Ðức Thánh cha tiếp phái đoàn
các vị lãnh đạo Phật giáo Mông Cổ
Ðức Thánh cha tiếp phái đoàn các vị lãnh đạo Phật giáo Mông Cổ.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 29-05-2022) - Sáng hôm 28 tháng Năm năm 2022, trong buổi tiếp kiến phái đoàn các vị lãnh đạo Phật giáo Mông Cổ, Ðức Thánh cha Phanxicô ca ngợi truyền thống lâu đời của nước này về sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo khác nhau và ngài cầu mong thăng tiến những sáng kiến chung để phục vụ công ích.
Phái đoàn Phật giáo Mông Cổ về Roma viếng thăm, với sự đồng hành của Ðức cha Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Phủ doãn này và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Mông Cổ.
Ðức Thánh cha nhận xét rằng Chúa Giêsu cũng như Ðức Phật đều là những vị xây dựng hòa bình và thăng tiến sự bất bạo động. "Chúa Giêsu cũng đã sống trong thời bạo lực. Ngài dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình đối đầu nhau chính là tâm hồn con người [...]. Chúa rao giảng không biết mệt mỏi tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa, Ðấng đón nhận, tha thứ và Chúa dạy các môn đệ của Ngài hãy yêu thương cả những địch thù" (Xc Mt 5,44).
Còn "Sứ điệp nòng cốt của Ðức Phật là bất bạo động và an bình. Ngài dạy rằng "chiến thắng để lại đằng sau cái vết oán hận, vì kẻ chiến bại đau khổ. Hãy từ bỏ mọi tư tưởng chiến thắng và chiến bại và hãy sống trong an bình và trong vui tươi" (Pháp cú kinh, XV, 5 [201].
Ðức Thánh cha cũng nhận xét rằng: "Trong một thế giới bị tàn phá vì những xung đột và chiến tranh, với tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo được ăn rễ sâu trong những giáo lý liên hệ, chúng ta có nghĩa vụ khơi lên trong nhân loại ý chí từ bỏ bạo lực và kiến tạo nền văn hóa hòa bình".
Giáo hội Công giáo tại Mông Cổ, tuy bé nhỏ nhưng đang dấn thân hoàn toàn thăng tiến một nền văn hóa gặp gỡ, theo lời Vị Tôn Sư sáng lập đã dạy: "Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con" (Xc Ga 15,12). "Chúng ta hãy củng cố tình bạn giữa chúng ta để mưu ích cho mọi người. Mông Cổ có một truyền thống dài về sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo. Tôi cầu mong lịch sử kỳ cựu này về hòa hợp trong sự khác biệt có thể tiếp tục ngày nay, qua việc thực thi tôn giáo hữu hiệu và thăng tiến các sáng kiến chung để mưu cầu công ích. Sự hiện diện của quí vị tại đây hôm nay thực là một dấu chỉ hy vọng".
(Sala Stampa 28-5-2022)