Ðức Thánh cha lên đường viếng thăm Malta

 

Ðức Thánh cha lên đường viếng thăm Malta.

G. Trần Ðức Anh, O.P.


Từ trên máy bay bước xuống, Ðức Thánh cha đã được Tổng thống Malta, ông George William Vella cùng phu nhân đón tiếp.


La Valletta (RVA News 02-04-2022) - Lúc 8 giờ sáng, thứ Bảy mùng 02 tháng Tư năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã lên đường viếng thăm mục vụ tại quốc đảo Malta trong vòng 36 tiếng đồng hồ, cho đến 8 giờ, tối Chúa nhật mùng 03 tháng Tư năm 2022.

Ðây là chuyến tông du đầu tiên của Ðức Thánh cha tại nước ngoài trong năm nay và là chuyến thứ 36 của ngài trong chín năm qua.

Khẩu hiệu được chọn cho chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha là câu trích từ đoạn 2, sách Tông đồ Công vụ: "Họ đối xử chúng tôi với tình nhân đạo hiếm có" (Cv 28, 2), nói đến sự tích thánh Phaolô tông đồ và các bạn đồng hành bị đắm tàu, trôi dạt vào đảo Malta và được dân chúng địa phương đón tiếp. Ðây là một vấn đề rất thời sự, vì có nhiều người di dân và tị nạn từ miền bắc Phi châu trôi dạt vào Malta và được đón tiếp.

Theo thói quen từ lâu, chiều ngày 01 tháng Tư năm 2022, Ðức Thánh cha đã đến cầu nguyện trước ảnh Ðức Mẹ là phần rỗi của dân Roma, tại Ðền thờ Ðức Bà Cả để xin ơn phù trợ cho chuyến tông du của ngài. Ðây là lần thứ 93 ngài đến cầu nguyện tại đây.

Trước khi rời nhà trọ thánh Marta ở Vatican để ra phi trường, Ðức Thánh cha đã chào thăm ba gia đình người Ucraina tị nạn, được Cộng đồng thánh Egidio chăm sóc và được Ðức Hồng y Krajewski, Chánh sở Từ thiện dẫn tới. Trong số họ, có một bà mẹ 37 tuổi với hai bé gái 5 và 7 tuổi, từ Lvov đến Roma cách đây 20 ngày.

Ra đến phi trường quốc tế Fiumicino của thành Roma lúc 8 giờ 40, Ðức Thánh cha đã được các giới chức đạo đời tiễn biệt, trong nghi thức đơn sơ trước khi ngài bước lên máy bay Airbus 320 của hãng hàng không Ita, hãng này thay thế cho Alitalia chấm dứt hoạt động.

Vì gió thổi mạnh và vì lý do an ninh, Ðức Thánh cha đã dùng thang máy để bước lên máy bay và cũng không thể ngoảnh lại trước cửa máy bay để chào từ giã những người ở lại.

Trên máy bay đã có hơn 70 ký giả Ý và nước ngoài cùng đi, và trong số đoàn tùy tùng của Ðức Thánh cha, ngoài Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Parolin, và Ðức Tổng giám mục Phụ tá Pena Parra, người Venezuela, đặc biệt lần này có Ðức Hồng y Mario Grech, nguyên là Giám mục giáo phận Gozo của Malta, và hiện là Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục.

Máy bay cất cánh hướng về phi trường thủ đô La Valletta của Malta, cách đó gần 700 cây số về hướng nam.

Như thường lệ, Ðức Thánh cha đã ngỏ lời chào các ký giả tháp tùng và cám ơn họ cùng đi với ngài trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi này. Ký giả của Ðài phát thanh Công giáo Cope, bên Tây Ban Nha, bà Eva Fernández, đã trao cho Ðức Thánh cha bức tranh do một người di dân, tên là Daniel, hoạ lại một cuộc đắm tàu, trong đó anh ta không cứu được những người khác. Trước đây, Ðức Thánh cha cũng đã nhận được một tác phẩm của anh Daniel và nhận ra ngay biệt tài hội họa của anh.

Vài nét về tình hình đất nước và Giáo hội Công giáo tại Malta

Quốc đảo Malta chỉ rộng 316 cây số vuông, gồm hai hải đảo chính là Malta và Gozo, với dân số 478,000 người, trong đó số tín hữu Công giáo chiếm tới hơn 85%, tức là 408,000 người thuộc Tổng giáo phận thủ đô Malta và giáo phận Gozo mang tên cùng hải đảo.

Malta ở là nước ở mạn cực nam trong Liên hiệp Âu châu và tuy diện tích bé nhỏ, nhưng nước này luôn có một tầm quan trọng, nhất là nhờ vị thế chiến lược giữa lòng Ðịa Trung Hải. Malta nguyên là thuộc địa của Anh quốc và được độc lập năm 1964 trong khối Thịnh Vượng chung. Sau khi được độc lập, Malta được hai đảng chính thay nhau nắm chính quyền, đó là Ðảng Lao Ðộng và Ðảng Quốc gia. Trong những năm qua, đảng Lao Ðộng cầm quyền dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Joseph Muscat, cho đến khi ông từ chức, sau vụ ám sát nữ ký giả Daphne Caruana Galizia hồi năm 2017 và nay do thủ tướng Robert Abela lãnh đạo. Do vị trí nằm giữa Lybia bên Phi châu và Ý, trong những năm qua, Malta phải đương đầu với làn sóng di dân với nhiều khó khăn, xét vị diện tích nhỏ hẹp của nước này.

Giáo hội

Nguồn gốc Giáo hội Công giáo tại Malta có từ thời các thánh tông đồ, đặc biệt với biến cố thánh Phaolô bị đắm tàu, trôi dạt vào đảo này vào khoảng năm 60, trên đường tiến về Roma. Giám mục đầu tiên tại đây là thánh Publio, cai quản Giáo hội địa phương trong 30 năm, trước khi chịu tử đạo năm 112.

Năm 1530, hoàng đế Carlo V nhường đảo Malta cho Hội Hiệp sĩ thánh Gioan, nay là Hội Hiệp sĩ Malta.

Giáo phận Malta thuộc Giáo tỉnh Palermo ở Sicilia, nam Ý hồi năm 1817, nhưng 27 năm sau đó được trực thuộc Tòa Thánh. Năm 1965, sau khi được độc lập, Cộng hòa Malta thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Giáo hội tại đây được thánh Gioan Phaolô II viếng thăm hai lần, lầu đầu hồi tháng Năm năm 1990 và lần thứ hai năm 2001. Ðức Giáo hoàng Biển Ðức XVI viếng thăm hồi tháng Tư năm 2010, trong Năm thánh Phaolô.

Hiện nay, tại Malta có sáu giám mục, kể cả các vị về hưu, với 716 linh mục, trong đó 411 vị thuộc hàng giáo sĩ triều, nhưng không có phó tế vĩnh viễn nào. Có gần 800 nữ tu và 33 tu huynh. Hiện nay, có 48 đại chủng sinh đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục.

Thách đố

Thách đố của Giáo hội Công giáo tại Malta hiện nay là số tín hữu đều đặn tham dự thánh lễ Chúa nhật ngày càng suy giảm, tuy rằng tâm tình tôn giáo vẫn còn mạnh và sự hiện diện của Giáo hội ăn rễ sâu trong đời sống xã hội, bắt đầu là hơn 70 trường Công giáo và trong các trường công lập có giảng dạy môn giáo lý Công giáo, theo qui định của hiến pháp nước này.

Giáo hội Công giáo tại Malta cũng phải đương đầu với nhiều thách đố do sự biến chuyển của xã hội. Trước tiên là sự thông truyền đức tin trong một xã hội đa nguyên. Ðức tin không được hiểu như một lòng đạo đức bề ngoài hoặc một sự kiện xã hội, hoặc từ truyền thống gia đình như trong quá khứ, nhưng là một đức tin sinh động, ý thức và được huấn luyện kỹ lượng để có thể chia sẻ và làm chứng trong mọi môi trường.

Tiếp đến, cuộc khủng hoảng gia đình cũng đi vào xã hội Malta, như trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2011, đa số dân nước này chấp nhận ly dị. Malta là nước Âu châu cuối cùng cho phép ly dị. Tiếp đến, năm 2017, Quốc hội Malta thông qua luật cho những người đồng tính kết hôn với nhau. Tại đây, phá thai vẫn còn là điều bất hợp pháp.

Ðón tiếp Ðức Thánh cha tại phi trường

Malta chỉ cách Roma gần 700 cây số và sau một giờ 30 phút bay, Ðức Thánh cha đến phi trường Luqa ở thủ đô La Valletta, lúc 9 giờ 50 phút sáng. Thành phố này chỉ có gần 6,000 dân cư nhưng là thủ phủ của Tổng giáo phận La Valletta, với 368,000 tín hữu Công giáo.

Từ trên máy bay bước xuống, Ðức Thánh cha đã được Tổng thống Malta, ông George William Vella cùng phu nhân đón tiếp. Hai em bé trong y phục truyền thống đã tặng hoa cho ngài.

Tổng thống George William Vella năm nay 80 tuổi (1942), nguyên là một bác sĩ hoạt động trong ngành hàng không dân dụng và được bầu làm đại biểu quốc hội Malta, rồi làm phó thủ tướng, kiêm ngoại trưởng. Năm 2019, ông được bầu làm Tổng thống Malta.

Tiếp đến, Ðức Thánh cha đến ngay Phủ Tổng thống cách đó 10 cây số để hội kiến riêng với vị nguyên thủ quốc gia, trước khi gặp thủ tướng, rồi gặp gỡ chung các giới chức chính quyền, ngoại giao đoàn cũng tại Phủ Tổng thống, tổng cộng khoảng 150 người.

Phủ Tổng thống được kiến thiết hồi năm 1571, như là trụ sở của các vị thủ lãnh Hội Hiệp sĩ thánh Gioan.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page