Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc
kêu gọi chấm dứt xung đột và giúp tị nạn
Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt xung đột và giúp tị nạn.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
New York (RVA News 04-03-2022) - Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Ðức Tổng giám mục Giordano Caccia, kêu gọi chấm dứt ngay các cuộc xung đột tại Ucraina, tái tìm kiếm đối thoại và ngoại giao, cũng như trợ giúp hàng trăm ngàn người tị nạn chiến tranh.
Ðức Tổng giám mục Caccia bày tỏ lập trường trên đây của Tòa Thánh, trong hai bài tham luận: trước tiên tại khóa họp về "Lời kêu gọi chung về nhân đạo và đáp ứng kế hoạch giúp người tị nạn từ Ucraina", tiếp đến tại khóa họp khẩn cấp thứ mười một của Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Ðức Tổng giám mục Caccia nhắc lại lời kêu gọi của Ðức Thánh cha Phanxicô hôm Chúa nhật, 27 tháng Hai năm 2022, trong đó ngài bày tỏ sự gần gũi với những người đang chịu đau khổ vì xung đột, và kêu gọi mở những hành lang nhân đạo cho người tị nạn, đồng thời Ðức Tổng giám mục nói rằng "Tòa Thánh coi là một điều cơ bản phải đảm bảo cho các tổ chức nhân đạo được tự do và an ninh trong việc cứu trợ dân chúng đang gặp khó khăn tại Ucraina. Việc bảo vệ các thường dân, cũng như các nhân viên từ thiện, hợp với công pháp quốc tế về nhân đạo, phải được ưu tiên". Từ đó, Tòa Thánh hiệp với nhiều quốc gia thành viên khác của Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngưng chiến tức khắc và trở về với các hoạt động ngoại giao và đối thoại. Giáo hội Công giáo, với các tổ chức từ thiện của mình, đang và sẽ tiếp tục trợ giúp dân chúng".
Tòa Thánh ca ngợi tất cả các quốc gia đang trợ giúp nhân đạo cho dân chúng gặp khó khăn từ Ucraina chạy đến, đặc biệt các nước láng giềng, nơi nhiều người dân Ucraina tìm đến để được an ninh.
Ðức Tổng giám mục Caccia nói rằng đối với Tòa Thánh, một trách nhiệm chung là "đón tiếp, bảo vệ và trợ giúp hàng trăm ngàn người tị nạn... Những nỗ lực đáp ứng nhu cầu của những người tị nạn tìm kiếm an ninh, phải được tiếp tục qua sự tôn trọng nguyên tắc không xua đuổi và là nghĩa vụ chung của chúng ta, theo công pháp quốc tế, kể cả quyền quốc tế của những người tị nạn và phải được thi hành dựa trên nguyên tắc không kỳ thị".
Sau cùng, Tòa Thánh xác tín rằng "luôn luôn có thời gian cho thiện chí, vẫn còn có thể thương thuyết, luôn luôn có chỗ để thực thi sự khôn ngoan, giúp tránh để cho quyền lợi phe phái trỗi vượt, bảo tồn được những khát vọng của mỗi người và tránh cho thế giới khỏi những điên rồ và khủng khiếp của chiến tranh".
(Vatican News 3-3-2022)