta điểm khởi hành trong đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu cũng nói điều đó trong câu thứ nhất: "Nếu các con yêu mến Thầy thì hãy tuân giữ các giới răn của Thầy" (v.15). Chúa Thánh Linh nhắc nhở chúng ta rằng nếu không có tình yêu ở căn cội, thì mọi phần còn lại chỉ là uổng công. Và tình yêu này không nảy sinh từ khả năng của chúng ta, nhưng là một hồng ân của Chúa. Chính Thánh Thần tình yêu đặt trong chúng ta tình yêu. Chính Ngài làm cho chúng ta cảm thấy được yêu mến và dạy chúng ta yêu mến. Chính Chúa là "động cơ" đời sống thiêng liêng của chúng ta".

Chính Thánh Linh nhắc nhớ cho chúng ta mọi lời của Chúa Giêsu (xc v.26). Chúa Thánh Linh là ký ức tích cực thắp lên và tái thắp lên trong tâm hồn lòng kính mến Thiên Chúa. Chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Người trong sự tha thứ tội lỗi, khi chúng ta được tràn đầy bình an của Chúa, tự do và an ủi của Người. Ðiều thiết yếu là ký thức thiêng liêng này.

Thứ hai: Ðức Thánh cha nhận xét rằng: Ngoài việc nhắc nhớ điểm khởi hành, Chúa Thánh Linh cũng dạy chúng ta về những con đường cần đi theo. Bài đọc thứ hai trong lễ hôm nay, thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma (Rm 8,14), qua đó thánh nhân giải thích rằng "những người được Thánh Thần Chúa hướng dẫn không sống theo xác thịt nhưng theo thần trí" (v.14). Nói khác đi, đứng trước những ngã tư của đường đời, Chúa Thánh Linh soi sáng cho chúng ta con đường tốt nhất cần theo. Vì thế, điều quan trọng là biết phân định tiếng nói của Thánh Linh và tiếng nói của ác thần".

Ví dụ cụ thể: "Chúa Thánh Linh không bao giờ nói với bạn rằng trong hành trình của bạn mọi sự đều xuôi xắn. Không phải vậy, Chúa sửa sai, làm cho bạn khóc lóc vì tội lỗi, thúc giục bạn thay đổi, chiến đấu chống lại sự gian dối và lối sống hai mặt, cho dù điều này đòi nhiều vất vả, chiến đấu trong nội tâm và hy sinh. Trái lại, ác thần thúc đẩy bạn luôn làm điều bạn thích và làm cho bạn tin rằng bạn có quyền sử dụng tự do như mình muốn. Nhưng rồi khi bạn trống rỗng trong nội tâm, hắn cáo buộc và xô bạn xuống đất. Chúa Thánh Linh, trong hành trình, sửa sai bạn, nhưng không bao giờ để bạn nằm lì dưới đất, Người cầm tay bạn, an ủi và luôn khích lệ bạn".

Hoặc khi bạn cảm thấy sự cay đắng, bi quan và những tư tưởng u buồn dao động trong bạn, thì nên biết rằng điều đó không bao giờ từ Chúa Thánh Linh. Chúng đến từ sự ác, nó thích thú trong những điều tiêu cực và thường dùng chiến lược này: nó nuôi dưỡng đau khổ, làm cho bạn xác tín mình luôn là nạn nhân, xúi giục bạn phản ứng đối với các vấn đề bằng cách phê bình, đổ lỗi cho những người khác, làm cho bạn căng thẳng, nghi ngờ, và than vãn. Trái lại, Chúa Thánh Linh mời gọi chúng ta đừng bao giờ mất tin tưởng, và hãy luôn bắt đầu lại.

Ngoài ra, Chúa Thánh Linh rất cụ thể, không mơ hồ, viển vông: Ngài muốn chúng ta tập trung vào "ở đây và bây giờ", vì nơi chúng ta đang ở và thời gian chúng ta đang sống là nơi những nơi ân thánh. Trái lại, thần dữ muốn kéo chúng ta khỏi "ở đây và lúc này" để đưa chúng ta nghĩ đến những nơi khác: nhiều khi hắn để chúng ta thả neo trong quá khứ: tiếc nuối, hoài tưởng, những gì mà cuộc sống không mang lại cho chúng ta. Hoặc nó hướng chúng ta về tương lai, nuôi dưỡng lo sợ, ảo tưởng và những hy vọng giả dối. Thánh Linh thì không vậy, Ngài dẫn chúng ta đến yêu thương ở đây và bây giờ: không phải trong một thế giới không tưởng, nhưng trong thế giới hiện nay, dưới ánh sáng mặt trời, minh bạch và đơn sơ.

Thứ ba: Chúa Thánh Linh cũng muốn chúng ta cùng nhau, đồng hành. Ngài thiết lập chúng ta như Giáo hội và dạy Giáo hội tiến bước thế nào. Các môn đệ đã đóng khung trong nhà Tiệc Ly, nhưng rồi Chúa Thánh Linh xuống và làm cho họ đi ra ngoài. Nếu không có Thánh Linh thì họ chỉ ở cùng nhau, nhưng với Thánh Linh, họ mở ra cho tất cả mọi người. Trong mọi thời đại, Chúa Thánh Linh đảo lộn những khuôn khổ của chúng ta và mở ra cho chúng ta những điều mới mở, Chúa luôn dạy Giáo hội nhu cần cần thiết là đi ra ngoài, cần loan báo, chứ không khép kín nơi mình.

Tinh thần thế tục thúc giục chúng ta tập trung vào mình, chỉ chú ý đến những vấn đề và lợi lộc của chúng ta, về nhu cầu phải tỏ ra quan trọng, quyết liệt bảo vệ việc thuộc về quốc gia hay phe nhóm của mình. Trái lại, Thánh Linh mời gọi chúng ta quên mình và cởi mở với mọi người. Nhờ đó Giáo hội được trẻ trung. Chúa Thánh Linh giải thoát chúng ta khỏi sự ám ảnh của những cấp thiết và mời gọi chúng ta tiến bước trên những con đường cũ và luôn mới mẻ, những con đường làm chứng tá, thanh bần, truyền giáo, để giải thoát chúng ta khỏi chính mình và sai chúng ta vào thế giới.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học nơi trường của Thánh Linh, để Người dạy chúng ta mọi sự. Chúng ta hãy kêu cầu Chúa mỗi ngày, xin Người nhắc nhớ chúng ta luôn khởi hành từ cái nhìn của Thiên Chúa trên chúng ta, cử động trong những chọn lựa của chúng ta bằng cách lắng nghe tiếng Chúa, cùng nhau tiến bước như Giáo hội ngoan ngoãn đối với Thánh Linh và cởi mở với thế giới".

Lời nguyện phổ quát

Trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo hội được Thánh Thần khôn ngoan soi sáng để loan báo Tin mừng cứu độ và chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa Phục sinh, cầu cho Ðức Giáo hoàng, các giám mục, các linh mục, phó tế và tất cả các thừa tác viên của Tin mừng, để họ được Thánh Thần tình yêu hướng dẫn trong việc dìu dắt đoàn chiên Chúa; cầu cho mọi dân nước và các chính quyền, để họ được Thánh Thần ban sự sống nâng đỡ, mở rộng tâm hồn cho công lý và hòa bình, chiến thắng những xung đột và bất hòa nhờ sức mạnh chữa lành của ơn tha thứ. Cộng đoàn cũng cầu nguyện do những người nghèo, người tị nạn, các bệnh nhân và mọi người sầu muộn.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ 30 và đúng 12 giờ, Ðức Thánh cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của các vị Giáo hoàng ở lầu ba Dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, với gần 30,000 tín hữu tụ tập ở Quảng trường thánh Phêrô.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page