Công bố Tông hiến mới về Giáo triều Roma:
"Praedicate Evangelium"
(Các con hãy loan báo Tin mừng)
Công bố Tông hiến mới về Giáo triều Roma: "Praedicate Evangelium" (Các con hãy loan báo Tin mừng).
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 20-03-2022) - Hôm 19 tháng Ba năm 2022, Tông hiến mới về Giáo triều Roma, "Praedicate Evangelium" Các con hãy loan báo Tin mừng, thay thế cho Tông hiến "Pastor Bonus" Mục tử nhân lành, do thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành hồi cuối tháng Sáu năm 1988.
Tông hiến mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05 tháng Sáu năm 2022, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Văn kiện mới này sẽ được trình bày trong cuộc họp báo, sáng thứ Hai, 21 tháng Ba năm 2022, do Ðức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, chủ tọa.
Nói tổng quát, những qui định trong Tông hiến mới đã được thực hiện trong thời gian qua, với những quyết định cải tổ dần dần của Ðức Thánh cha Phanxicô. Hầu hết các cơ quan từ nay được gọi bằng danh từ chung là Dicastero, thay vì phân biệt giữa Congregazione, Bộ, và Consiglio, Hội đồng, như cho đến nay.
Cơ cấu và chức năng của Phủ Quốc vụ khanh hầu như không thay đổi.
Trong số mười lăm Dicasteri (Bộ), đứng đầu là Bộ Loan báo Tin mừng, do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng và Bộ Truyền giáo gộp lại, do chính Ðức Thánh cha điều khiển và được chia làm hai phân bộ, mỗi phân bộ do một Quyền Tổng trưởng cai quản: Phân bộ thứ nhất đặc trách các vấn đề cơ bản trong việc loan báo Tin mừng trên thế giới; Phân bộ thứ hai đặc trách về việc loan báo Tin mừng cho dân ngoại và các giáo phận mới thuộc vùng truyền giáo, cụ thể là Bộ Truyền giáo, như cho đến nay.
Bộ Giáo lý đức tin trước kia đứng đầu trong các Bộ, nay đứng hàng thứ hai sau Bộ Loan báo Tin mừng. Bộ này gồm có hai phân bộ: thứ nhất là phân bộ thăng tiến và bảo vệ toàn vẹn đạo lý đức tin và luân lý; thứ hai là phân bộ kỷ luật. Thuộc bộ này, có Ủy ban thần học quốc tế và Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên.
Bộ dịch vụ bác ái. Ðây là một sự thăng cấp Sở từ thiện của Ðức Thánh cha, nay dưới quyền một vị Bộ trưởng, cho đến nay được gọi là Chánh sở từ thiện của Ðức Thánh cha.
Các bộ khác và ba tòa án hầu như không có thay đổi đáng kể. Riêng Bộ Văn hóa và Giáo dục được hình thành bằng cách gộp lại Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa và Bộ giáo dục Công giáo.
Về phương diện kinh tế, thì vẫn có Hội đồng Kinh tế gồm tám hồng y và bảy giáo dân chuyên gia, có nhiệm vụ giám sát về các cơ cấu và hoạt động quản trị, tài chánh của các cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Văn Phòng hay Bộ Kinh tế, là cơ quan của Ðức Thánh cha lo về vấn đề kinh tế và tài chánh. Tiếp đến là cơ quan quản trị của Tòa Thánh, gọi tắt là Apsa. Hai cơ quan này từ lâu vẫn hoạt động theo qui chế mới đã được Ðức Thánh cha thiết định trong những năm gần đây.
(Aciprensa 19-3-2022)