Thánh lễ và Sứ điệp Phục Sinh của Ðức Thánh cha

với Phép lành toàn xá cho Roma và toàn thế giới

 

Thánh lễ và Sứ điệp Phục Sinh của Ðức Thánh cha với Phép lành toàn xá cho Roma và toàn thế giới.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 18-04-2022) - Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật 17 tháng Tư năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Phục sinh tại thềm Ðền thờ thánh Phêrô và đúng 12 giờ, ngài công bố Sứ điệp Phục sinh và ban phép lành với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới.

Thánh lễ

Lễ Phục sinh hai năm trước đây, vì đại dịch, Ðức Thánh cha Phanxicô chỉ cử hành đại lễ này bên trong Ðền thờ thánh Phêrô, nhưng sáng Chúa nhật Phục sinh năm 2022 đã có 35,000 tín hữu đến tham dự thánh lễ do ngài chủ sự tại Quảng trường. Khu vực bàn thờ trước thềm thánh đường được trang trí như một vườn hoa. Ðồng tế với Ðức Thánh cha có hàng chục hồng y và giám mục cùng với hơn 100 linh mục.

Hiện diện tại đây cũng có hai đoàn quân: vệ binh Thụy Sĩ, và một đoàn đại diện liên quân của Ý.

Bài Phúc âm, như thông lệ, được thầy phó tế công bố trước tiên bằng tiếng Ý và tiếp đến bằng tiếng Hy Lạp, để nói lên sự liên kết giữa Giáo hội Tây và Ðông phương.

Trong thánh lễ, Ðức Thánh cha không giảng, vì có phần công bố sứ điệp vào ban trưa.

Kết thúc thánh lễ lúc 11 giờ 25, Ðức Thánh cha đến bắt tay hàng chục hồng y trước khi lên xe mui trần, đi xuống, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Số người tham dự lên tới 80,000 người, nhiều người đứng tràn ra ngoài quảng trường.

Công bố Sứ điệp Phục sinh

Buổi công bố sứ điệp bắt đầu với quốc ca của Ý và Vatican do hai ban quân nhạc liên hệ xướng lên, khi Ðức Thánh cha tiến ra trên bao lơn chính của đền thờ.

 

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chúc mừng Lễ Phục sinh tốt đẹp!

"Chúa Giêsu, Ðấng chịu đóng đanh, đã sống lại! Ngài đến giữa những người đang khóc thương Ngài, họ đóng kín trong nhà, đầy sợ hãi và lo âu. Chúa đến giữa họ và nói: "Bình an cho các con!" (Ga 20,19). Ngài tỏ cho họ các vết thương nơi bàn tay và chân, vết thương ở cạnh sườn: Ngài không phải là một bóng ma, nhưng đích thị là Ngài, cùng là Ðức Giêsu đã chết trên thập giá và đã được mai táng.

Ðứng trước những cái nhìn kinh ngạc của các môn đệ, Chúa lập lại: "Bình an cho các con!" (v.21)

Phục sinh giữa chiến tranh

"Cả những cái nhìn của chúng ta cũng kinh ngạc, trong Lễ Phục sinh chiến tranh này. Chúng ta đã thấy quá nhiều máu, quá nhiều bạo lực. Cả tâm hồn chúng ta cũng đầy sợ hãi và lo âu, trong khi bao nhiêu anh chị em chúng ta phải khép kín bên trong để chống lại bom đạn. Chúng ta cảm thấy khó tin rằng Chúa Giêsu thực sự đã sống lại, đã thực sự chiến thắng sự chết. Phải chăng đó là một ảo ảnh? Một thành quả trí tưởng tượng của chúng ta?

Chúng ta cần bình an của Chúa Phục Sinh

"Không, đó không phải là một ảo ảnh! Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, vang dội lời loan báo phục sinh rất được các tín hữu Kitô Ðông phương quí mến: "Chúa Kitô đã sống lại! Chúa thực sự đã sống lại!". Ngày hôm nay hơn bao giờ hết chúng ta đang cần Chúa, vào cuối một Mùa chay dường như không muốn chấm dứt. Chúng ta đã để lại đằng sau hai năm đại dịch, để lại những dấu chỉ nặng nề. Ðã đến lúc cùng nhau ra khỏi đường hầm, tay trong tay, cùng nhau chung tài lực... Vậy mà chúng ta đã chứng tỏ rằng trong chúng ta vẫn còn một tinh thần của Cain, người Abel em mình không phải như một người em, nhưng như một đối thủ và nghĩ cách loại trừ em. Chúng ta cần Ðấng đã chịu đóng đanh Phục sinh để tin nơi chiến thắng của tình thương, để hy vọng nơi sự hòa giải. Ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta đang cần đến Chúa, Ðấng đến giữa chúng ta và lập lại với chúng ta rằng "Bình an cho các con!"

Chỉ có Chúa mới có thể ban hòa bình

"Chỉ có Chúa mới có thể làm điều đó. Ngày hôm nay, chỉ có Ngài có quyền loan báo cho chúng ta hòa bình. Chỉ có Chúa Giêsu, vì Ngài mang những vết thương, các vết thương của chúng ta. Những vết thương của Ngài là những vết thương của chúng ta hai lần: những tội lỗi chúng ta gây ra cho Ngài, những tội lỗi, những cứng lòng, sự oán ghét huynh đệ tương tàn của chúng ta; đó là những tội của chúng ta vì Chúa gánh lấy cho chúng ta, Ngài không xóa những tội ấy trên thân thể vinh hiển của Ngài. Ngài muốn giữ lại chúng, mang theo người mãi mãi. Ðó là một dấu ấn không thể xóa nhòa của tình Chúa thương chúng ta, một sự chuyển cầu mãi mãi để Chúa Cha thấy các vết thương ấy thương xót chúng ta và toàn thế giới. Những vết thương trên Thân Mình của Chúa Giêsu phục sinh là dấu chỉ cuộc chiến đấu Chúa đã trải qua và đã chiến thắng cho chúng ta, bằng những võ khí tình thương, để chúng ta được an bình, ở trong hòa bình và sống hòa bình.

"Khi nhìn những vết thương vinh hiển, đôi mắt chúng ta kinh ngạc mở ra, những con tim cứng cỏi của chúng ta mở rộng và để cho lời loan báo Phục sinh tiến vào: "Bình an cho các con!"

Chúng ta hãy để an bình của Chúa Kitô đi vào trong cuộc sống, gia cư và đất nước chúng ta!

Cầu mong hòa bình cho Ucraina

Ðức Thánh cha nói tiếp: "Ước gì có hòa bình cho Ucraina tang thương, bị thử thách nặng nề dường ấy vì bạo lực và tàn phá vì chiến tranh tàn ác và điên rồ mà Ucraina bị lôi vào trong đó. Ước gì sớm có một bình minh hy vọng mọc lên trên đêm đen kinh khủng đau khổ và chết chóc của đất nước này! Hãy chọn lựa hòa bình. Hãy ngưng biểu dương sức mạnh của mình trong khi dân chúng đau khổ. Xin vui lòng thực hiện điều này, chúng ta đừng trở nên quen thuộc với chiến tranh, tất cả chúng ta hãy dấn thân lớn tiếng yêu cầu hòa bình, từ các bao lơn và qua các đường phố! Ai có trách nhiệm trong các quốc gia hãy lắng nghe tiếng kêu hòa bình của dân chúng. Hãy lắng nghe lời yêu cầu lo âu của các nhà khoa học cách đây gần 70 năm: "Chúng ta sẽ chấm dứt nhân loại, hoặc nhân loại phải biết từ bỏ chiến tranh?" (Manifesto Russell-Einstein, 9-7-1055).

Chia sẻ đau thương của nhân dân Ucraina

"Tôi mang trong tâm hồn tất cả các nạn nhân Ucraina đông đảo, hàng triệu người tị nạn và tản cư nội địa, các gia đình bị phân tán, những người già còn lại cô độc, những nhân mạng bị đốn ngã và các thành thị bị san bình địa. Tôi thấy cái nhìn của các trẻ em mồ côi và đang chạy trốn chiến tranh, Khi nhìn các em, chúng ta không thể không nhận thấy tiếng kêu đau đớn của các trẻ em trên toàn thế giới: các trẻ em chết vì đói hoặc không được chữa trị, các trẻ em nạn nhân của những vụ lạm dụng và bạo hành, và các trẻ em bị chối bỏ quyền được sinh ra."

Những dấu chỉ hy vọng

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Trong đau khổ của chiến tranh cũng không thiếu những dấu chỉ hy vọng, như những cánh cửa mở của bao nhiêu gia đình và cộng đoàn trên toàn Âu châu đón nhận những người di dân và tị nạn. Ước gì những hành vi bác ái đông đảo ấy trở thành một phúc lành cho các xã hội chúng ta, nhiều khi bị suy thoái vì bao nhiêu ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân, và ước gì những hành vi ấy góp phần làm cho các xã hội chúng ta cởi mở đón tiếp đối với mọi người.

Quan tâm đến đau khổ tại các nước khác

"Ước gì cuộc xung đột tại Âu châu làm cho chúng ta cũng ân cần quan tâm hơn đối với những tình trạng khác căng thẳng, đau khổ, xảy ra tại quá nhiều miền trên thế giới và chúng ta không thể và không muốn quên lãng.

Trung Ðông

"Ước gì có hòa bình cho Trung Ðông, đã bị xâu xé vì quá nhiều năm chia rẽ và xung đột. Trong ngày vinh hiển này, chúng ta cầu xin hòa bình cho Jerusalem và hòa bình cho những người yêu mến thành này (Xc Tv 121 [122]), là tín hữu Kitô, Do thái và Hồi giáo. Ước gì người Israel, Palestine và mọi người dân ở Thành Thánh, cũng với các người hành hương, cảm nghiệm được vẻ đẹp của hòa bình, sống trong huynh đệ và được tự do lui tới các Nơi Thánh trong sự tôn trọng hỗ tương đối với các quyền của mỗi người.

Ước gì có hòa bình và hòa giải cho các dân tộc ở Liban, Syria, Irak, và đặc biệt cho các cộng đoàn Kitô sống tại Trung đông.

Libya và Yemen

"Ước gì có hòa bình cho cả Libya để tìm được sự ổn định sau những năm căng thẳng, và cho Yemen đang chịu đau khổ vì một cuộc xung đột bị mọi người quên lãng nhưng tiếp tục gây ra các nạn nhân: ước gì cuộc đình chiến ký kết trong những ngày qua có thể trả lại hy vọng cho dân chúng.

Myanmar và Afghanistan

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Phục Sinh ơn hòa giải cho Myanmar, nơi vẫn còn kéo dài cảnh tượng bi thảm oán ghét và bạo lực, và cầu cho Afghanistan nơi có những căng thẳng nguy hiểm về xã hội vẫn không dịu bớt, và tại đây có cuộc khủng hoảng nhân đạo bi thảm đang hành hạ người dân.

Phi châu

"Ước gì có hòa bình cho toàn Phi châu, để chấm dứt sự bóc lột mà đại lục này là nạn nhân và sự xuất huyết do các vụ tấn công khủng bố gây ra, đặc biệt tại miền Sahel, và được sự nâng nỡ cụ thể trong tình huynh đệ giữa các dân tộc. Ước gì Ethiopia, bị khủng hoảng trầm trọng về nhân đạo, tìm lại được con đường đối thoại và hòa giải, và nạn bạo lực tại Cộng hòa dân chủ Congo được chấm dứt. Ước gì không thiếu kinh nguyện và tình liên đới cho các dân tộc ở miền đông nước Nam Phi, bị lũ lụt tàn phá.

Mỹ châu Latinh

"Xin Chúa Kitô Phục Sinh đồng hành và trợ giúp các dân tộc Mỹ châu Latinh, trong một số trường hợp, trong những năm khó khăn vì đại dịch này, đã thấy các điều kiện xã hội của mình bị suy thoái, và tệ hơn nữa cũng vì nạn tội phạm, bạo lực, tham nhũng và buôn bán ma túy.

Canada

"Chúng ta hãy cầu xin Chúa Phục Sinh cùng đi trên con đường hòa giải mà Giáo hội Công giáo tại Canada đang tiến bước với các thổ dân bản xứ. Xin Chúa Kitô Phục Sinh chữa lành những vết thương quá khứ và giúp các tâm hồn sẵn sàng tìm kiếm sự thật và tình huynh đệ.

Ảnh hưởng chiến tranh tới toàn thế giới

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, mỗi cuộc chiến tranh đều kéo theo những hậu quả ảnh hưởng tới toàn thể nhân loại: từ những tang tóc cho đến thảm trạng người tị nạn, tới cuộc khủng hoảng kinh tế và lương thực mà chúng ta đã thấy đang xảy ra. Ðứng trước những dấu chỉ báo hiệu cuộc chiến sẽ kéo dài, cũng như bao nhiêu thất bại đau thương trong cuộc sống, Chúa Kitô, Ðấng đã chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và chết chóc, nhắn nhủ chúng ta đừng đầu hàng sự ác và bạo lực. Chúng ta hãy để cho hòa bình của Chúa Kitô chiến thắng! Hòa bình là điều có thể, hòa bình là một bổn phận, hòa bình là trách nhiệm thứ nhất của tất cả mọi người!"

Phép lành toàn xá

Sau khi Ðức Thánh cha kết thúc Sứ điệp Phục sinh, Ðức Hồng y Renato Martino, 90 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, thông báo chủ ý của Ðức Thánh cha ban ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu lãnh nhận phép lành qua các phương tiện truyền thông, theo hình thức đã được Giáo hội thiết định.

Rồi Ðức Thánh cha đọc công thức xin hai thánh tông đồ Phêrô-Phaolô, chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa, và nhờ lời chuyển cầu của Ðức Mẹ, thánh Micae Tổng lãnh thiên thần, thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Phêrô, Phaolô tông đồ và toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng tha thứ mọi tội lỗi cho các tín hữu và xin Chúa Giêsu Kitô dẫn đưa các tín hữu đến sự sống đời đời.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page