Sứ điệp Ðức Thánh cha
gửi Hội nghị xã hội Âu châu
Sứ điệp Ðức Thánh cha gửi Hội nghị xã hội Âu châu.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 19-03-2022) - Ðức Thánh cha Phanxicô tái lên án sự tàn ác của chiến tranh, và kêu gọi kiến tạo một nền chính trị mới, không phục vụ cho lợi lộc phe phái, đồng thời thực thi tình huynh đệ cả trên bình diện các quốc gia.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp gửi đến Ðức Tổng giám mục Gintaras Grusas, Tổng giám mục giáo phận Vilnius, Lituani, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, nhân dịp khai mạc và tiến hành "Những ngày xã hội Công giáo Âu châu" kỳ III, đang tại Bratislava, thủ đô Slovak, từ ngày 17 đến ngày 20 tháng Ba năm 2022, với chủ đề: "Âu châu sau đại dịch: một cuộc bắt đầu mới".
Hội nghị do Liên Hội đồng Giám mục Âu châu cùng với Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu (Comece), và Hội đồng Giám mục Slovak cùng tổ chức.
Trong sứ điệp, Ðức Thánh cha nhắc đến chiến tranh từ bốn tuần qua tại Ucraina và nhận xét rằng: "những gì chúng ta đang sống trong những tuần qua không phải là điều chúng ta hy vọng, sau tình trạng khẩn cấp y tế vì đại dịch. Thảm trạng chiến tranh đang xảy ra giữa lòng Âu châu làm cho chúng ta kinh ngạc; chúng ta chẳng bao giờ nghĩ là sẽ tái nhìn thấy những cảnh tượng như thế, gợi lại cho chúng ta những cuộc chiến tranh rộng lớn trong thế kỷ vừa qua. Tiếng kêu cứu xé lòng của anh chị em Ucraina thúc đẩy chúng ta, trong tư cách là cộng đồng tín hữu, không những phải suy tư nghiêm túc, nhưng còn cùng với anh chị em Ucraina khóc thương và giúp đỡ họ, chia sẻ lo âu của một dân tộc bị thương tổn trong căn tính, lịch sử và truyền thống của họ. Máu và nước mắt của các trẻ em, những đau khổ của những người nam nữ đang bảo vệ lãnh thổ của họ hoặc phải trốn chạy bom đạn, đánh động lương tâm chúng ta. Một lần nữa, nhân loại bị đe dọa vì sự lạm dụng quyền bính một cách xấu xa và những quyền lợi phe phái, kết án những người vô phương thế tự vệ phải chịu mọi hình thức bạo lực tàn ác".
Ðức Thánh cha kêu gọi mọi người tiếp tục cầu nguyện để những người nắm giữ vận mệnh của các dân nước, đừng bỏ qua cố gắng nào để chặn đứng chiến tranh và mở ra một cuộc đối thoại xây dựng để chấm dứt thảm trạng to lớn mà nó đang tạo ra về mặt nhân đạo.
"Ngày nay, hơn bao giờ hết cần xét lại đường lối và hiệu năng của nghệ thuật làm chính trị. Ðứng trước bao nhiêu thay đổi, chúng ta đang chứng kiến trên bình diện quốc tế, cần phải "làm sao để có thể phát triển một cộng đồng quốc tế, có khả năng thực hiện tình huynh đệ, bắt đầu từ các dân tộc và quốc gia để họ sống tình bạn xã hội" (Fratelli tutti, 154).
Ðức Thánh cha cũng nhắc đến những khó khăn lớn của xã hội và Giáo hội tại Âu châu do đại dịch và chiến tranh gây nên và ngài khẳng định rằng: "Chúng ta không thể đứng đó mà không làm gì; trong tư các là Kitô hữu và là những công dân Âu châu, chúng ta được kêu gọi can đảm thực hiện điều mà một trong những người cha sáng lập Cộng đồng Âu châu, ông Alcide De Gasperi (thủ tướng Ý) đã nói về "công ích của các tổ quốc Âu châu chúng ta". Ðúng vậy, Âu châu và các quốc gia thành viên không chống đối nhau và xây dựng tương lai, điều này không có nghĩa là đồng nhất với nhau, nhưng càng liên kết với nhau hơn trong sự tôn trọng những khác biệt. Ðối với các Kitô hữu, tái tạo căn nhà chung có nghĩa là "trở nên những người xây dựng tình hiệp thông, sự đoàn kết trên mọi bình diện: không phải bằng chiến lược, nhưng là bằng Tin mừng" (Bài giảng lễ với Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, 23-9-2021).
Trong chiều hướng trên đây, Ðức Thánh cha ca ngợi việc chọn một hình ảnh làm huy hiệu của những Ngày Xã hội Công giáo hiện nay ở Bratislava, là hình thánh Martino thành Tours, đang xẻ làm đôi chiếc áo choàng của mình để cho một người nghèo nửa chiếc áo ấy. "Hình ảnh này nhắc nhở tình thương là một sự gần gũi cụ thể, chia sẻ, chăm sóc tha nhân. Ai yêu thương thì vượt thắng sợ hãi và nghi kỵ đối với những người tìm đến các biên giới của chúng ta để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn..."
(Rei 18-3-2022)