Thánh lễ tại nhà Tiệc Ly ở Thánh địa

 

Thánh lễ tại nhà Tiệc Ly ở Thánh địa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Jerusalem (RVA News 15-04-2022) - Thứ Năm Tuần thánh, ngày 14 tháng Tư năm 2022, cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa, đã cử hành thánh lễ tại Nhà Tiệc Ly và tuyên bố rằng "Không thể dung thứ sự thù nghịch giữa các anh chị em, không bạo lực nào được phép, và không chiến tranh nào có thể được biện minh được".

Trong những năm trước đây, do sự tranh biện về quyền sử dụng Nhà Tiệc Ly, chỉ có nghi thức rửa chân được cử hành tại đây, với một kinh nguyện ngắn nhưng không được cử hành thánh lễ.

Trong thánh lễ, cha Patton nhắc lại rằng Nhà Tiệc Ly, cũng gọi là "Phòng Trên", là nơi Chúa Giêsu ban cho chúng ta giới luật căn bản của Tân ước. Qui luật mới này về sự thương yêu nhau là chìa khóa để hiểu sự rửa chân và toàn thể Mầu nhiệm Vượt qua. Nếu mức độ tình thương của chúng ta phải là lòng yêu mến Chúa Giêsu, thì không có sự thù nghịch nào giữa anh chị em có thể được dung thứ, không được phép bạo hành và chẳng có chiến tranh nào có thể được biện minh. Vì thế, con đường duy nhất phải là tha thứ và hòa giải, chẳng vậy lịch sử sẽ trở thành hỏa ngục thay là vì lịch sử ơn cứu độ".

Cha Bề trên dòng Phanxicô nói thêm rằng: "Việc rửa chân cũng phải hiểu theo nghĩa đó... Sự rửa chân của Chúa Giêsu trở thành phương dược chúng ta cần để vượt thắng sự ích kỷ".

Trong thánh lễ, cha Patton đã rửa chân cho 12 tu sĩ Phanxicô, theo gương phục vụ của Chúa Giêsu.

Di tích cổ kính nhất của Nhà Tiệc Ly có từ thời Vương cung thánh đường Hagia Sion, là Ðền thờ bị phá hủy hồi thế kỷ thứ V. Ngày nay, Nhà Tiệc Ly là một nhà nguyện bên hông trong thánh đường Ðức Mẹ Núi Sion, có từ thời Thập Tự Quân và sau đó nhà thờ này bị tàn phá. Từ năm 1333, nhà nguyện này được giao cho các cha dòng Phanxicô và các cha xây trụ sở trung ương cạnh đó và tu bổ Nhà Tiệc Ly theo kiểu gô-tích. Ðến thế kỷ XVI, người Hồi giáo biến nơi này thành một đền thờ Hồi giáo.

Năm 1948, Núi Sion bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh thứ I giữa Do thái và Arập. Từ đó, nơi này do Bộ tôn giáo và du lịch của Israel quản lý. Vì người Do thái không được lui tới Bức Tường Than khóc cho đến khi Cổ thành Jerusalem được họ chinh phục hồi năm 1967, nơi gọi là Mộ Vua Ðavit, tức là nơi có Nhà Tiệc Ly, được biến thành nơi hành hương thu hút các khách đến viếng thăm. Phần dưới của căn nhà được biến thành Hội đường Do thái và Phòng trên bị biến thành viện bảo tàng.

Chính thức mà nói, Phòng Trên này không phải là một nhà thờ hay một Hội đường Do thái. Tuy khách hành hương được phép viếng thăm, việc cử hành các buổi cầu nguyện chỉ được phép trong một số trường hợp ngoại lệ. Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ tại đây, với phép đặc biệt hồi Năm Thánh 2000 và Ðức Giáo hoàng Phanxicô cũng cử hành như vậy hồi năm 2014.

Các cuộc thương thuyết giữa Israel và Tòa Thánh về việc sử dụng Phòng Trên vẫn còn mở ngỏ. Mục đích dự kiến đạt tới là các buổi lễ Kitô, thuộc mọi hệ phái, có thể được cử hành trong thời gian ngắn ngủi. Một số nhóm Do thái phản đối điều này, vì coi đó là một sự xúc phạm đến mộ của Vua Ðavít.

(Kathpress 14-4-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page