Chúng ta phải biết tán dương

những tài năng và đặc sủng của người cao niên

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Chúng ta phải biết tán dương những tài năng và đặc sủng của người cao niên.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 11-05-2022) - Sáng thứ Tư, ngày 11 tháng Năm năm 2022 đã có khoảng 15,000 tín hữu hành hương từ nhiều nơi đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Ðức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trước khi bắt đầu lúc 9 giờ, Ðức Thánh cha đi xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Ngài cho bốn trẻ em cùng ngồi trên xe đi chung và thỉnh thoảng xe dừng lại để Ðức Thánh cha chúc lành cho những em bé được nhân viên an ninh bế lên và trao cho ngài.

Ðầu buổi tiếp kiến là phần tôn vinh Lời Chúa. Mọi người lắng nghe đoạn sách bà Giuditha đoạn 16 (16,21.23-24): "Sau những ngày đó, ai nấy trở về phần đất gia nghiệp của mình. Bà Giuditha trở lại Betulia và cư ngụ trong phần đất bà vẫn có... Danh tiếng bà mỗi ngày thêm lừng lẫy. Bà sống tại nhà chồng bà, tuổi đời rất cao, thọ được 105 tuổi. Bà trả tự do cho người nữ tỳ. Cuối cùng, bà qua đời ở Betulia và được chôn táng trong hang mộ ông Manasse, chồng bà. Nhà Israel khóc thương bà suốt bảy ngày. Trước khi nhắm mắt, bà Giuditha đã phân phát của cải cho tất cả bà con bên chồng cũng như cho thân quyến của bà".

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già và trình bày bài thứ chín này có tựa đề: "Bà Giuditha: Một tuổi trẻ tuyệt vời, một tuổi già quảng đại".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thân thế bà Giuditha

Hôm nay, chúng ta nói về bà Giuditha, một nữ anh hùng trong Kinh thánh. Phần kết luận của cuốn sách mang tên bà - như chúng ta vừa nghe một đoạn - tổng hợp phần cuối cuộc đời của bà, người đã bảo vệ Israel chống lại quân thù. Bà Giudita là một phụ nữ trẻ và là một góa phụ nhân đức người Do thái, nhờ niềm tin, sắc đẹp và sự tinh khôn, bà đã cứu thành Betulia và dân Giuda khỏi cuộc bao vây của Holophen, tướng của Nabucodonosor, vua xứ Assiria, kẻ thù kiêu ngạo và coi khinh thường Thiên Chúa.

Sau cuộc đại phiêu lưu, trong đó bà Giuditha giữ vai chính, bà trở về sống tại thành Betulia, nơi bà trải qua một tuổi già tốt đẹp cho đến năm 105 tuổi. Ta có thể nói rằng bà đến tuổi về hưu, như nhiều người khác: sau một cuộc đời hoạt động khẩn trương, hoặc sau một cuộc sống phiêu lưu, hay rất tận tụy. Anh hùng không phải chỉ là anh hùng trong những đại biến cố diễn ra dưới những ánh đèn chiếu: thường sự anh hùng ở nơi sự yêu thương trong một gia đình khó khăn, và mưu ích cho một cộng đoàn bị đe dọa.

Làm sao để tuổi hưu mang lại thành quả?

Bà Giuditha sống hơn 100 tuổi, một phúc lành đặc biệt. Nhưng ngày nay, đó không phải là điều họa hiếm, vì có bao nhiêu năm sống sau khi về hưu. Làm thế nào giải thích, làm sao để thời gian chúng ta có như thế mang lại những thành quả?

Viễn tượng về hưu, đối với nhiều người, là viễn tượng một sự nghỉ ngơi đáng được hưởng và mong ước, khỏi những công việc nhiều đòi hỏi và vất vả. Nhưng Nhiều khi cuối thời kỳ làm việc là một nguồn lo âu và người ta hồi hộp chờ đợi: "tôi sẽ làm gì bây giờ khi cuộc đời tôi trống rỗng những gì làm cho nó đầy ắp trong bao năm qua?" Công việc hằng ngày cũng có nghĩa là toàn bộ những tương quan, những mãn nguyện vì tự lực mưu sinh được, kinh nghiệm về một vai trò cần đảm nhiệm, một sự tôn trọng đáng được, một thời gian tràn đầy, đi xa hơn thời biểu làm việc.

Công việc của ông bà về hưu

Có lẽ có công việc săn sóc các cháu, một công việc vui và vất vả; nhưng ngày nay, chúng ta biết rằng số con cái sinh ra ngày càng ít và các cha mẹ thường ở xa, phải di chuyển nhiều hơn, với những hoàn cảnh làm việc và cư ngụ không thuận lợi. Nhiều khi các cha mẹ ấy cũng ngại ủy thác cho ông bà việc giáo dục con cái của họ, và chỉ để cho ông bà làm những gì thực sự là cần giúp đỡ. Có những đòi hỏi mới, cả trong lãnh vực những tương quan giáo dục và họ hàng, đòi chúng ta phải điều chỉnh lại liên minh truyền thống giữa các thế hệ.

Cố gắng cải tiến tình thế

Nhưng chúng ta tự hỏi: Chúng ta có cố gắng thực hiện sự điều chỉnh lại ấy không? hay là chúng ta chỉ chịu đựng tình trạng bất động của những hoàn cảnh vật chất và kinh tế? Thực tế là, sự đồng hiện diện của các thế hệ kéo dài hơn. Vậy tất cả chúng ta có cùng nhau làm cho những hoàn cảnh ấy trở nên nhân bản, đáng quí mến hơn, đúng đắn hơn, trong những hoàn cảnh mới của xã hội tân tiến hay không? Ðối với các ông bà, một phần quan trọng trong ơn gọi của họ, là nâng đỡ con cái trong việc giáo dục các trẻ nhỏ. Các em học sức mạnh của sự dịu dàng và tôn trọng sự giòn mỏng, mong manh: những bài học không thể thay thế được mà, với các ông bà, nó trở nên dễ trao ban và lãnh nhận. Các ông bà, về phần mình, học biết rằng sự dịu dàng và mong manh không phải những dấu hiệu sự sa sút: đối với những người trẻ, đó là những bước làm cho tương lai trở nên nhân bản hơn.

Gương bà Giuditha

Bà Giuditha góa bụa sớm và không có con, nhưng như một người già, bà có thể sống một thời kỳ sung mãn và thanh thản, với ý thức mình đã sống đến cùng sứ mạng Chúa đã ủy thác. Ðối với bà, đó là thời gian để lại gia sản tốt về sự khôn ngoan, dịu dàng, những món quà cho gia đình và cộng đoàn: một gia sản tốt đẹp và không phải chỉ những của cải mà thôi.

Chính trong tuổi già, bà Giuditha trả tự do cho nữ tỳ yêu quý của bà. Ðó là một dấu chỉ một sự quan tâm và nhân đạo đối với người ở gần mình. Về già, ta mất một phần thị giác nhưng cái nhìn nội tâm trở nên sáng suốt hơn. Ta trở nên có khả năng nhìn sự việc mà trước đó ta không thấy. Ðúng vậy: Chúa không chỉ ủy thác các tài năng của Ngài cho những người trẻ sung sức mà thôi: Ngài ban cho tất cả mọi người, theo mức độ của mỗi người. Ðời sống trong các cộng đoàn, chúng ta phải biết hưởng những tài năng và đoàn sủng của bao nhiêu người già. Về mặt hành chánh, họ là những người về hưu, nhưng họ là một sự phong phú cần đề cao giá trị. Ðiều này, về phía chính những người già, đòi phải có sự quan tâm sáng tạo và mới mẻ, một thái độ sẵn sàng quảng đại. Những khéo léo của đời sống hoạt động không còn bị giới hạn và trở thành nguồn mạch cho sự trao ban: dạy dỗ, khuyên nhủ, xây dựng, săn sóc, lắng nghe... Ưu tiên dành cho những người bị thiệt thòi nhất, những người không thể được học hỏi hoặc bị bỏ mặc cho sự cô đơn của họ.

Bà Giuditha trả tự do cho nữ tỳ của bà và dành mọi quan tâm cho người ấy. Từ hồi còn trẻ, bà đã đạt được sự ngưỡng mộ của cộng đoàn vì lòng can đảm của bà. Nay về già, bà đáng được sự dịu dàng, làm cho bà được tự do và quí mến hơn. Bà Giuditha không phải là một người về hưu sống sự trống rỗng của mình trong sự nhớ nhung: bà là một người già say mê làm cho thời gian Chúa ban được đầy những hồng ân.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Ðức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Ðức Thánh cha.

Ðặc biệt, bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha thân ái chào thăm các tín hữu và nói: "Thứ Hai, ngày 09 tháng Năm vừa qua, anh chị em đã mừng lễ trọng kính thánh Stanislaô, Giám mục tử đạo, bổn mạng đất nước của anh chị em. Ðặc biệt trong tuần cầu cho ơn gọi này, nguyện xin vị thánh can trường bảo vệ trật tự luân lý của Chúa này chuyển cầu cho các bạn trẻ được ơn phân định khôn ngoan trên đường đời phải đi, tín thác nơi Chúa Kitô và ơn trung thành với các giá trị Tin mừng.

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm các thành viên Tổng tu nghị Dòng Nữ tử thánh Phanxicô đệ Salê, và các nữ tu Dòng Ðức Mẹ Maria (Mariste), các tân linh mục Dòng Ðạo binh Chúa Kitô và thân nhân, các cha Giám đốc đại chủng viện thuộc các xứ truyền giáo...

Sau cùng như thường lệ, Ðức Thánh cha chào những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhở rằng: "Trong tháng biệt kính Ðức Mẹ này, tôi mời gọi anh chị em hãy noi gương Mẹ Maria, tín thác nơi sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, tin tưởng phó thác trong tay Chúa, với sự nâng đỡ của Ðấng trung thành dưới thập giá Chúa Kitô trên đồi Canvê."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page