Ðức Thánh cha tham dự

và giảng lễ Vọng Phục Sinh

 

Ðức Thánh cha tham dự và giảng lễ Vọng Phục Sinh.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 17-04-2022) - Ðức Thánh cha tham dự thánh lễ Vọng Phục sinh, giảng và ban bí tích rửa tội cho bảy dự tòng. Ngài mời gọi các tín hữu hãy ra khỏi tình trạng là "tù nhân của quá khứ" và hân hoan loan báo Tin mừng Phục sinh cho mọi người.

Vì tiếp tục bị đau đầu gối, Ðức Thánh cha không chủ sự thánh lễ lúc 7 giờ 30 tối thứ Bảy Tuần thánh, ngày 16 tháng Tư năm 2022, và Ðức Hồng y Giovanni Battista Re, 88 tuổi, Niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự thánh lễ thay. Ðồng tế thánh lễ, có một số hồng y, giám mục và khoảng 100 linh mục. Ðức Thánh cha ngồi tham dự thánh lễ từ một ghế đặt phía trước hàng ghế của các hồng y, và khi giảng, ngài tiến lên ghế trước bàn thờ nhìn xuống cộng đoàn.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha đã bình luận về hành động của các phụ nữ, trong bài Tin mừng theo thánh Luca, vào lúc tảng sáng đến viếng mộ Chúa Giêsu để xức thuốc thơm cho xác Ngài. Các bà trải qua một kinh nghiệm đảo lộn: họ thấy ngôi mộ trống trơn, rồi hai nhân vật mặc áo sáng ngời, bảo các bà rằng Ðức Giêsu đã sống lại; các bà vội chạy đi báo tin cho các môn đệ khác (Lc 24,1-10). Ðức Thánh cha phân tích ba động từ: các bà nhìn thấy, lắng nghe và loan báo.

Các phụ nữ nhìn thấy. Ðức Thánh cha nhận xét rằng lời loan báo đầu tiên về sự phục sinh không được diễn tả qua một công thức cần hiểu, nhưng là một dấu hiệu cần chiêm ngắm... "Vì thế, Phục sinh bắt đầu bằng cách đảo lộn các khuôn khổ của chúng ta... Quá nhiều khi chúng ta nhìn cuộc sống và thực tại với đôi mắt cúi nhìn xuống như các phụ nữ trong Tin mừng; chúng ta chỉ chú ý đến ngày hôm nay đang qua đi, chúng ta thất vọng về tương lai, khép kín mình trong các nhu cầu của mình. Chúng ta ở lại trong nhà tù của sự vô cảm, và chúng ta tiếp tục than vãn, nghĩ rằng sự việc sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Và thế là chúng ta bất động trước ngôi mộ của sự cam chịu và chiều theo định mệnh, chúng ta chôn vùi niềm vui sống. Thế nhưng trong đêm nay, Chúa muốn cho chúng ta có những cái nhìn khác, được khơi lên nhờ niềm hy vọng theo đó sợ hãi, đau khổ và chết chóc không có tiếng nói cuối cùng trên chúng ta. Nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể tiến từ hy vọng nhảy vào cuộc sống.

Thứ hai: các phụ nữ lắng nghe. Sau khi họ nhìn thấy mộ trống, hai người mặc áo trắng tinh nói với họ: "Tại sao các bà tìm người đang sống nơi những người chết? Người không ở đâu!"

Ðức Thánh cha nhận xét: Mỗi khi chúng ta tưởng rằng mình đã hiểu mọi sự về Thiên Chúa, có thể đóng khung Ngài trong các khuôn mẫu của chúng ta, chúng ta hãy tự nhủ: Ngài không ở đây! Và khi chúng ta nghĩ là giam hãm Ngài trong các lời nói, công thức và tập quán của chúng ta, nhưng lại quên Ngài nơi những góc cạnh đen tối nhất của cuộc sống, nơi có người đang khóc, đang chiến đấu, đau khổ và hy vọng, chúng ta hãy lập lại: "Người không ở đây!" Chúng ta không thể mừng lễ Phục sinh nếu chúng ta tiếp tục ở lại trong sự chết; nếu chúng ta tiếp tục là tù nhân của quá khứ, nếu trong cuộc sống, chúng ta không có can đảm để cho mình được Thiên Chúa tha thứ, thay đổi, đoạn giao với những công việc gian ác... nếu chúng ta thu hẹp đức tin vào một cái bùa, biến Thiên Chúa thành một kỷ niệm đẹp của quá khứ, thay vì gặp gỡ Ngài ngày hôm nay, như Thiên Chúa hằng sống muốn biến đổi chúng ta và thế giới. Một Kitô giáo tìm Chúa nơi những tàn tích của quá khứ và khép kín Ngài trong ngôi mộ của tập quán, thì đó là đạo Kitô không có lễ Phục sinh.

Sau cùng, các phụ nữ loan báo niềm vui Phục sinh... Sau khi nhìn thấy và lắng nghe, các phụ nữ chạy đi loan báo tin vui Phục sinh cho các môn đệ. Các bà biết mình có thể bị coi là điên, nhưng các bà không bận tâm về danh tiếng của mình, bảo vệ hình ảnh của mình, không đo lường tình cảm, không tính toán lời nói.

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Thật là đẹp một Giáo hội rong ruổi trên các nẻo đường của thế giới! Không chút sợ hãi, không theo các chiến thuật hoặc xu thời, nhưng chỉ ước muốn mang cho mọi người niềm vui Phúc âm. Ðó là điều chúng ta được kêu gọi thi hành, đó là cảm nghiệm Chúa Phục Sinh và chia sẻ kinh nghiệm ấy với tha nhân; hãy lăn tảng đá ấy sang một bên mộ, trong đó chúng ta thường đóng kín Chúa, để loan báo niềm vui trên thế giới. Chúng ta hãy khơi dậy Chúa Giêsu Ðấng Hằng Sống, ra khỏi những ngôi mộ mà chúng ta đã khép kín Ngài. Hãy "giải phóng" Ngài khỏi những hình thức chúng ta thường giam hãm Ngài. Hãy đưa Chúa vào trong cuộc sống hằng ngày: với những cử chỉ hòa bình trong thời đại đầy kinh hoàng của chiến tranh; với những công việc hòa giải trong các tương quan bị tan vỡ và cảm thông với những người đang sống trong túng thiếu; bằng những hành động công bằng giữa những chênh lệch và chân lý giữa những gian dối. Và nhất là bằng những công việc yêu thương và huynh đệ."

Hiện diện trong thánh lễ Vọng Phục sinh, ngồi hàng đầu, có một phái đoàn bốn người Ucraina, gồm viên thị trưởng trẻ Ivan Federov, của Melitopol, bị quân Nga bắt từ ngày 11 đến ngày 17 tháng Ba năm 2022 và được trả tự do sáu ngày sau đó, trong cuộc trao đổi tù nhân giữa hai bên, tiếp đến là ba đại biểu quốc hội Ucraina. Ðoàn bốn vị này đã được Ðức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tiếp cùng ngày 16 tháng Tư năm 2022.

Cuối bài giảng, Ðức Thánh cha chào thăm phái đoàn và nói: "Ông thị trưởng, quí ông bà đại biểu quốc hội, quí vị đang sống trong tối tăm của chiến tranh, tàn ác, cùng quí vị, chúng tôi cầu nguyện với quí vị và cho quí vị trong đêm nay. Chúng tôi cầu nguyện cho bao nhiêu người đau khổ. Chúng tôi chỉ có thể cống hiến cho quí vị sự đồng hành, kinh nguyện của chúng tôi và nói với quí vị rằng: "Hãy can đảm lên, chúng tôi đang đồng hành với quí vị!" và cũng nói với quí vị điều cao trọng nhất chúng tôi cử hành hôm nay, đó là "Chistós voskrés! Chúa Kitô đã sống lại!

Trong thánh lễ, Ðức Thánh cha đã ban bí tích rửa tội cho bảy dự tòng người lớn đến từ Ý, Hoa Kỳ, Albani và Cuba.

(Tổng hợp 17-4-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page