Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót
tại Ðền thờ thánh Phêrô
Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót tại Ðền thờ thánh Phêrô.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 24-04-2022) - Sau hai năm cử hành lễ Lòng Chúa thương xót tại nhà thờ Chúa Thánh Linh, tại khu Sassia, một thánh đường nhỏ cách Quảng trường thánh Phêrô khoảng 300 mét, chỉ có khoảng 60 tín hữu tham dự vì đại dịch, sáng Chúa nhật 24 tháng Tư năm 2022, đại lễ này được cử hành lúc 10 giờ tại Ðền thờ thánh Phêrô, trước sự tham dự của hơn 2,000 tín hữu vì đại dịch đã giảm bớt.
Lẽ ra, chính Ðức Thánh cha Phanxicô chủ sự thánh lễ, như đã thông báo, nhưng vì bị đau đầu gối, đi lại khó khăn nên Ðức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng, đã chủ tế thay. Ðức Thánh cha tham dự và ngài ngồi suốt buổi lễ tại một ghế phía trước bàn thờ chính. Ðồng tế thánh lễ cũng có khoảng 20 hồng y, giám mục và hàng trăm linh mục, trong đó có 400 linh mục thừa sai lòng thương xót từ các nơi về Roma, tham dự Ðại hội thế giới kỳ III các thừa sai lòng thương xót, do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng tổ chức tại Roma, từ ngày 23 đến ngày 25 tháng Tư năm 2022.
Nguồn gốc Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót
Ðại Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót do thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng thiết lập cách đây 21 năm, và ấn định vào Chúa nhật thứ II sau Phục sinh, như mong muốn của Chúa Giêsu được biểu lộ cho thánh nữ Faustina Kowalska, tông đồ của lòng Chúa xót thương. Chúa nói với thánh nữ rằng: "Cha muốn có Lễ kính Lòng Thương Xót, là nơi nương náu cho tất cả các linh hồn và đặc biệt cho những kẻ có tội... Linh hồn nào xưng tội và rước lễ, thì lãnh nhận ơn tha thứ hoàn toàn các tội lỗi và hình phạt".
Bài giảng của Ðức Thánh cha
Tuy không chủ tế, nhưng Ðức Thánh cha đã đảm nhận việc giảng trong thánh lễ. Ngài tiến ra ghế ngồi trước bàn thờ chính và ngỏ lời với cộng đoàn. Ðức Thánh cha quảng diễn những lời cầu chúc của Chúa Giêsu Phục sinh cho các môn đệ: "Bình an cho các con!", và nhận xét rằng qua đó, "chúng ta thấy có ba tác động của lòng Chúa Thương Xót, đó là Chúa ban cho chúng ta niềm vui, khơi lên sự tha thứ và sau cùng Chúa an ủi chúng ta trong những cơ cực.
1. Trước tiên lòng thương xót của Chúa ban niềm vui, một niềm vui đặc biệt, vui vì cảm thấy mình được tha thứ nhưng không.
Ðức Thánh cha giải thích rằng chiều tối ngày Lễ Vượt qua, "các môn đệ ở trong nhà đóng kín vì sợ hãi; họ cũng khép kín trong nội tâm, bị đè nặng vì một tâm trạng thất bại. Họ cũng là những môn đệ đã bỏ rơi Thầy mình: trong lúc Thầy bị bắt, họ đã bỏ chạy. Thậm chí Phêrô đã chối Thầy ba lần và một người trong số họ đã phản bội Thầy."
Trong bầu không khí đó, Chúa Phục sinh đến và nói: "Bình an cho các con!". Các môn đệ, thay vì xấu hổ, họ cảm thấy vui mừng vì lời chào của Chúa. Họ xoay sự chú ý từ bản thân sang Chúa Giêsu. Tin mừng kể lại: "Các môn đệ vui mừng khi thấy Chúa" (v.20). Họ được đưa ra khỏi chính mình, khỏi những thất bại, và bị thu hút vì ánh mắt của Chúa không có sự nghiêm khắc nhưng đầy lòng thương xót. Chúa Kitô không phàn nàn về quá khứ, nhưng trao ban cho họ lòng từ nhân như mọi khi. Ðiều này làm cho họ hồi sinh, đổ tràn tâm hồn họ niềm an bình đã bị mất, làm cho họ trở thành những con người mới, được thanh tẩy nhờ sự tha thứ nhưng không, không tính toán và chẳng do công trạng của họ".
Niềm vui Chúa ban từ ơn tha thứ
"Ðó là niềm vui Chúa Giêsu ban, niềm vui mà chúng ta thấy khi cảm nghiệm sự tha thứ của Chúa. Giống như các môn đệ chiều ngày Lễ Vượt qua, sau khi sa ngã, phạm tội, thất bại. Những lúc ấy chúng ta thấy dường như chẳng còn có thể làm gì nữa. Nhưng chính lúc ấy Chúa làm mọi sự để ban cho chúng ta an bình của Ngài: qua việc giải tội, qua những của một người trở nên gần gũi, một niềm an ủi nội tâm của Thánh Linh, qua một biến cố bất ngờ, ngỡ ngàng... Bằng nhiều cách, Thiên Chúa ân cần làm cho chúng ta cảm thấy vòng tay ôm của lòng Chúa thương xót, một niềm vui phát sinh từ sự lãnh nhận 'ơn tha thứ và bình an'.
Và Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Anh chị em, chúng ta hãy nhớ lại ơn tha thứ và an bình đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nhớ vòng tay ôm và những vuốt ve của Thiên Chúa trước lầm lỗi và sa ngã của chúng ta, nhờ đó chúng ta sẽ nuôi dưỡng niềm vui".
2. Tiếp đến là lời chúc lần thứ hai của Chúa Giêsu "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con" (v.21).
Ðức Thánh cha nói: "Chúa ban bình an cho các môn đệ, để làm cho họ trở thành những người thực thi hòa giải: "Các con tha tội cho ai, thì họ sẽ được tha" (v.23). Không những các môn đệ lãnh nhận lòng thương xót, nhưng họ còn trở thành những người ban phát chính lòng xót thương mà họ đã nhận lãnh. Họ lãnh nhận quyền ấy, không phải vì công trạng của họ: nhưng đó là một ơn thánh nhưng không, dựa trên kinh nghiệm của họ là những người được tha thứ".
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Ngày nay và mãi mãi trong Giáo hội, ơn tha thứ phải đến với chúng ta qua lòng từ nhân của một vị giải tội có lòng thương xót, biết mình không phải là người có quyền bính gì, nhưng là một máng chuyển lòng thương xót, đổ xuống trên tha nhân ơn tha thứ mà chính vị giải tội đã được hưởng trước đó..."
"Tuy nhiên, toàn thể Giáo hội cũng được Chúa Giêsu biến thành một cộng đoàn trao ban lòng thương xót, trở thành một dấu chỉ và là dụng cụ hòa giải cho toàn thể nhân loại. Hỡi anh chị em, mỗi người trong chúng ta đã nhận Chúa Thánh Linh trong bí tích Rửa tội, để trở thành những người nam nữ hòa giải. Khi chúng ta cảm nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi gánh nặng của tội lỗi bản thân, của những thất bại của mình; khi chúng ta đích thân cảm nhận thế nào là tái sinh... chúng ta cũng cần chia sẻ với những người bên cạnh bánh lòng thương xót của Chúa". Chúng ta hãy cảm thấy mình được kêu gọi thi hành điều đó tại nơi ta sống, trong gia đình, nơi làm việc, trong cộng đoàn, thăng tiến sự hòa giải."
3. Sang đến lời chúc lần thứ ba của Chúa "Bình an cho các con!"
Tám ngày sau đó khi hiện ra với các môn đệ, để củng cố niềm tin cơ cực của Tôma. Chúa hiện ra và nói với ông: "Hãy đặt ngón tay của con vào đây và hãy nhìn đôi bàn tay của Thầy" (v.27).
Ðức Thánh cha giải thích rằng: "Ðó không phải là những lời thách thức, nhưng là thương xót. Chúa Giêsu hiểu những khó khăn của Tôma: Ngài không xử nghiêm khắc với ông và tông đồ ấy cảm thấy được đánh động trong nội tâm do lòng từ nhân của Thầy. Và thế là từ người thiếu tin tưởng, Tôma trở thành tín hữu, và tuyên xưng niềm tin đơn sơ và đẹp nhất: "Lạy Chúa của con, là Thiên Chúa của con!" (v.28).
Ðức Thánh cha khuyên các tín hữu hãy lập lại lời tuyên xưng này trong ngày, nhất là khi gặp những nghi ngờ và tối tăm như Tôma: "Vì nơi Tôma có lịch sử của mỗi tín hữu: có những lúc khó khăn, trong đó dường như cuộc sống phủ nhận đức tin, trong đó chúng ta bị khủng hoảng và cần được chạm đến và tin. Nhưng cũng như với Tôma, chính lúc ấy chúng ta tái khám phá con tim của Chúa, lòng thương xót của Ngài. Trong những tình cảnh ấy, Chúa Giêsu không đến với chúng ta một cách rạng ngời với những bằng chứng tỏ tường, Chúa không làm phép lạ vĩ đại, nhưng trao tặng những dấu hiệu nồng nhiệt về lòng thương xót. Chúa an ủi chúng ta theo cách thức của Tin mừng hôm nay: đó là cống hiến cho chúng ta các vết thương của Ngài".
Ðức Thánh cha ghi nhận rằng lòng thương xót của Chúa, trong những lúc ta bị khủng hoảng và cơ cực, cũng thường làm cho chúng ta tiếp xúc với những đau khổ của tha nhân: "Chúng ta nghĩ mình chịu đau khổ tột đỉnh nhất, nhưng rồi chúng ta khám phá thấy có những người âm thầm chịu đựng những thời kỳ còn tệ hơn so với chúng ta. Và nếu chúng ta săn sóc những vết thương của tha nhân, đổ đầy lòng thương xót vào đó, thì sẽ nảy sinh nơi chúng ta một niềm hy vọng mới, an ủi trong lúc cơ cực... Nếu chúng ta mang lại an bình cho một người bị thương tổn hoặc một tinh thần bị suy sụp, nếu chúng ta dành một chút thời giờ để lắng nghe, đồng hành và an ủi họ, thì chúng ta gặp Chúa Giêsu, Ðấng với lòng thương xót, đang nhìn chúng ta từ đôi mắt của người bị thử thách, và lập lại: "Bình an cho các con!".
Thánh lễ dài một tiếng mười lăm phút và kết thúc lúc 11 giờ 15. Sau đó mọi người tiến ra Quảng trường thánh Phêrô để chuẩn bị tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với Ðức Thánh cha.