Ðức Thánh cha tiếp kiến

Hội nghị về giáo dục Công giáo

 

Ðức Thánh cha tiếp kiến Hội nghị về giáo dục Công giáo.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 20-03-2022) - Sáng ngày 18 tháng Ba năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị do Hội giáo hoàng "Gravissimum educationis", Vai trò rất quan trọng của giáo dục, về đề tài: "Giáo dục về dân chủ trong một thế giới bị phân hóa". Trong dịp này, Ðức Thánh cha tố giác hai nọc độc đối với nền dân chủ, là chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa thế tục. Ðồng thời, Ðức Thánh cha đề nghị ba con đường để thông truyền cho người trẻ những nguyên tắc dân chủ".

Ðầu bài diễn văn, Ðức Thánh cha tái đề cập đến chiến tranh tại Ucraina, và lên án "sự man rợ của con người" đang tác oai tác quái trên lãnh thổ Âu châu và cả tại Syria và Yemen. Ngài tố giác "những kẻ đang sát hại anh em mình", đồng thời ngài nghĩ đến những "người trẻ bị gửi ra chiến trường, các binh sĩ Nga", cũng như các binh sĩ trẻ người Ucraina. Ðức Thánh cha cũng nhắc đến các thường dân, và cảnh giác chống thái độ của "dân ngoại ngụy trang thành Kitô hữu".

Ðức Thánh cha xác quyết rằng: "Không có cuộc chiến tranh chính đáng". Chiến tranh luôn luôn là một thất bại của nhân loại, vì thế các nhà giáo dục đặc biệt có nghĩa vụ phải dẫn đưa người trẻ hướng về công ích. Theo nghĩa đó, dân chủ là một đề tài thời sự và rất được thảo luận.

Nhắc đến bài Tin mừng theo thánh Matthêu đọc trong thứ Sáu, ngày 18 tháng Ba năm 2022, kể lại dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân, Ðức Thánh cha cảnh giác chống nguy cơ "chiếm hữu ích kỷ" lan tràn trong các "tâm hồn, những tương quan và các cơ cấu chính trị và xã hội, khiến cho dân chủ chỉ có danh mà không có thực."

Ðức Thánh cha đặc biệt cảnh giác về hai sự thoái hóa là chế độ độc tài và trào lưu duy thế tục. Chế độ độc tài làm cho các quyền căn bản của con người và của xã hội không còn giá trị, đến độ hủy bỏ tự do. Trong khi đó trào lưu duy thế tục, như một ý thức hệ, bóp méo tinh thần dân chủ một cách tinh vi và gian xảo: nó loại bỏ chiều kích siêu việt, làm cho dân chủ bị suy yếu và dần dần hủy bỏ mọi sự cởi mở đối thoại. Ngài nói: "Nếu không có chân lý tối hậu, thì những ý tưởng và xác tín của con người dễ bị khai thác nhân danh quyền bính". Ðứng trước hai thứ nọc độc trên đây, việc giáo dục có một khả năng biến đổi.

Hội giáo hoàng "Gravissimus educationis", lấy hứng từ Tuyên ngôn năm 1965 của Công đồng chung Vatican II về tầm quan trọng của giáo dục Công giáo, và được Ðức Thánh cha Phanxicô thành lập để hoạt động trong lãnh vực giáo dục, qua việc tài trợ cho các dự án giáo dục.

(Vatican News 18-3-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page