Ðức Thánh cha chủ sự Lễ lá

khai mạc Tuần thánh

 

Ðức Thánh cha chủ sự Lễ lá khai mạc Tuần thánh.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 10-04-2022) - Sau hai năm cử hành Chúa nhật Lễ lá ở bên trong Ðền thờ thánh Phêrô vì đại dịch Covid-19, sáng Chúa nhật ngày 10 tháng Tư năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã trở lại truyền thống trước đây, và cử hành đại lễ này lúc 10 giờ, tại Quảng trường thánh Phêrô, mặc dù trời còn lạnh và có gió mạnh.

Tham dự thánh lễ, có hơn 30,000 tín hữu. Ðây là cuộc tụ tập đông đảo nhất tại Quảng trường thánh Phêrô từ hai năm nay.

Vì còn đau đầu gối, không đi lại được dễ dàng, nên Ðức Thánh cha đã phải dùng xe để đến tận bàn thờ trên thềm Ðền thờ thánh Phêrô và từ đó chủ sự nghi thức làm phép lá, trước khi đoàn rước lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu vào thành Jerusalem trước cuộc khổ nạn, bắt đầu từ cây tháp bút ở giữa quảng trường tiến lên bàn thờ. Dẫn đầu đoàn rước là các em giúp lễ, rồi tới các giáo dân và tu sĩ, tiếp đến là các kinh sĩ Ðền thờ thánh Phêrô, 20 giám mục và 30 hồng y. Các tín hữu tại buổi lễ cầm các cành lá dừa. Riêng các giám mục và hồng y và một số người khác thì cầm các cành lá dừa màu vàng, được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo trao tặng, theo một truyền thống từ thế kỷ XVI.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng sau bài thương khó, Ðức Thánh cha đặc biệt diễn giải cảnh tượng Chúa Giêsu bị treo trên thập giá tại đồi Canvê. Tại đây, diễn ra sự đụng độ giữa hai não trạng: những lời của Chúa Giêsu đối nghịch với những lời của những kẻ giết Ngài. Các thủ lãnh của dân nói: "Nếu hắn là Người được Thiên Chúa xức dầu, là Ðức Kitô, là người được tuyển chọn thì hãy tự cứu mình đi" (Lc 23,35). Và những người lính thì nói: "Nếu ông là vua người Do thái, thì hãy tự cứu mình đi" (b.37). Sau cùng, một trong hai kẻ bất lương cùng bị đóng đanh cũng lập lại: "Ông chẳng phải là Ðức Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi!" (v.39). "Hãy tự cứu mình đi", đó là điệp khúc mà nhân loại đóng đanh Chúa lập đi lập lại.

Chúa Giêsu xin Cha tha thứ

Ðối nghịch với não trạng đó, Chúa Giêsu, trên thập giá, lên tiếng: Ngài không đòi hỏi gì cho bản thân, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (v.34). Ngài hứa nước Trời cho người trộm lành.

Ðức Thánh cha nhận xét rằng Chúa Giêsu nói: "Lạy Cha, xin tha cho họ". Chúa nói những lời này trong lúc chịu đóng đanh, đau khổ tột cùng, Chúa xin ơn tha thứ cho những người đang đóng đanh Ngài....

"Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nghĩ Thiên Chúa cũng làm như vậy với chúng ta, khi chúng ta khơi lên đau khổ cho Chúa bằng những hành động của chúng ta, Chúa đau khổ và chỉ có một ước muốn là có thể tha thứ cho chúng ta. Ðể nhận thức điều đó, chúng ta hãy nhìn Ðấng Chịu Ðóng Ðanh. Chính từ các vết thương, từ những lỗ đinh đau đớn, do những chiếc đinh của chúng ta đang xuất phát ơn tha thứ....

Noi gương tha thứ của Chúa

"Trong lúc bị đóng đanh, trong lúc khó khăn nhất, Chúa Giêsu sống giới răn khó khăn nhất của Ngài, đó là yêu thương kẻ thù. Chúng ta hãy nghĩ đến người nào đó đã làm chúng ta bị thương tổn, xúc phạm, thất vọng, nghĩ đến người làm chúng ta nổi giận, không cảm thông và không nêu gương tốt cho chúng ta... Ngày hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng dừng lại đó, nhưng hãy phản ứng lại. Hãy phá vỡ cái vòng luẩn quẩn của sự ác và hối tiếc. Hãy phản ứng lại những chiếc đinh của cuộc sống bằng tình thương, phản ứng lại những hành động oán ghét bằng sự dịu dàng tha thứ.

"Nhưng chúng ta, là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta theo Thầy Chí Thánh, hay theo bản năng oán hận của chúng ta? Nếu chúng ta muốn kiểm chứng xem chúng ta có thuộc về Chúa Kitô hay không, chúng ta hãy xem cách cư xử của chúng ta với những người làm chúng ta bị tổn thương... Chúa yêu cầu chúng ta hãy phá vỡ cái vòng xích "tôi mến thương bạn nếu bạn thương tôi; tôi là bạn nếu bạn là bạn của tôi, tôi giúp bạn nếu bạn giúp tôi".

Cách cư xử của Chúa Giêsu

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết điều chúng làm". Chúng ta ghi nhận thêm điều này: Chúa Giêsu không những xin ơn tha thứ, nhưng cũng nói cả lý do: Xin Cha tha cho chúng "vì chúng không biết điều chúng làm". Lạ quá, những kẻ đóng đinh Chúa đã chủ ý giết Ngài, đã tổ chức vụ bắt Ngài, xét xử và giờ đây chúng ở trên đồi Canvê để chứng kiến cái chết của Ngài. Thế mà Chúa Giêsu còn biện minh cho những kẻ hung bạo ấy "vì chúng không biết". Ðó là cách thức cư xử của Chúa Giêsu với chúng ta: Ngài trở nên trạng sư của chúng ta. Chúa không đứng về phía chống lại chúng ta, nhưng Ngài chống lại tội lỗi cho chúng ta. Thật là điều đáng để ý lý luận Chúa dùng ở đây: "vì chúng không biết việc chúng làm".

Chúa còn chịu đóng đanh

"Khi sử dụng bạo lực, người ta không biết gì về Thiên Chúa, là Cha, và cũng chẳng biết về những người khác là anh chị em. Họ quên tại sao họ ở trên trần thế và đi tới độ làm những điều tàn ác vô lý. Chúng ta thấy điều đó trong sự điên rồ của chiến tranh, nơi mà người ta tái đóng đanh Chúa Kitô. Ðúng vậy, Chúa Kitô lại bị đóng đanh một lần nữa vào thập giá nơi các bà mẹ khóc thương cái chết bất công của chồng, của con. Chúa bị đóng đanh nơi những người tị nạn trốn chạy bom đạn với những đứa con bồng trên tay. Chúa bị đóng đanh nơi những người già bị bỏ cho chết một mình, nơi những người trẻ thiếu tương lai, nơi những binh sĩ bị gửi đi giết hại anh chị em của mình".

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, trong tuần lễ này chúng ta hãy đón nhận xác tín rằng Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi, mọi xa cách, biến than khóc thành nhảy mừng (Tv 30,12); xác tín rằng với Chúa Giêsu, luôn có chỗ cho mỗi người; với Chúa Giêsu, không bao giờ là chấm dứt, không bao giờ quá trễ. Với Thiên Chúa, ta luôn có thể hồi sinh. Hãy can đảm lên, chúng ta tiến bước về Phục sinh với ơn tha thư của Chúa, vì Chúa Kitô luôn chuyển cầu cho chúng ta nơi Chúa Cha (Xc Dt 7,25) và khi nhìn thế giới bạo lực và bị thương tổn, Chúa Kitô không mệt mỏi khi lập lại: "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết điều chúng làm".

Lời nguyện phổ quát

Trong phần lời nguyện phổ quát, bằng năm thứ tiếng Slovenia, Bồ Ðào Nha, Malayalam bên Ấn Ðộ, Pháp và tiếng Hoa. Cộng đoàn lần lượt cầu cho Giáo hội, xin Chúa nâng đỡ Hội thánh trong cơn sầu muộn, ban sức mạnh trong thử thách và hăng say làm chứng tá Tin mừng, khiêm tốn đón nhận thánh ý Chúa; cầu cho các chính quyền, giúp họ trở nên chân thành và vô vị lợi trong việc tìm kiếm công ích, can đảm thăng tiến hòa hợp và hòa bình, quan tâm bảo tồn thiên nhiên; cầu cho những người tị nạn và lưu vong được tiếp đón và bảo vệ; cầu cho những người oán ghét chúng ta và xin Chúa ban cho chúng ta khả năng đáp lại sự ác bằng điều thiện và sau cùng, cầu cho bản thân và các cộng đoàn chúng ta luôn được Lời Chúa hướng dẫn và được biến đổi nhờ Bánh Hằng Sống để mọi quyết định của chúng ta được ơn soi sáng và sức mạnh, nhờ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Kinh Truyền tin

Cuối thánh lễ, lúc 11 giờ 45 phút, Ðức Thánh cha chủ sự kinh Truyền tin ngay tại bàn thờ, thay vì lên lầu ba dinh Tông tòa để đọc kinh từ cửa sổ phòng làm việc ở căn hộ Giáo hoàng.

Ngỏ lời với các tín hữu trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã chào thăm tất cả mọi tín hữu, đặc biệt các tín hữu hành hương đến từ nhiều nước trong đó có nhiều người trẻ.

Ðức Thánh cha bày tỏ sự gần gũi với nhân dân Perù yêu quí, đang trải qua thời điểm khó khăn vì những căng thẳng xã hội.

Ngài nhắc đến chiến tranh tiếp diễn tại Ucraina và nói rằng: "Không gì là không có thể đối với Thiên Chúa. Chúa có thể làm cho chiến tranh chấm dứt. Một cuộc chiến tranh tàn ác, trong đó người ta phạm những tội ác chống lại các thường dân vô phương thế tự vệ.

Ngày hôm nay có chiến tranh và người ta muốn chiến thắng theo kiểu thế gian. Tại sao không để cho Thiên Chúa chiến thắng. Hãy từ bỏ khí giới, ngưng chiến để đạt tới hòa bình qua một cuộc thương thuyết thực sự, sẵn sàng chịu vài hy sinh vì thiện ích của dân chúng. Thực vậy, chiến thắng nào nếu đó là chiến thắng cắm cờ trên đống gạch vụn. Không gì là không có thể đối với Thiên Chúa. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Ðức Mẹ Maria".

Rồi Ðức Thánh cha xướng kinh Truyền và ban phép lành cuối lễ cho mọi người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page