Ðức Thánh cha Phanxicô và Mùa chay
Ðức Thánh cha Phanxicô và Mùa chay.
Trần Phúc Nhạc
Vatican (RVA News 09-03-2022) - Ngày 14 tháng Ba năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô sẽ bắt đầu năm thứ mười triều đại Giáo hoàng, trong tư cách là người kế vị thứ 266 của thánh Phêrô tông đồ.
Vì đang trong tuần tĩnh tâm, Ðức Thánh cha không tiếp kiến chung các tín hữu hành hương vào sáng thứ Tư, ngày 09 tháng Ba năm 2022, thay vào đó chúng tôi xin gợi lại cùng quí vị và các bạn một vài giáo huấn của Ðức Thánh cha, qua các bài giảng nhân dịp các Thứ Tư Lễ Tro khởi sự Mùa chay thánh trong Giáo hội.
Hằng năm vào những buổi chiều ngày Thứ Tư Lễ Tro, tiếp nối truyền thống từ lâu đời của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm, Ðức Thánh cha Phanxicô vẫn đến đồi Aventino ở Roma, chủ sự cuộc rước thống hối trên quãng đường dài khoảng 500 mét, từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Ðức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Ða Minh. Tại đây, Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ với nghi thức xức tro.
Lễ Tro ngày 05 tháng Ba năm 2014
Trong bài giảng Lễ Tro đầu tiên cử hành trong tư cách là Giáo hoàng, tại Ðền thờ thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ V, Ðức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu sống Mùa chay qua việc gia tăng cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc giúp đỡ tha nhân.
Trước tiên, Ðức Thánh cha mời gọi mọi người hãy cởi mở với Thiên Chúa và anh chị em. Ngài nói: "Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng giả tạo, trong một nền văn hóa quan tâm tới "hành động", tới những gì là "hữu dụng", trong đó vô tình chúng ta loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời của chúng ta. Mùa chay kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức, hãy nhớ rằng chúng ta là thụ tạo, chứ không phải là Thiên Chúa".
Tiếp đến, dựa vào bài Phúc âm của ngày lễ, Ðức Thánh cha nhắc nhở các tín hữu hãy sống hành trình thiêng liêng Mùa chay bằng việc cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc (Xc. Mt 6,1-6.16-18). Ngài nói: "Cả ba điều đó bao hàm sự cần thiết này, đó là đừng để mình bị những điều bề ngoài thống trị: điều đáng kể không phải là cái vẻ bề ngoài; giá trị sự sống không tùy thuộc sự ủng hộ của người khác hoặc thành công, nhưng tùy thuộc điều chúng ta có trong nội tâm".
Ðức Thánh cha lần lượt giải thích ba yếu tố:
- Trước tiên là cầu nguyện, "đây là sức mạnh của mỗi Kitô hữu: Mùa chay là mùa cầu nguyện khẩn trương, siêng năng hơn, có khả năng đảm trách những nhu cầu của anh chị em, chuyển cầu trước Thiên Chúa cho bao nhiêu tình trạng nghèo đói và đau khổ."
- "Thứ hai là chay tịnh. Chay tịnh bao gồm việc chọn lựa một lối sống tiết độ, không phung phí, không vứt bỏ. Chay tịnh giúp chúng ta tập luyện tâm hồn quen với những gì là thiết yếu và sự chia sẻ. Ðó là dấu chỉ sự ý thức và trách nhiệm trước những bất công, lạm quyền, đặc biệt là đối với những người nghèo hèn bé nhỏ, và là dấu chỉ niềm tín thác chúng ta đặt tới Thiên Chúa và sự quan phòng của Chúa."
- "Sau cùng là làm phúc, nó nói lên sự nhưng không, vì trong khi làm phúc, chúng ta cho một người khác mà không mong nhận được cái gì bù lại. Sự nhưng không phải là một trong những đặc tính của Kitô hữu. Ngày nay, sự nhưng không thường không thuộc về đời sống hằng ngày, vì trong đó người ta mua bán, tính toán, đo lường. Việc làm phúc giúp chúng ta sống sự nhưng không của hồng ân, là sự giải thoát khỏi ám ảnh chiếm hữu, sợ mất điều mình có, nỗi buồn phiền của kẻ không muốn chia sẻ với tha nhân sự sung túc của mình".
Lễ Tro ngày 10 tháng Hai năm 2016 - Năm Thánh Lòng Thương Xót
Vì trùng vào Năm Thánh Lòng Thương Xót nên Ðức Thánh cha Phanxicô không đến Ðền thờ thánh nữ Sabina theo thông lệ, nhưng ngài cử hành Lễ Tro tại Ðền thờ thánh Phêrô để có đông đảo hơn các tín hữu được trực tiếp tham dự.
Trong bài giảng, Ðức Thánh cha mời gọi các tín hữu nhìn nhận mình cần lòng thương xót của Chúa, vượt thắng sự xấu hổ, cởi mở tâm hồn đón nhận ơn tha thứ của Chúa.
Ngài cảnh giác chống lại cám dỗ khép kín cửa tâm hồn, sống với tội lỗi của mình, coi nhẹ chúng và nghĩ mình không tệ hơn người khác. Một chướng ngại khác là xấu hổ không dám mở cửa tâm hồn mình, và nó biến thành sự sợ hãi. Ðức Thánh cha mời gọi 700 linh mục thừa sai lòng thương xót hiện diện trong thánh lễ, hãy giúp các tín hữu cởi mở tâm hồn, vượt thắng sự xấu hổ và đừng trốn chạy ánh sáng.
Ðức Thánh cha cũng nhắc lại lời mọi gọi của Chúa trong sách ngôn sứ Gioel: "Các con hãy trở về cùng Ta với trọn tâm hồn" (2,12): chúng ta đã xa lìa Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Ngài cũng đề cao ba phương thế cần được thực hành đặc biệt trong Mùa chay: là cầu nguyện, thi hành việc bác ái và chay tịnh khổ chế. Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Mùa chay là thời điểm thuận tiện để cắt tỉa sự giả dối, tinh thần trần tục và dửng dưng; cần thanh tẩy tâm hồn và cuộc sống để tìm lại căn tính Kitô, nghĩa là tình yêu thương phục vụ, không phải tính ích kỷ lạm dụng.
Lễ Tro ngày 14 tháng Hai năm 2018
Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh cha cảnh giác các tín hữu trước cám dỗ gieo rắc sự nghi kỵ, bất tín nhiệm, đứng trước những đau khổ và bấp bênh của người khác. Sự thiếu tin tưởng, dửng dưng và cam chịu: chính ma quỉ làm linh hồn của các tín hữu bị tê liệt và không còn nhạy cảm nữa.
Ðức Thánh cha mời gọi các tín hữu, trong Mùa chay, mùa thuận tiện này, hãy dừng lại, nhìn và trở về:
- Dừng lại trong cuộc sống xô bồ, đầy xáo trộn, không còn thời giờ cho gia đình, bạn hữu, con cái, ông bà nội ngoại... Dừng lại trước xu hướng muốn kiểm soát mọi sự, muốn biết tất cả, tàn phá tất cả, nó nảy sinh từ sự quên lòng biết ơn vì hồng ân sự sống và bao nhiêu điều tốt lành đã nhận được.
- Hãy nhìn những dấu hiệu giữa cho ngọn lửa đức tin và đức cậy được luôn sinh động, ngăn cản không để đức ái bị tắt lịm; hãy nhìn khuôn mặt của gia đình, của bao nhiêu khuôn mặt những người đang gọi hỏi chúng ta, những mầm mống tình thương và sự sống luôn hiện hữu giữa những tính toán nhỏ nhen và ích kỷ của chúng ta. Hãy nhìn và chiêm ngắm Ðấng là Tình Thương bị đóng đinh, ngày nay từ trên thánh giá tiếp tục mang lại hy vọng.
- Sau cùng hãy trở về Nhà Cha, đừng sợ hãi và để cho tâm hồn mình được Ngài đánh động, hãy trở về không chút sợ hãi để cảm nghiệm sự dịu dàng chữa lành và hòa giải của Thiên Chúa!
Lễ Tro ngày 06 tháng Ba năm 2019
Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh cha nhắc đến lời Chúa mời gọi các tín hữu hãy quay trở về cùng Chúa và ngài đặc biệt giải thích ý nghĩa việc bỏ tro trên đầu rằng:
"Ðây là một dấu hiệu làm cho chúng ta nghĩ đến điều chúng ta đang có trong đầu. Những tư tưởng của chúng ta thường chạy theo những sự chóng qua, đi rồi đến. Một lớp tro mỏng chúng ta chịu là để nói với chúng ta, một cách tế nhị và thực tế, rằng bao nhiêu điều mà ngươi đang có trong đầu, điều mà ngươi đang chạy theo và làm cho ngươi vất vả, sẽ chẳng còn lại gì cả. Dù ngươi có cơ cực đến đâu đi nữa, ngươi sẽ chẳng mang theo được giàu sang nào từ cuộc sống. Những thực tại trần thế sẽ biến tan, như tro bay theo chiều gió. Những của cải là tạm bợ, quyền lực qua đi, thành công tàn lụi. Thứ văn hóa hào nhoáng bên ngoài đang thịnh hành ngày nay làm cho người ta sống cho những thứ chóng qua, đó thực là một sự lường gạt lớn. Vì nó như một ngọn lửa: cháy xong, nó chỉ còn lại tro".
Từ nhận xét đó, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng: "Mùa chay là mùa để giải thoát chúng ta khỏi ảo tưởng cuộc sống chạy theo tro bụi. Mùa chay là tái khám phá rằng chúng ta được tạo thành cho ngọn lửa nồng cháy mãi mãi, chứ không phải cho thứ tro tắt ngúm ngay; chúng ta được tạo thành cho Thiên Chúa, chứ không phải cho thế gian; cho cuộc sống vĩnh cửu trên trời, chứ không phải cho sự lường gạt dưới đất này; cho tự do của con cái, chứ không phải để làm nô lệ sự vật. Ngày hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: tôi đứng về phía nào? Tôi sống cho lửa hay là cho tro bụi?"
Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Trong cuộc hành trình trở về điều nòng cốt là Mùa chay, Tin mừng đề nghị với chúng ta ba giai đoạn mà Chúa yêu cầu chúng ta trải qua, không chút giả hình, giả bộ, đó là: (1) Làm phúc, (2) Cầu nguyện và (3) Chay tịnh. Ba thứ này để làm gì? Thưa làm phúc, cầu nguyện và chay tịnh đưa chúng ta trở lại ba thực tại duy nhất không tan biến.
"Kinh nguyện tái liên kết chúng ta với Thiên Chúa; đức bác ái liên kết chúng ta với tha nhân; chay tịnh liên kết chúng ta với bản thân. Thiên Chúa, anh chị em, và cuộc sống của tôi: đó là những thực tại sẽ không tan biến trong hư hô và cần phải đầu tư vào đó.
"Vì thế, Mùa chay mời gọi chúng ta hướng nhìn lên cao, nhờ kinh nguyện, giải thoát chúng ta khỏi cuộc sống theo chiều ngang, phẳng lỳ, nơi ta tìm được thời gian cho cái tôi mà quên đi Thiên Chúa. Mùa chay mời chúng ta nhìn đến tha nhân, qua đức bác ái, giải thoát khỏi sự phù phiếm của sở hữu, khỏi ý nghĩ mọi sự là tốt đẹp, nếu chúng tốt đẹp cho tôi. Sau cùng, Mùa chay mời gọi chúng ta hãy nhìn vào bên trong tâm hồn mình, nhờ chay tịnh, giải thoát khỏi sự quyến luyến sự vật, khỏi tinh thần trần tục làm cho tâm hồn bị mê hoặc. Cầu nguyện, bác ái, chay tịnh, đó là ba sự đầu tư để đạt được kho tàng bền vững."