Ðức Hồng y Zenari:
Sau mười một năm chiến tranh,
Syria rơi vào quên lãng
Ðức Hồng y Zenari: Sau mười một năm chiến tranh, Syria rơi vào quên lãng.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Damasco (RVA News 17-03-2022) - Cách đây đúng mười một năm, ngày 15 tháng Ba năm 2011, chiến tranh tại Syria bắt đầu bùng nổ và cho đến nay đã làm cho nửa triệu người chết. Nhân dịp này, Ðức Hồng y Mario Zenari tái tố giác bạo lực, nghèo đói và tình trạng bị bỏ rơi mà nhân dân Syria còn phải chịu, đồng thời ngài kêu gọi đừng để cho hy vọng bị tắt lịm.
Ngày 15 tháng Ba vừa qua, tại Damasco, thủ đô Syria đã khai diễn Hội nghị do Bộ các Giáo hội Công giáo Ðông phương tổ chức cho tới ngày 17 tháng Ba năm 2022, về đề tài "Giáo hội, Nhà bác ái - sự đồng hành và phối hợp". Có khoảng 250 người tham dự, người Syria cũng như những người đến từ nước ngoài, đại diện các tổ chức và cơ quan từ thiện Công giáo. Ðức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Ðông phương cũng có mặt cùng với một số chức sắc Tòa Thánh và cơ quan phối hợp các tổ chức trợ giúp Giáo hội Công giáo Ðông phương, gọi tắt là Roaco. Nơi trung tâm của hội nghị này có sự lắng nghe, đối thoại, tương lai của các các cộng đoàn Kitô và các nhu cầu cấp thiết của quốc gia đau thương này. Hội nghị cũng tìm cách gia tăng các hoạt động cứu trợ cho dân nghèo ở Syria.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, truyền đi hôm 15 tháng Ba vừa qua, Ðức Hồng y Zenari nói: "Hôm nay là một kỷ niệm buồn, trước tiên vì chiến tranh vẫn chưa chấm dứt và hơn nữa, vì từ vài năm nay, Syria dường như biến mất khỏi các radar của các cơ quan truyền thông. Thay vào đó là các cuộc khủng hoảng tại Liban, rồi đại dịch Covid-19 và nay là chiến tranh tại Ucraina."
Cuộc chiến tại Syria đã làm cho 500,000 người chết, năm triệu 600,000 người phải di cư ra nước ngoài, không kể sáu triệu người tản cư nội địa. Ðức Hồng y nói: "Rất tiếc niềm hy vọng không còn nữa trong tâm hồn của bao nhiêu người, đặc biệt là những người trẻ, họ không thấy tương lai tại đất nước của họ nên tìm cách xuất cư. Và một nước không có người trẻ, không còn những người có khả năng nữa, thì đó là một nước không có tương lai. Vài gia đình, sau khi đã trả những số tiền rất lớn, để xuất cư, nay họ còn bị kẹt ở Belarus, trong khi chờ đợi vượt sang biên giới Ba Lan. Thảm trạng nhân đạo Syria tiếp tục là một thảm họa trầm trọng nhất, do con người gây ra sau Thế chiến thứ II. Người ta chưa thấy có dấu hiệu tái thiết và phục hồi kinh tế. Hơn nữa, những biện pháp cấm vận và trừng phạt đè nặng trên tình trạng như thế. Tiến trình hòa bình, như Nghị quyết số 2254 của Liên Hiệp Quốc bị chặn đứng. Chỉ có nghèo đói gia tăng mạnh. Giờ đây thiên hạ nói về chiến tranh kinh tế ở Syria."
Về điểm này, Ðức Hồng y Zenari nói thêm rằng: "Syria vốn bị thiếu bánh, nay với chiến tranh Ucraina, cả bột và các nhu yếu phẩm khác càng bị thiếu."
(Vatican News 15-3-2022)