Họp báo trình bày

Tông hiến mới về Giáo triều Roma:

"Praedicate Evangelium"

(Các con hãy loan báo Tin mừng)

 

Họp báo trình bày Tông hiến mới về Giáo triều Roma: "Praedicate Evangelium" (Các con hãy loan báo Tin mừng).

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 22-03-2022) - Sáng ngày 21 tháng Ba năm 2022, Tông hiến mới của Ðức Thánh cha Phanxicô về Giáo triều Roma "Praedicate Evangelium" (Các con hãy loan báo Tin mừng), đã được trình bày cho giới báo chí cạnh Tòa Thánh, trong cuộc họp báo do Ðức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, chủ tọa.

Ðức Hồng y là một nhà giáo luật, nguyên là Giám mục giáo phận Albano, gần Roma và từng là Tổng thư ký Hội đồng Hồng y cố vấn của Ðức Thánh cha trong bảy năm trời, giúp ngài trong việc soạn thảo Tông hiến mới. Văn kiện dài 54 trang này thay thế cho Tông hiến "Pastor Bonus", Mục Tử nhân lành, do thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành hồi cuối tháng Sáu năm 1988. Ðây là cuộc cải tổ giáo triều lần thứ năm trong 434 năm lịch sử của Giáo triều. Lần đầu hồi năm 1588 do Ðức Giáo hoàng Sisto V, lần thứ hai với thánh Piô X năm 1910, sau đó là thánh Phaolô VI năm 1967, rồi đến thánh Gioan Phaolô II năm 1988.

Tông hiến mới đã được soạn trong tám năm 5 tháng và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05 tháng Sáu năm 2022, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Ðức Hồng y Semeraro nói rằng: "Giáo triều luôn luôn cần được cải tổ" (Curia semper reformanda), giống như Giáo hội. Vì thế, nếu có những thay đổi khác, Ðức Thánh cha Phanxicô sẽ làm", như Ðức Phaolô VI và Gioan Phaolô II cũng đã làm. Ðó là nguyên tắc "từ từ" hay tiệm tiến mà Ðức Thánh cha Phanxicô đã nói trong Tông huấn "Evangelli Gaudium", Niềm vui Tin mừng.

Ðức Hồng y cho biết Tông hiến mới trình bày những yếu tố đổi mới lớn so với quá khứ. Ví dụ, từ nay các giáo dân nam nữ có thể đứng đầu các bộ và các cơ quan khác của Tòa Thánh. Ðiều này đã xảy ra với việc bổ nhiệm ông Paolo Ruffini làm Bộ trưởng Bộ Truyền thông.

Một điểm mới khác, đó là Tông hiến mới bãi bỏ sự phân biệt giữa từ "Congregazione", Bộ, có từ thế kỷ XVI với Ðức Giáo hoàng Sisto V, và giả thiết vị Bộ trưởng phải là hồng y. Cũng vậy, không còn từ "Hội đồng Tòa Thánh" (Pontificio Consigio). Nhưng từ "Dicastero" tổng quát hơn, được dùng để phù hợp với nguyên tắc tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân đều có thể đứng đầu một "Dicastero", một bộ hay một cơ quan trung ương Tòa Thánh. Người nhận nhiệm vụ đó lãnh nhận một quyền thừa ủy do Ðức Giáo hoàng chứ không do quyền từ thánh chức. Vì thế, điều này nhấn mạnh sự bình đẳng cơ bản giữa mọi tín hữu đã chịu phép rửa.

Trên bàn chủ tọa cuộc họp báo cũng có cha Ghirlanda, một nhà giáo luật dòng Tên nổi tiếng. Cha giải thích thêm rằng trên nguyên tắc, giáo dân có thể làm Bộ trưởng một bộ của Tòa Thánh, nhưng có những bộ thích hợp hơn với giáo dân, ví dụ Bộ giáo dân, gia đình và sự sống.

Ðồng thời về các tòa án, Tông hiến mới không bãi bỏ các khoản giáo luật qui định rằng trong những vấn đề liên quan tới các giáo sĩ, thì chính các giáo sĩ xét xử. Vì thế, Giáo hội vẫn giữ phẩm trật và không bãi bỏ chức năng của một linh mục hay giám mục, tùy thuộc những hoàn cảnh khác nhau.

Về vấn đề này, Ðức cha Marco Mellino, từ năm 2020 là Tổng thư ký Hội đồng Hồng y cố vấn của Ðức Thánh cha, nói rằng: "Giáo dân hay không giáo dân được bổ nhiệm theo thẩm quyền đặc thù của mỗi Bộ liên hệ". Vì thế, trong vấn đề này, cần có một sự thẩm định cho từng trường hợp, chứ không có tính cách máy móc".

Ngoài ra, trong Tông hiến mới có qui định các nhân viên giáo sĩ hoặc tu sĩ của các cơ quan Tòa Thánh được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa, sau đó phải trở về giáo phận nguyên quán hoặc dòng tu của mình. Ðiều này có thể giới hạn việc phát triển khả năng chuyên môn. Nhưng về điểm này, cha Ghirlanda trả lời rằng: "Ðúng là ta có kinh nghiệm khi thực hành, nhưng nếu đương sự, trong 5 năm ấy không có tiến bộ nào, hoặc đương sự ở đó để được "leo thang", thăng cấp, thì không bõ công gia hạn nhiệm kỳ. Trái lại nếu trong 5 năm ấy, đương sự mang lại thành quả thì có thể được gia hạn. Dĩ nhiên những người ở vị thế cai trị quá lâu thì có thể phát triển những trung tâm quyền lực, và điều này không bao giờ là điều thích hợp trong Giáo hội. Sự thay đổi mang lại những ý tưởng mới, những khả năng mới và sự cởi mở".

Giới báo chí nhận xét rằng Tông hiến mới đặt Bộ Loan báo Tin mừng lên hàng đầu và nay chính Ðức Thánh cha đảm nhận chức vụ Bộ trưởng của Bộ này để chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của ngài đồng thời nói lên tầm quan trọng hàng đầu của việc truyền giảng Tin mừng, một "Giáo hội đi ra ngoài". Trong bộ này, giúp Ðức Thánh cha có hai vị Quyền Bộ trưởng đảm trách hai phân bộ: thứ nhất đặc trách các vấn đề cơ bản trong việc loan báo Tin mừng trên thế giới, trước đây là nhiệm vụ của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng; và Phân bộ thứ hai đặc trách về việc loan báo Tin mừng cho dân ngoại và các giáo phận mới thuộc vùng truyền giáo, cụ thể là Bộ Truyền giáo như cho đến nay.

Giống như với quyết định trước đây, Ðức Thánh cha Phanxicô đặc biệt đảm trách vấn đề di dân và tị nạn và vì thế, ngài bổ nhiệm hai vị Phó Tổng thư ký là hai linh mục đảm nhiệm việc này trong Bộ Phát triển nhân bản toàn diện.

Ngoài ra, xưa kia Bộ Giáo lý, gọi là Bộ Thánh vụ, đứng hàng đầu trong các bộ và trước thời Ðức Phaolô VI, các vị giáo hoàng đảm trách vấn đề đức tin trong tư cách là Thầy dạy Tối cao về đạo lý trong Giáo hội. Bộ Giáo lý đức tin nay có hai phân bộ: thứ nhất là thăng tiến và bảo vệ toàn vẹn đạo lý đức tin và luân lý; thứ hai là phân bộ kỷ luật, bao gồm cả Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em.

Thuộc bộ Giáo lý đức tin vẫn có Ủy ban thần học quốc tế và Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên.

(Tổng hợp 22-3-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page