Người già là một phúc lành không thể thay thế được
trong việc thông truyền đức tin
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Người già là một phúc lành không thể thay thế được trong việc thông truyền đức tin.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 24-03-2022) - Sáng thứ Tư, ngày 23 tháng Ba năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung các tín hữu hành hương. Lần này Ðại thính đường Phaolô VI đầy chật người. Cuối buổi tiếp kiến, Ðức Thánh cha tái kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh tại Ucraina và cầu cho những người cầm quyền sớm tìm được giải pháp cho cuộc chiến tại đây, đồng thời cầu cho sự chấm dứt sản xuất võ khí.
Ðức Thánh cha tiến vào hội trường lúc gần 9 giờ giữa tiếng vỗ tay của các tín hữu. Như thường lệ, sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, mọi người đã nghe đọc đoạn sách Ðệ nhị luật, đoạn thứ 34 (4-5.7.9):
"Chúa phán với ông Môisê: "Ðây là miền đất Ta đã thề hứa với Ápraham, Isaac và Giacóp, khi nói: "Ta sẽ ban đất ấy cho dòng dõi ngươi. Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó". Ông Môisê, tôi trung của Chúa, qua đời tại đó, trong đất Môáp, theo lệnh Ðức Chúa. [...] Khi chết, ông Môsê thọ một trăm hai mươi tuổi, mắt không mờ, khí lực không giảm [...] Ông Giôsuê, con ông Nun, đã được đầy thần khí khôn ngoan, vì ông Môsê đã đặt tay trên ông. Con cái Ísrael nghe ông và làm như Ðức Chúa đã truyền cho ông Môisê."
Bài giáo lý
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Bài thứ tư này có tựa đề là: "Giã từ và di sản: ký ức và chứng tá".
Mở đầu bài giáo lý, Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Kinh thánh, trình thuật về cái chết của cụ già Môise được kể lại sau chúc thư tinh thần của ông, được gọi là "Bài ca Môisê". Bài ca này trước tiên là một cuộc tuyên xưng đức tin rất đẹp:
"Tôi muốn cao rao danh Chúa:
anh chị em hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng ta!
Ngài là Ðá Tảng: những công trình của Chúa hoàn hảo, mọi nẻo đường của Ngài là công chính;
Ngài là một Thiên Chúa trung tín và không có sự ác, Ngài công chính và ngay thẳng" (Dt 32,3-4).
Nhưng bài ca ấy cũng là một ký ức về lịch sử được sống với Thiên Chúa, những phiêu lưu của dân tộc được hình thành từ niềm tin nơi Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop. Vì thế, ông Môisê cũng nhắc đến những cay đắng và thất vọng của chính Thiên Chúa: sự trung tín của Ngài luôn bị thử thách vì sự bất trung của dân Ngài.
Môisê giã từ cuộc sống
Khi ông Môisê công bố bản tuyên xưng đức tin này là lúc dân ở nơi ngưỡng của Ðất Hứa, và cũng là lúc ông giã từ cuộc sống. Ông được 120 tuổi, - như trình thuật kể lại-, "nhưng đôi mắt ông không nhắm lại" (Dt 34,7). Cái nhìn sinh động của ông là một hồng ân quí giá: nó giúp ông "thông truyền gia sản kinh nghiệm lâu dài của ông về cuộc sống và niềm tin, với sự sáng suốt cần thiết."
Thông truyền kinh nghiệm trực tiếp
Một tuổi già được sáng suốt như vậy thực là một món quà quí giá cho thế hệ tiếp theo. Sự đích thân lắng nghe trực tiếp trình thuật lịch sử đức tin, được sống với tất cả các thăng trầm, là điều không thể thay thế được. Ðọc điều ấy trong sách vở, nhìn nó qua các phim ảnh, tham khảo nó trên Internet, dù có hữu ích đến đâu đi nữa vẫn không bằng kinh nghiệm ấy. Sự thông truyền này - là truyền thống đích thực! - là điều ngày nay rất thiếu, và ngày càng thiếu, cho các thế hệ trẻ. Trình thuật trực tiếp, từ người này cho người khác, có những sắc thái và cách thức thông truyền mà không có phương tiện nào khác có thể thay thế được. Một người già đã sống lâu năm, và được hồng ân làm chứng tá sáng suốt và hăng say về lịch sử của mình, đó là một phúc lành không thể thay thế được. Chúng ta có thể nhận ra và tôn trọng món quà ấy không? Sự thông truyền đức tin - và ý nghĩa cuộc đời - ngày nay có theo con đường ấy hay không?
Văn hóa ngày nay coi nhẹ lịch sử
Trong văn hóa của chúng ta, rất là "đúng đắn về chính trị" (politicamente corretta), con đường này bị cản trở bằng nhiều cách: trong gia đình, xã hội, trong cùng cộng đoàn Kitô. Thậm chí có người đề nghị bãi bỏ việc giảng dạy môn lịch sử, như một thông tin thừa thãi về những thế giới không còn thời sự nữa, nó tước mất những tài nguyên dành cho kiến thức về hiện tại.
Ðàng khác, sự thông truyền đức tin nhiều khi thiếu sự say mê đối với một "lịch sử được sống thực". Phải chăng vì thế thật là khó thu hút chọn lựa tình yêu mãi mãi, lòng trung tín đối với lời đã hứa, sự kiên trì trong tận tụy, sự cảm thương đối với những người bị tổn thương và chán nản sao? Chắc hẳn những chuyện đời cần phải được biến thành chứng từ, và chứng từ ấy phải trung thực. Cái ý thức hệ giải thích lịch sử theo khuôn mẫu của mình chắc chắn không phải là trung thực; cũng vậy đối với những tuyên truyền, thích ứng lịch sử với sự đề cao phe nhóm của mình; không phải là khi biến lịch sử thành một tòa án để lên án mọi quá khứ và không khuyến khích tương lai.
Chính các sách Tin mừng thành thật kể lại lịch sử được chúc phúc của Chúa Giêsu không che đậy những lỗi lầm, những sự hiểu lầm và thậm chí cả những phản bội của các môn đệ. Ðó là chứng từ. Ðó là một hồng ân ký ức mà "những kỳ lão" của Giáo hội thông truyền ngay từ đầu, chuyển từ tay này tới tay khác, cho thế hệ tiếp theo. Chúng ta nên tự hỏi: chúng ta đề cao giá trị thế nào cách thức thông truyền đức tin, trong sự chuyển tiếp chứng nhân giữa những người già trong cộng đoàn và những người trẻ mở ra tương lai?
Thiếu hiểu biết về Giáo hội, ít lắng nghe chứng từ lịch sử
Ðức Thánh cha cho biết: "Ðôi khi, tôi suy nghĩ về sự thiếu bình thường lạ lùng này. Sách giáo lý khai tâm Kitô giáo ngày nay quảng đại kín múc từ Lời Chúa và thông truyền chính xác những thông tin về các tín điều, về luân lý đức tin và các bí tích, nhưng nhiều khi thiếu sự hiểu biết về Giáo hội nảy sinh từ sự lắng nghe và chứng từ về lịch sử đích thực đức tin và cuộc sống của cộng đoàn Giáo hội từ đầu cho đến ngày nay. Khi còn nhỏ, người ta học Lời Chúa trong các lớp giáo lý; nhưng khi lớn hơn, người ta học về Giáo hội trong các lớp học và qua các phương tiện truyền thông hoàn vũ."
Trình thuật về lịch sử đức tin phải giống như Bài ca Môisê, như chứng từ của các sách Tin mừng và Tông đồ Công vụ. Hoặc một lịch sử có khả năng đánh động khi gợi lại những chúc lành của Thiên Chúa và thành thật về những thiếu sót của chúng ta. Thật là đẹp nếu được như vậy, ngay từ đầu, trong hành trình huấn giáo, cả thói quen lắng nghe kinh nghiệm sống của những người già, sự tuyên xưng sáng suốt về những phúc lành đã nhận lãnh từ Thiên Chúa, mà chúng ta phải gìn giữ, chứng tá trung thực về những thiếu trung thành của chúng ta, mà chúng ta phải đền bù và sửa chữa. Những người già đi vào đất hứa mà Thiên Chúa muốn cho mỗi thế hệ, khi họ cống hiến cho những người trẻ sự khai tâm tốt đẹp về chứng tá của họ. Như vậy, được Chúa Giêsu hướng dẫn, người già và người trẻ cùng đi vào Nước sự sống và tình thương của Chúa.
Chào thăm và nhắn nhủ
Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Ðức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Ðức Thánh cha.
Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng: Năm nay, trong hành trình thống hối Mùa chay, chúng ta ăn chay và cầu xin Chúa ban hòa bình, bị đảo lộn vì chiến tranh hiện nay tại Ucraina. Tại Ba Lan, anh chị em là những chứng nhân về chiến tranh đó khi đón tiếp những người tị nạn và nghe kể về tình trạng của họ. Trong khi chúng ta chuẩn bị sống một ngày cầu nguyện đặc biệt trong lễ Truyền tin, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa nâng tâm hồn anh chị em chúng ta bị âu sầu vì sự tàn ác của chiến tranh. Ước gì việc thánh hiến các dân tộc cho Khiết Tâm Ðức Mẹ mang lại hòa bình cho toàn thế giới.
Trước khi chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý, Ðức Thánh cha mời gọi mọi người cùng cầu nguyện với Ðức Mẹ, cầu cho các nạn nhân, các trẻ em và binh sĩ, cả hai phía. Ngài cũng xúc động xin các tín hữu cầu cho các chính quyền để họ sớm tìm ra những giải pháp và cũng xin cho việc sản xuất võ khí, những dụng cụ chết chóc, sớm được chấm dứt.
Ðức Thánh cha chào thăm đặc biệt các tín hữu thuộc giáo phận Biella, do Ðức giám mục giáo phận hướng dẫn, kỷ niệm 250 năm thành lập giáo phận và nhiều đoàn hành hương khác.
Sau cùng như thường lệ, Ðức Thánh cha chào thăm những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắc nhở rằng: Ước gì lễ Truyền tin chúng ta sắp cử hành ngày 25 tháng Ba năm 2022 trở thành một lời mời gọi mỗi người theo gương Mẹ Thiên Chúa và tỏ ra sẵn sàng đối với tiếng gọi của Chúa Cha, Ðấng nhắn nhủ tất cả hãy trở thành men để xây dựng một xã hội công bằng và liên đới.
Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.