Tình trạng tự do tôn giáo
tại Nga đáng lo âu
Tình trạng tự do tôn giáo tại Nga đáng lo âu.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Aachen (RVA News 02-03-2022) - Theo hai tổ chức từ thiện Công giáo tại Ðức, là Missio và Renovabis tình trạng tự do tôn giáo của các nhóm tôn giáo thiểu số tại Nga "đáng lo âu".
Hôm 28 tháng Hai năm 2022, tổ chức Missio ở thành phố Aachen và tổ chức Renovabis ở thành phố Freising, đã công bố phúc trình cập nhật về tự do tôn giáo, theo đó các tôn giáo thiểu số tại Nga, như các Giáo hội tự do, chứng nhân Giêhôva, và Hồi giáo tại một số miền đang chịu những sức ép lớn. Lý do khiến nhà nước Nga hạn chế tự do tôn giáo là "để phòng ngừa những phê bình tình trạng chính trị và xã hội tại Nga và để xây dựng một xã hội đồng nhất và trung thành bao nhiêu có thể". Trong chiều hướng này, Giáo hội Chính thống Nga được nhiều đặc ân vì giúp "thống nhất căn tính của Nga". Tình trạng này cũng mở đường cho sự đối xử ngặt nghèo đối với những cộng đoàn tôn giáo có thể làm thương tổn cho căn tính của Nga theo sự giải thích của nhà nước.
Theo phúc trình, luật pháp của Nga qui định rằng tự do lương tâm và tự do tôn giáo có thể bị giới hạn để bảo vệ hiến pháp, luân lý, sức khỏe, các dân quyền và để bảo vệ đất nước và an ninh quốc gia.
Phúc trình cũng đề cập đến những vi phạm tự do tôn giáo tại bán đảo Crimea, bị Nga chiếm từ năm 2014.
Tất cả các tổ chức tôn giáo đều phải đăng ký theo luật của Nga. Giáo hội Công giáo và các giáo xứ Tin lành Luther cũng bị ảnh hưởng.
Các cộng đoàn Chính thống Ucraina không thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Mascơva, đã từ chối đăng ký theo luật của Nga. Vì thế, các buổi lễ tại các nhà thờ thuộc Giáo hội này thường bị cảnh sát và nhân viên an ninh khác ngăn chặn hoặc cắt ngang.
Tổ chức Missio ở Aachen là thành viên của Hội Giáo hoàng Truyền giáo, liên lạc với các Giáo hội địa phương ở Á, Phi và Úc châu, và dấn thân bênh vực tự do tôn giáo và đối thoại liên tôn. Còn tổ chức Renovabis do Hội đồng Giám mục Ðức thành lập, sau khi bức màn sắt sụp đổ năm 1990 và nhắm mục đích liên đới, giúp tái thiết Ðông và Trung Âu thời hậu cộng sản.
(Kathpress 28-2-2022)