Tòa án tối cao Ấn Ðộ bác bỏ
yêu cầu theo dõi các thừa sai Kitô
Tòa án tối cao Ấn Ðộ bác bỏ yêu cầu theo dõi các thừa sai Kitô.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
New Delhi (RVA News 30-03-2022) - Tòa án tối cao Ấn Ðộ đã bác bỏ thỉnh nguyện của Hindu Dharma Parishad, một trong các tổ chức Ấn giáo lớn tại nước này, yêu cầu thành lập một ủy ban canh chừng và theo dõi hoạt động của các thừa sai Kitô tại Ấn.
Thư thỉnh nguyện này đã được đệ trình hồi năm 2021 tại tòa án cấp cao ở Madras, những đã bị bác bỏ. Dầu vậy tổ chức Hindu Dharma Parishad vẫn tiếp tục muốn theo đuổi chiến dịch này và nại lên tòa án tối cao ở New Delhi.
Trong thư tỉnh nguyện, nhóm Ấn giáo cực đoan này cho rằng "những thành phần phản xã hội và phản quốc gia" đang dùng bạo lực cưỡng bách nhiều tín đồ Ấn giáo theo các tôn giáo khác, đặc biệt là Kitô giáo. Vì thế, để củng cố tình đoàn kết, chủ quyền và sự ổn định của Ấn Ðộ, tất cả các thừa sai Kitô phải bị kiểm soát và theo dõi lợi tức của họ".
Các thẩm phán Indira Banerjee và AS Bopanna, nhân danh Tòa án Tối cao, đã trả lời rằng những sáng kiến thuộc loại này có tính chất quảng cáo hơn là quan tâm tới lợi ích công cộng. Loại thỉnh nguyện thư như thế làm xáo trộn sự hòa hợp giữa các cộng đoàn.
Chính tòa án tối cao Ấn, trong một phán quyết khác về một thỉnh nguyện do một lãnh tụ đảng Ấn giáo BJP, đảng của thủ tướng Narendra Modi, đã quyết định rằng cả các tín hữu Ấn giáo cũng có thể được hưởng những bảo vệ dành cho các nhóm dân thiểu số tại những bang ở Ấn, trong đó phần lớn dân chúng thuộc các nhóm tôn giáo khác. Tùy thuộc nghị viện của mỗi địa phương quyền xác định đâu là các nhóm thiểu số. Trong số các bang và lãnh thổ ở Ấn, có 9 miền trong đó Ấn giáo không phải là nhóm tôn giáo đa số: trong đó có bang Kashmir đa số theo Hồi giáo, Punjab với đa số dân theo đạo Sikh.
Linh mục Cedric Prakash, dòng Tên, giám đốc trung tâm nhân quyền tại Gujarat, chào mừng phán quyết trên đây của tòa án tối cao Ấn Ðộ và gọi đây là một bước tiến theo chiều hướng đúng: "Những quyền hợp pháp cũng như tự do của mọi công dân, được ghi trong hiến pháp quốc gia phải được chính phủ và ngành công lý bảo tồn và tôn trọng".
(Asia News 28-3-2022)