Số tín hữu Kitô tại Irak

giảm hai phần ba từ năm 2003

 

Số tín hữu Kitô tại Irak giảm hai phần ba từ năm 2003.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Mosul (RVA News 07-04-2022) - Trong vòng 19 năm qua, số tín hữu Kitô tại Irak giảm sút hai phần ba, tức là kể từ năm 2003, khi Mỹ và các đồng minh Âu châu tấn công và xâm chiếm nước này, gọi là để lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein, viện cớ là chế độ này có "võ khí tàn sát tập thể."

Theo trang mạng Thánh địa (terrasanta.net), hơn một năm đã trôi qua, từ cuộc viếng thăm lịch sử của Ðức Thánh cha Phanxicô tại Irak hồi thượng tuần tháng Ba năm ngoái, tại vùng Bình nguyên Ninive, hàng giáo sĩ Kitô trở lại và các nhà thờ lần lượt được tái thiết, nhưng nhiều gia đình vẫn chưa trở lại miền này. Phải chăng Kitô giáo tại đây dần dần biến mất?

Trong cuộc viếng thăm năm 2021, Ðức Thánh cha đã cầu nguyện trước đống gạch vụn của Ðan viện thánh Giorgio ở thành Mosul, vốn bị các dân quân Nhà nước Hồi giáo IS phá hủy và xúc phạm. Ngày nay, hai nhà nguyện của Ðan viện, đã được tu bổ và có thể sử dụng được. Tại nhà nguyện này, từ thế kỷ XVI trở đi, bao nhiêu thế hệ Kitô đã được chịu phép rửa tội. Công trình tu bổ các phần khác của Ðan viện vẫn được tiếp tục.

Tại đây, trong ba năm, từ 2014 đến 2017, lực lượng IS đã biến thành nhà tù giam các tù nhân thuộc sắc dân thiểu số Yazidi và có một phòng được dùng như nhà thờ phượng của Hồi giáo. Ðiều may mắn trước đó là trước khi nhóm dân quân Hồi giáo đến đây, hai đan sĩ đã trốn thoát được mang theo nhiều đồ vật thánh và các thủ bản cổ kính quí giá. Phần còn lại đã bị cướp phá, cả các ngôi mộ ở nghĩa trang gần đó cũng bị xúc phạm.

Người ta ước lượng nhóm dân quân IS đã tàn phá hoặc làm hư hại hàng chục thánh đường và đan viện của các tín hữu Kitô Canđê. Một số bị tàn phá hoàn toàn, một số khác được tái thiết khẩn trương nhờ tài trợ từ nước ngoài, đặc biệt từ Mỹ trong năm ngoái. Trong thời gian sắp tới, sẽ có lễ khánh thành một nhà thờ biểu tượng, nhà thờ thánh Phaolô ở trung tâm thành phố Mosul, với thánh lễ do Ðức cha Najib Mikhael Moussa, dòng Ða Minh, Tổng giám mục giáo phận Mosul, cử hành. Tham dự buổi lễ này cũng sẽ có các vị lãnh đạo Hồi giáo ở địa phương và đại diện quân đội Irak.

Các thánh đường dần dần được tái thiết. Vấn đề lớn là các nhà thờ này trống rỗng vì rất ít Kitô hữu chịu trở lại Irak. Trước chiến tranh năm 2003, ở Irak có một triệu 500 ngàn tín hữu Kiô trên tổng số 25 triệu dân. Ngày nay, con số Kitô hữu tại nước này không quá 400,000 người, trong số 40 triệu dân ở Irak. Tại thành Mosul, trước năm 2003 có 24,000 tín hữu Kitô. Nay sau cuộc chiếm đóng và tàn phá của lực lượng Hồi giáo IS, chỉ có 350 tín hữu Kitô trở lại đây. Phần lớn họ là những doanh nhân, và nông dân muốn tái canh tác đất đai của họ, những người già còn ở lại giữa thời chiến tranh, họ có tiền hưu bổng và muốn tìm cách phục hồi.

Tại làng Karamlesh toàn tòng Kitô, trước chiến tranh có 1,400 gia đình Kitô, nhưng nay chỉ có 190 gia đình trở về miền này. Nhiều Kitô hữu nguyên quán tại Bình nguyên Ninive nay định cư tại miền Kurde ở mạn bắc, phần lớn tập trung tại khu vực Ankawa thuộc thành phố Erbil. Họ sợ nên không dám hồi hương.

(Terrasanta.net, Aldomariavalli.it 6-4-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page