Ðức Thánh cha chủ sự buổi cầu nguyện

tại Ðền thánh Ðức Mẹ Ta' Pinu

 

Ðức Thánh cha chủ sự buổi cầu nguyện tại Ðền thánh Ðức Mẹ Ta' Pinu.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Gozo (RVA News 03-04-2022) - Ðức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu Công giáo tái khám phá nòng cốt đức tin, vượt lên trên lòng đạo đức vì thói quen, ý thức đức tin là quan hệ bản thân với Chúa Giêsu.

Ðức Thánh cha đưa ra lời mời gọi trên đây, trong buổi cầu nguyện tại Ðền thánh quốc gia Ðức Mẹ Ta' Pinu, ở đảo Gozo, Malta, chiều thứ Bảy, mùng 02 tháng Tư năm 2022.

Sau khi nghỉ trưa tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở La Valette, lúc 3 giờ 30 chiều thứ Bảy 02 tháng Tư năm 2022, Ðức Thánh cha đã mở lại các hoạt động của ngài trong chuyến viếng thăm tại Malta. Ngài đến Cảng Lớn cách đó 12 cây số để đáp tàu nhỏ đến đảo Gozo về hướng Tây bắc.

Ðảo nhỏ này chỉ có 30,000 dân cư. Gozo trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Vui mừng", cách đảo Malta 5 cây số và là đảo thứ ba của nước Malta, chuyên về nông nghiệp. Tại đây, người ta còn thấy ảnh hưởng của người Arập, nhiều hơn là ảnh hưởng của các hiệp sĩ Malta.

Tàu chở Ðức Thánh cha và những người tháp tùng mất 1 tiếng 10 phút để tới cảng Mgarr ở Gozo và liền đó, ngài dùng xe đi thêm 10 cây số nữa để đến Ðền thánh quốc gia Ðức Mẹ Ta' Pinu. Dọc đường, có hàng ngàn tín hữu nồng nhiệt chào đón, nên ngài dùng xe Papamobile để tiến qua các lối đi vào chào thăm mọi người.

Ðền thánh Ta' Pinu

Ðền thánh này là nơi hành hương nổi tiếng nhất ở Malta, tọa lạc lại làng Gharb, tây bắc đảo Gozo. Thánh đường được kiến thiết theo hình thánh giá Latinh, có tháp chuông ở bên trái và bên trong có rất nhiều bảng tạ ơn, chứng tỏ lòng sùng mộ của các tín hữu. Tại đây có một nhà nguyện nhỏ, có từ thế kỷ XVI, bị cha Pietro Duzina, phái viên thanh tra của Ðức Giáo hoàng Gregorio XIII ở Malta hồi năm 1575, ra lệnh phá hủy vì nhà nguyện ở trong tình trạng bị bỏ hoang từ lâu.

Nhưng khi công việc phá hủy bắt đầu thì một công nhân bị gãy một cánh tay. Biến cố này được giải thích như một dấu chỉ và công việc hủy bỏ nhà nguyện bị ngưng lại. Nhà nguyện vốn là tài sản của gia đình Gentili từ lâu và sau cùng được một người tên là Pino Gauci mua lại, từ đó sinh ra tên Ta' Pinu, được biết đến ngày nay. Ông nới rộng và tái thiết nhà nguyện rồi đặt một bức ảnh Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, do họa sĩ Amedeo Perugino, người Ý thực hiện, và ngày nay ảnh vẫn còn được giữ tại Ðền thánh này. Nhà nguyện bị đóng cửa, không cử hành việc thờ phượng nào trong vài thế kỷ, cho đến một hôm xảy ra biến cố lạ lùng, được thuật lại theo truyền thống: hôm đó là ngày 22 tháng Sáu năm 1883, một phụ nữ nông dân tên là Carmela Grima đi qua đó, nghe thấy một tiếng xin bà hãy đọc "ba kinh Kinh mừng, mỗi kinh cho mỗi ngày xác tôi ở trong mộ". Bà kể lại với một người bạn tên là Francesco Portelli. Ông này cho biết mình cũng nghe cùng tiếng nói với lời xin tương tự gần ngôi nhà nguyện. Tin về hai người được giao phó sứ mạng đó lan rộng nhanh chóng trên toàn đảo và Ta'Pinu trở thành nơi hành hương, với phép của Ðức giám mục. Ngài cho phép làm các việc đạo đức kính Ðức Mẹ vào năm 1887, khi đảo Gozo được gìn giữ một cách lạ lùng khỏi dịch tả. Trong khi đó nhiều vụ khỏi bệnh lạ lùng xảy ra.

Ðể kỷ niệm 100 năm đầu tiên biến cố đó, tại Malta, vào tháng Chín năm 1983 có Hội nghị Thánh Mẫu học quốc tế thứ IX và Ðại hội Thánh Mẫu lần thứ XVI. Ðền thánh Ta' Pinu đã được Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến viếng thăm, ngày 26 tháng Năm năm 1999 và cử hành thánh lễ trước thánh đường.

Ðức Thánh cha viếng thăm Ðền thánh Ta' Pinu

Khi đến Ðền thánh Ta' Pinu lúc quá 6 giờ chiều, Ðức Thánh cha cùng với Ðức Hồng y Mario Grech, nguyên là giám mục giáo phận Gozo và nay là Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục và Ðức Tổng giám mục Malta, với giám mục sở tại hiện nay, Ðức Thánh cha được cha Quản đốc Ðền thánh đón tiếp và hướng dẫn vào nhà nguyện. Tại đây, ngài đã đặt đóa hoa hồng vàng trước ảnh Ðức Mẹ để tỏ lòng kính mến, rồi đọc ba kinh Kính mừng, trước khi tiến ra trước bàn thờ chính trong thánh đường, chào thăm và chúc lành cho các bệnh nhân hiện diện tại đây. Sau đó ngài tiến ra bên ngoài Ðền thánh để cử hành buổi cầu nguyện, với khoảng 3,000 tín hữu tụ tập tại khu vực trước thánh đường.

Buổi cầu nguyện đơn sơ, sau lời chào mừng của Ðức giám mục Gozo, Ðức Thánh cha đọc một lời nguyện và nghe bốn chứng từ của các tín hữu, trước khi bài Tin mừng được công bố kể lại: Cạnh thánh giá của Chúa Giêsu có Mẹ Người và thánh Gioan tông đồ. Chúa Giêsu kêu lên: "Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?" (Mt 27,46; Mc 15,34).

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng tiếp đó, Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Cạnh thánh giá, chúng ta chiêm ngắm tình yêu thương xót của Thiên Chúa, mở rộng vòng tay hướng về chúng ta và qua cái chết của Ðấng Cứu Thế, Thiên Chúa mở cho chúng ta niềm vui cuộc sống vĩnh cửu. Từ giờ cuối cùng đó đã mở ra một sự sống bắt đầu; từ giờ chết ấy bắt đầu một giờ khác đầy sức sống: đó là lúc Giáo hội khai sinh... Anh chị em thân mến, từ Ðền thánh Ta' Pinu" chúng ta có thể cùng nhau suy niệm và sự khởi đầu mới phát sinh từ giờ của Chúa Giêsu. Ngay tại nơi này, trước Ðền thờ huy hoàng chúng ta đang thấy hôm nay, trước kia chỉ có ngôi nhà nguyện bé nhỏ ở trong tình trạng bị bỏ hoang và bị ra lệnh phá hủy. Có vẻ là chấm dứt rồi, nhưng một loạt các biến cố đã thay đổi tiến trình của sự việc, như thể Chúa muốn nói với dân này: "Không ai sẽ gọi con là người bị Bỏ Rơi nữa, và vùng đất của con không còn bị gọi là Hoang Tàn nữa, nhưng con sẽ được gọi là Niềm Vui của Ta và vùng đất của con sẽ được gọi là "Ái Nương". Từ nhà nguyện ấy đã trở thành Ðền thánh mục tiêu của các tín hữu hành hương và là nguồn sống mới.

Tái khám phá cốt yếu của đức tin

Từ những điều trên đây, Ðức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy trở lại thưở ban đầu, nghĩa là tái khám phá điều cốt yếu của đức tin. Trở về với Giáo hội nguyên thủy không có nghĩa là trở lại đằng sau, sao bản kiểu mẫu Giáo hội của cộng đoàn Kitô đầu tiên. Ðúng hơn, trở về với nguyên thủy có nghĩa là phục hồi tinh thần của cộng đoàn Kitô tiên khởi, nghĩa là trở về với trọng tâm và tái khám phá trung tâm của đức tin là tương quan với Chúa Giêsu và loan báo Tin mừng của Chúa cho toàn thế giới. Ðó là điều cốt yếu!

Ðức Thánh cha nhắc đến sự tích sau khi Chúa Giêsu từ trần, các môn đệ đầu tiên như Maria Madalena và Gioan, sau khi thấy ngôi mộ trống của Chúa, đã không mất thời giờ và, với tâm hồn hồi hộp, họ chạy đi loan báo tin vui Chúa sống lại. Sự khóc thương dưới chân thánh giá biến thành niềm vui loan báo... Quan tâm chính của các môn đệ Chúa Giêsu không phải là danh giá của cộng đoàn và các thừa tác viên, ảnh hưởng xã hội, nghiên cứu phụng tự. Không phải vậy, mối quan tâm thúc đẩy họ là loan báo và làm chứng về Tin mừng của Chúa Kitô (Xc. Rm 1,1).

Trong chiều hướng trên đây, Ðức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu Công giáo Malta đừng hài lòng mới một đức tin với những phong tục được truyền lại, những buổi lễ long trọng, những cơ hội lễ hội bình dân đẹp đẽ, gây nhiều cảm xúc; Ngài nói: "chúng ta cần một đức tin được dựa trên và được đổi mới trong cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô, hằng ngày lắng nghe Lời Chúa, tích cực tham gia đời sống Giáo hội và trong linh hồn của lòng đạo đức bình dân."

Cuộc khủng hoảng đức tin, sự thờ ơ đối với việc thực hành đạo, nhất là sau đại dịch và sự dửng dưng của nhiều người trẻ đối với sự hiện diện của Thiên Chúa, không phải là những vấn đề chúng ta phải "coi nhẹ", nghĩ rằng xét cho cùng, tinh thần đạo đức vẫn còn có thể kháng cự lại xu hướng đó. Thực vậy, nhiều khi bề ngoài có thể là đạo đức, nhưng đằng sau chiếc áo ấy, đức tin thật là cũ kỹ... Cần phải cảnh giác để việc thực hành đạo không thu hẹp vào việc lập lại những tiết mục quá khứ".

Sau bài giảng của Ðức Thánh cha, mọi người đã hát kinh Magnificat, đọc kinh Lạy Cha và Ðức Thánh cha ban phép lành cho các tín hữu. Tiếp đến, Ðức Thánh cha ra bến tàu để trở lại Malta và về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và qua đêm, kết thúc ngày thứ nhất viếng thăm tại đảo quốc Malta.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page