Ðức Thánh cha họp báo

trên máy bay từ Malta về Roma

 

Ðức Thánh cha họp báo trên máy bay từ Malta về Roma.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 05-04-2022) - Ðức Thánh cha Phanxicô tuyên bố ngài sẵn sàng viếng thăm Ucraina và làm tất cả những gì có thể để mang lại hòa bình cho đất nước này.

Ðức Thánh cha tuyên bố như trên, trong cuộc họp báo theo thông lệ, trên máy bay từ Malta về Roma, chiều tối ngày 03 tháng Tư năm 2022, kết thúc chuyến tông du thứ 36, hồi cuối tuần qua tại nước này.

Ðức Thánh cha nói:

Thăm Ucraina

"Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể, và Tòa Thánh, đặc biệt ngành ngoại giao, Ðức Hồng y Parolin, Ðức Tổng giám mục Ngoại trưởng Gallagher đang làm mọi sự. Bạn không thể phổ biến tất cả những gì họ làm vì lý do kín đáo, nhưng chúng tôi làm hết sức. Một cuộc viếng thăm Ucraina là một trong những khả thể. Có hai cuộc viếng thăm có thể: một là cuộc viếng thăm Ba Lan, như Tổng thống nước này đã thỉnh cầu, đó là gửi Ðức Hồng y Krajewski (Chánh sở Từ thiện) đến viếng thăm những người Ucraina được tiếp đón tại Ba Lan. Ðức Hồng y đã tới Ba Lan hai lần, đã mang theo hai xe cứu thương, và ở lại với những người tị nạn, và Ðức Hồng y tiếp tục đi nữa, và Ðức Hồng y muốn thực hiện điều đó. Một cuộc viếng thăm khác mà nhiều người hỏi tôi: tôi có đến thăm Kiev, thủ đô Ucraina nay không. Tôi thành thực nói, nếu có thể tôi sẵn sàng. Vấn đề đang được cứu xét nhưng tôi không biết có thể thực hiện được không."

Tương quan với Nga

Về vấn đề gặp gỡ Ðức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, Ðức Thánh cha cho biết "từ lâu đã có dự định này, và dự án đang được chuẩn bị. Ðịa điểm được cứu xét là tại Trung Ðông".

Ðức Thánh cha cho biết thêm rằng những gì ngài nói với Tổng thống Putin của Nga là điều công khai, không có gì là kín đáo: "Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Nga hồi cuối năm ngoái, khi ông điện thoại để chúc mừng sinh nhật của tôi. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Ucraina hai lần. Rồi những ngày đầu tiên của chiến tranh, tôi đã đến Ðại sứ quán Nga cạnh Tòa Thánh để nói với ông đại sứ là đại diện của dân Nga, để chia sẻ những cảm tưởng của tôi."

Ðáp câu hỏi: nếu có thể nói chuyện với Tổng thống Putin bây giờ thì ngài nói gì, Ðức Thánh cha đáp: Những sứ điệp mà tôi nói với các chính quyền là những điều tôi nói công khai, chứ không phải hai mặt. Tôi vẫn luôn nói cùng một điều.

Tái lên án chiến tranh và buôn bán võ khí

Trong câu trả lời, Ðức Thánh cha tái lên án chiến tranh và chế tạo buôn bán võ khí. Ngài nói: "Khi Thế chiến thứ hai chấm dứt, mọi người đều thở phào, tin là không bao giờ chiến tranh nữa, sẽ có hòa bình. Làn sóng các hoạt động cho hòa bình bắt đầu, kể cả với thiện chí không phổ biến võ khí. Có một thiện chí lớn. Nhưng 70 năm sau, chúng ta quên tất cả những điều đó. Có rất nhiều hy vọng nơi Liên Hiệp Quốc. Nhưng rồi chiến tranh lại bị áp đặt và người ta không nghĩ đến một chiến lược khác. Có những đại nhân như Gandhi và những người khác mà tôi nhắc đến vào cuối thông điệp "Fratelli tutti", chiến đấu cho chiến lược hòa bình. Nhưng nhân loại chúng ta thật là ngoan cố. Nay chúng ta đang yêu mến chiến tranh, với tinh thần của Cain. Không phải tình cờ, đầu Kinh thánh đã có vấn đề tinh thần Cain giết hại thay vì tinh thần hòa bình... Chúng ta đã không học bài học đó! Xin Chúa thương xót chúng ta, tất cả chúng ta đều có lỗi!

Sức khỏe của Ðức Thánh cha

Về sức khỏe, Ðức Thánh cha nói: "Sức khỏe của tôi trở nên "khó tính, làm reo!" Tôi có vấn đề ở đầu gối làm cho bước đi khó khăn, nhưng nay đã khá hơn, ít là tôi có thể đi được, sau hai tuần tôi không thể làm gì".

Hài lòng về chuyến thăm Malta

Ðức Thánh cha cho biết ngài hài lòng về chuyến viếng thăm Malta và nói: "tôi đã thấy những thực tại của Malta, sự hăng hái của dân chúng ở đảo Gozo cũng như tại thủ đô La Valletta của Malta và các nơi khác. Dân chúng ở đường phố cũng rất phấn khởi, làm tôi ngạc nhiên."

Vấn đề di dân

Về vấn đề di dân, Ðức Thánh cha nhận định rằng đây là vấn đề lớn của các nước gần Phi châu, như Hy Lạp, Cipro, Malta, Ý, Tây Ban Nha. Mỗi chính phủ cần phải nói mình có thể đón nhận bình thường bao nhiêu người di dân. Ðể được vậy cần có một sự thỏa thuận giữa các nước Âu châu và không phải tất cả các nước đều sẵn sàng đón nhận di dân. Chúng ta quên rằng Âu châu đã được thành hình nhờ di dân. Ðiều ít nhất có thể làm là đừng để các nước gần Phi châu phải lãnh nhận gánh nặng trong vấn đề này."

Ðức Thánh cha cũng nhận xét rằng Âu châu đang rất quảng đại dành chỗ cho những người Ucraina đến gõ cửa, cũng như cho những người đến từ Ðịa Trung Hải. Ðó là vấn đề tôi đã đề cập đến nhiều trong cuộc viếng thăm này".

(Tổng hợp 4-4-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page