Người cao niên dạy chúng ta

biết phó thác và cầu khẩn ơn phù trợ của Chúa

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Người cao niên dạy chúng ta biết phó thác và cầu khẩn ơn phù trợ của Chúa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 01-06-2022) - Sáng thứ Tư, ngày 01 tháng Sáu năm 2022, đã có hơn 10,000 tín hữu hành hương từ nhiều nơi đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Ðức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô dưới trời nắng.

Như những lần trước đây, trước khi bắt đầu lúc 9 giờ, Ðức Thánh cha đi xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Tại lễ đài, ngài làm dấu thánh giá để bắt đầu buổi tiếp kiến. Rồi mọi người lắng nghe Lời Chúa, được tám giáo dân và nữ tu công bố bằng tám thứ tiếng, là vài câu trích từ thánh vịnh thứ 71, với lời nguyện của một người già kêu cầu Chúa trong lúc quẫn bách.

Bài giáo lý

Trong bài giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Kinh nguyện thật đẹp của người già chúng ta thấy trong thánh vịnh thứ 71 khuyến khích chúng ta suy niệm về căng thẳng lớn trong thân phận tuổi già, khi ký ức về những cơ cực đã được khắc phục và những phúc lành đã nhận được bị thử thách về niềm tin và hy vọng. Thử thách đã hiện diện tự nó với sự suy nhược, khi tuổi già lên cao với sự mong manh yếu ớt và dễ bị tổn thương. Và tác giả thánh vịnh, - một cụ già ngỏ lời với Chúa - đề cập rõ ràng đến điều này, đó là tiến trình già nua trở thành một dịp bị bỏ rơi, bị lường gạt, thiếu thốn và bất lực, nhiều khi đổ ập trên người già. Một hình thức đồi tệ, trong đó chúng đã trở thành chuyên nghiệp trong xã hội chúng ta hiện nay (..). Thực vậy, không thiếu những kẻ lợi dụng tình trạng của người già để lường gạt, hăm dọa họ bằng ngàn cách. Thường thường, chúng ta đọc trên báo chí hoặc nghe tin tức thấy những người già bị lường gạt một cách vô lương tâm, để chiếm đoạt tiền bạc họ dành dụm; hoặc những người già bị bỏ mặc không được bảo vệ hay bị bỏ rơi không được săn sóc; hoặc họ bị xúc phạm dưới nhiều hình thức coi rẻ hoặc hăm dọa để họ từ bỏ các quyền của họ.

Cả trong các gia đình cũng xảy ra những sự tàn ác như thế. Toàn thể xã hội phải mau lẹ chăm sóc những người già của mình, ngày càng đông đảo, không còn tự lập, không được an ninh và thậm chí cả nơi ở của họ. Chúng ta hiểu rằng thái độ mơ hồ của xã hội ngày nay đối với tuổi giả không phải là một vấn đề thỉnh thoảng mới xảy ra, nhưng là một nét của nền văn hóa gạt bỏ, làm ô nhiễm thế giới chúng ta đang sống. Người già trong thánh vịnh chúng ta đã nghe, tín thác nơi Chúa trong lúc buồn sầu: "Những kẻ thù nói xấu chống lại con, những kẻ rình mò cùng nhau âm mưu và họ nói: "Chúa đã bỏ rơi hắn, chúng ta hãy truy nã nó, bắt nó: không ai giải thoát cho nó!" (vv. 10-11). Những hậu quả thật là tai hại. Tuổi già không những đánh mất phẩm giá của mình, nhưng thậm chí còn nghi ngờ không biết mình có đáng tiếp tục hay không. Vì thế, tất cả chúng ta đều bị cám dỗ muốn giấu tình trạng dễ bị tổn thương của mình, giấu bệnh tật, tuổi tác, tuổi già của chúng ta, vì chúng ta sợ rằng chúng có thể làm cho chúng ta mất phẩm giá".

Chúng ta hãy tự hỏi: phải chăng là điều hợp với con người khi có những tâm tình như thế? Làm sao nền văn minh tân thời, tiến bộ và hiệu năng, lại tỏ ra khó chịu đối với bệnh tật và tuổi già? Làm sao các giới chính trị, vốn rất dấn thân trong việc xác định những giới hạn của một sự sống còn xứng đáng, nhưng đồng thời lại thiếu nhạy cảy đối với phẩm giá của một sự sống chung dễ thương với những người già, người bệnh?

Người già trong thánh vịnh thấy tuổi già của mình như một chiến bại, nhưng tái khám phá niềm tín thác nơi Chúa. Ông cảm thấy cần được giúp đỡ. Ông ngỏ lời với Thiên Chúa. Thánh Augustino, khi bình luận về thánh vịnh này, khuyên người già: "Ðừng sợ bị bỏ rơi trong tuổi già của bạn [....] Tại sao bạn sợ Chúa bỏ rơi bạn, xua đuổi bạn trong tuổi già, khi sức lực của bạn suy yếu? Ðúng hơn, chính lúc ấy sức mạnh của Chúa sẽ ở nơi bạn, khi sức lực của bạn suy tàn" (PL 36, 881-882). Và tác giả thánh vịnh già kêu cầu: 'Xin giải thoát và bảo vệ con, xin lắng nghe và cứu vớt hơn. Xin Chúa là đá tảng của con, một nơi ở ngày càng có thể lui tới được; Chúa đã quyết định ban ơn cứu độ cho con: quả thực Chúa là thành lũy của con!" (vv.2-3).

Sự kêu cầu chứng tỏ lòng trung tín của Thiên Chúa và khẩn cầu khả năng của Chúa đánh động những lương tâm lệch lạc vì sự thiếu nhạy cảm qua dụ ngôn về cuộc sống con người, cần được bảo tồn trọn vẹn. Tác giả cầu nguyện thế này: "Lạy Chúa, xin đừng đứng xa con: Lạy Thiên Chúa của con, xin mau đến phù trợ con. Ước gì những kẻ cáo buộc con phải tủi hổ và bị tiêu diệt, những kẻ tìm cách tiêu diệt con bị phủ đầy những lời lăng mạ và ô danh" (vv.12-13).

Thực vậy, sự tủi hổ phải đổ xuống trên những kẻ lạm dụng sự yếu đuối của bệnh tật và tuổi già. Kinh nguyện đổi mới trong tâm hồn người già lời hứa trung tín và phúc lành của Thiên Chúa. Người già tái khám phá kinh nguyện và làm chứng về sức mạnh của việc cầu nguyện. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu không bao giờ bác bỏ kinh nguyện của người cần được giúp đỡ. Những người già, vì sự suy nhược của mình, có thể dạy những người sống ở lứa tuổi khác rằng tất cả chúng ta đều cần phó thác cho Chúa, cầu khẩn ơn phù trợ của Chúa. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta phải học từ tuổi già; đúng vậy, tuổi già thực là một hồng ân, hiểu như một sự phó thác cho sự chăm sóc của những người khác, bắt đầu từ Thiên Chúa.

Vì thế, có một thứ "huấn quyền của sự mong manh", theo đó tuổi già có khả năng nhắc nhớ một cách đáng tin cậy cho toàn thể cuộc sống con người. Huấn quyền này mở ra một chân trời quan trọng để cải tổ chính nền văn minh của chúng ta. Một cuộc cải tổ ngày nay trở thành không thể thiếu được để mưu ích cho sự sống chung của mọi người. Sự gạt ra ngoài lề người già - trên lý thuyết và trong thực hành, - làm hư hỏng tất cả các thứ tuổi của cuộc sống, chứ không phải cho tuổi già mà thôi. Xin Chúa ban cho những người già, thành phần của Giáo hội, lòng quảng đại của sự kêu cầu này, sự khiêu khích này, để mưu ích cho tất cả mọi người.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Ðức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Ðức Thánh cha.

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhớ lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Ðền thánh Lichen, vào thứ Bảy 4 tháng 6 năm 2022.

Trước khi chào thăm bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc đến tình trạng thiếu ngũ cốc tại nhiều miền trên thế giới, vì sự cấm cản việc chuyên chở từ nhiều cảng ở Ucraina. Ngài kêu gọi đừng dùng lương thực như một thứ võ khí từ nhiều phe.

Sau cùng như thường lệ, Ðức Thánh cha chào những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page